Thanh Quang, phóng viên RFA - 2013-10-17
Những thảm cảnh khó nhạt nhòa
Có lẽ một trong những thảm cảnh khó nhạt nhòa trong nhân tâm, nhất là trong ký ức của cựu thuyền nhân Việt Nam, là tình cảnh thuyền nhân Việt Nam một thời ở Đông Nam Á; và nhất là tình cảnh của những thuyền nhân kém may mắn đã gởi lại nắm xương tàn ở các đảo xa xôi hoang vắng từ đó cho tới giờ. Những mộ phần ấy giờ ra sao?
Nhắc tới thuyền nhân Việt Nam là nhắc tới một biến cố sẽ mãi đậm nét trong dòng lịch sử dân tộc Việt dù giới cầm quyền trong nước có ra sức xóa sổ giai đọan lịch sử này hay không; và, đặc biệt là, nhắc tới số thuyền nhân kém may mắn đã nằm lại ngàn thu ở rừng sâu, núi thẳm hoặc tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á là nhắc tới một bi cảnh thương tâm không bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn của người thân, của những cựu thuyền nhân và của cả những tấm lòng nhân hậu, nói chung, thương cảm cho những nắm xương tàn nằm lại vĩnh viễn ở các hoang đảo xa xôi! Cảnh đau buồn đó, được một số thân nhân, cũng từng là thuyền nhân, mô tả:
“Tôi là một thuyền nhân ở đảo Galang, Indonesia, đã may mắn đến được bến bờ tự do. Nhưng chẳng may đứa con tôi chết và hiện giờ còn đang nằm lại ở đó. Tôi rất xúc động. Tôi đã từng nhìn thấy mỗi ngày ít nhất có một người chết. Khi họ chết rồi cũng không có gì để liệm, chỉ có một bộ đồ dính thân. Bà con đào một cái lổ, hạ huyệt, lấy một cục đá hay cành cây viết họ tên người chết mà thôi. Sau suốt 29 năm chúng tôi rất đau khổ, buồn, không biết dùng lời nào mà diễn tả… Nhưng trong cái xui cũng có cái may là mẹ tôi hiện có mộ, có bia hết rồi. Nhưng những thuyền nhân khác chết không tên, không có gì cả.”
Nhưng trong cái xui cũng có cái may là mẹ tôi hiện có mộ, có bia hết rồi. Nhưng những thuyền nhân khác chết không tên, không có gì cả.
-Một thuyền nhân
Khi những đoàn cựu thuyền nhân Việt Nam, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức, đầu tiên trở về Đông Nam Á thăm lại những vết tích kỷ niệm ấy, đã không khỏi bùi ngùi xúc động sâu xa trước nhiều “mộ phần thuyền nhân hoang phế, mộ không ra mộ, bia thì cái ngã, cái nghiêng, cái bể gãy, cỏ mọc cao tới đầu – rất thảm thương” khiến họ không cầm được nước mắt. Ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam nêu lên câu hỏi:
“Mọi người đã tự hỏi là bạn bè của những người đã nằm xuống ở đâu? Thân nhân của những người đã nằm xuống ở đâu? Đồng đội của những người đã nằm xuống ở đâu? Và lòng nhân đạo cùng tình nghĩa đồng bào của chúng ta ở đâu? Chính vì những điều ray rứt như vậy mà chúng tôi nỗ lực trùng tu lại mộ phần thuyền nhân Việt Nam, trước là để cho những người đã nằm xuống được yên lòng nhắm mắt, sau nữa là để chúng ta hãnh diện rằng chúng ta đã không bỏ quên đồng đội của mình nơi rừng hoang núi vắng dù đã qua 20 năm, 30 năm hay là 40 năm…”
Trùng tu mộ phần thuyền nhân
Sau nhiều đợt “về bến Tự Do” để thăm lại những trại tỵ nạn ở Đông Nam Á ngày nào cũng như trùng tu mộ phần thuyền nhân, thì hồi tháng Tư năm 2013 vừa rồi, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam có tổ chức một chuyến cắm trại 6 ngày 5 đêm tại đảo Bidong ở Malaysia để trùng tu khoảng 300 mộ thuyền nhân. Và trong chuyến đi thăm di tích tỵ nạn vào tháng Bảy sau đó, phái đoàn cũng đã đến viếng thăm nghĩa trang thuyền nhân ở đảo Galang của Indonesia và cắm trại 2 ngày 1 đêm để lo trùng tu khoảng 500 mộ thuyền nhân ở đó. Tổng cộng khoảng 800 mộ thuyền nhân ở hai nơi này bị bỏ hoang trong nhiều thập niên trước khi được trùng tu. Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cho biết đã hoàn tất khoảng 70% công trình trùng tu nghĩa trang Galang, khi tất cả mộ ở đó đã được sửa sang, chỉ còn khoảng 60 ngôi mộ chưa làm xi măng, sẽ được hoàn tất trước khi 500 ngôi mộ ở đó được rửa sạch và sơn lại để công tác trùng tu nghĩa trang Galang này sẽ hoàn tất vào năm 2014 hoặc 2015.
Còn ở đảo Bidong, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cho biết đã hoàn tất 70% công tác trùng tu 4 khu nghĩa trên đảo Bidong vốn nằm cách xa đất liền Malaysia chừng 30 dặm. Đây là nơi có địa hình phức tạp, việc di chuyển khó khăn, cây cỏ um tùm, với bốn nghĩa trang thuyền nhân gồm một khu nằm ở đất bằng, một khu ở lưng chừng đồi phía sau Chùa Từ Bi, một khu trên đồi F khá cao và một khu trên đồi khu G rất cao, rất khó tới, khiến công tác trùng tu gian nan hơn, đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, như ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, mô tả:
“Dụng cụ máy móc chúng tôi mang ra đảo khoảng 12 tấn, gồm máy phát điện, máy cắt cây, máy rửa mộ áp suất cao, những trụ xi măng, nhiều bao xi măng, ngay cả những dụng cụ cầm tay như dao, cuốc, xẻng, bao tay... cũng phải chuẩn bị. Và máy móc cũng phải mua máy mới, vì chúng tôi có mướn máy để sử dụng thử nhưng không tin cậy được bởi vì nó chạy chốc lát rồi lại ngưng. Ngoài ra cũng phải chuẩn bị những phụ tùng cho máy móc... Như vậy công tác chuẩn bị rất công phu. Do việc chuẩn bị khá chu đáo nên trong 6 ngày 5 đêm trên Bidong, chúng tôi đạt được yêu cầu đề ra từ trước, đó là dọn sách các nghĩa trang, rửa sạch các mộ và sơn 3 lớp (sơn lót, sơn chính thức, sơn chống thời tiết). Theo nhận xét của một vị tu sĩ Phật Giáo ở Bidong từ lúc còn nhỏ thì những nghĩa trang ở Bidong bây giờ còn mới hơn lúc ngày xưa khi người ta mới làm ra - và trông rất đẹp.”
Theo Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam thì ở vùng Kuku và Ariya của Indonesia còn khoảng 300 mộ thuyền nhân Việt Nam, và tại Bataan của Philippines cũng còn khoảng 300 mộ nữa. Số mộ hai nơi này chưa trùng tu dù Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đã làm thí điểm 50 ngôi mộ. Như vậy, theo Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, tổng cộng còn 600 mộ vừa nói sẽ được trùng tu từ đầu.
Riêng 1.000 ngôi mộ thuyền nhân trong đất liền Malaysia đã được Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trùng tu xong. Ông Trần Đông cho biết:
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tới cuối năm 2015 sẽ hoàn tất công trình mộ phần thuyền nhân Việt Nam tại tất cả những nơi vừa nói. Hiện giờ chúng tôi đang xúc tiến ráo riết tổ chức gây quỹ trong năm 2014 song song với việc trùng tu mộ thuyền nhân trong 2014 và 2015. Chúng tôi rất hy vọng được sự đóng góp giúp đỡ của tất cả đồng hương khắp nơi trong đợt gây quỹ lần cuối cùng vào năm 2014 và có thể có những cuộc gây quỹ nhỏ nữa trong năm 2015 để hoàn tất công tác trùng tu tất mộ thuyền nhân trong vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015.”
Theo Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam thì 2.500 mộ thuyền nhân được tìm thấy trong toàn vùng và được trùng tu là chứng tích của một biến cố lịch sử có khoảng 500.000 người đi tỵ nạn nhưng nằm lại vĩnh viễn ở tất cả các quốc gia trong vùng. 2.500 ngôi mộ ấy là chứng nhân lịch sử cuối cùng. Và Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam xem việc hoàn tất công tác trùng tu mộ phần thuyền nhân Việt Nam tại vùng Đông Nam Á là một hình thức hoàn thành nghĩa vụ đối với đồng hương, đồng bào và đồng đội của mình ra đi nhưng không may mắn phải bỏ thân xác nơi rừng hoang, đảo vắng và cũng bị quên lãng trong khoảng thời gian gần 40 năm qua.