VIỆT NAM (NV) Thursday, October 17, 2013 - Tại cuộc họp thảo luận nội dung dự thảo Luật Quốc Tịch năm 2008 đến nay đã phải được sửa đổi những điều khoản bất hợp lý, một số ý kiến cho rằng cần phải kéo dài thời hạn cuối cùng để Việt kiều nộp hồ sơ nhập tịch Việt Nam.
Theo báo Tuổi Trẻ, cuộc họp nói trên được tổ chức sáng ngày 17 tháng 10 tại trụ sở ủy ban về người Việt Nam ở hải ngoại tại Sài Gòn.
Việt kiều thường xuyên về nước cứu trợ đồng bào nghèo, nhưng không muốn xin nhập tịch Việt Nam. (Hình minh họa: phatgiao.org.vn) |
Vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại cuộc họp này là thời hạn để người Việt Nam ở hải ngoại nộp hồ sơ xin nhập tịch Việt Nam hiện nay không còn xa. Theo Luật Quốc Tịch được nhà cầm quyền CSVN ban hành năm 2008, đến tháng 7 năm 2014 tới đây là hạn chót để người Việt Nam ở hải ngoại nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Một tài liệu thống kê chính thức được công bố tại cuộc họp trên cho biết, tính đến nay chỉ mới có khoảng 4,000 trên tổng cộng 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại có quốc tịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ 0.1%.
Một Việt kiều đang ngụ tại quận 1 nói rằng, đó là con số quá thấp. Ông này cho rằng, ấn định hạn chót là tháng 7, 2014 để nộp hồ sơ xin nhập tịch Việt Nam là quá ngắn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Anh, trưởng phòng Quản Lý Xuất-Nhập Cảnh thuộc Công An Sài Gòn thì Luật Quốc Tịch của Việt Nam chưa quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người công dân song tịch.
Báo mạng VNExpress trích dẫn tài liệu nói rằng hiện nay có nhiều quốc gia chấp nhận đa tịch gồm Úc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Canada. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật, Nam Hàn, Singapore... buộc công dân nước mình xin nhập tịch quốc gia khác thì phải từ bỏ quốc tịch hiện tại.
Theo một chuyên viên làm việc tại cơ quan di dân và người tị nạn của Hoa Kỳ, luật quốc tịch của Việt Nam lâu nay chứa đựng nhiều điều khoản không rõ ràng.
Ông này cũng nói rằng, Luật Quốc Tịch có hiệu lực thi hành của Việt Nam từ năm 2008 vừa công nhận nhưng cũng vừa không công nhận các trường hợp song tịch.
Theo ông, công dân Hoa Kỳ chỉ mất quốc tịch của mình khi tự nguyện từ bỏ. Vì vậy, họ có thể có cùng lúc hai quốc tịch, Hoa Kỳ và một quốc gia khác một cách dễ dàng. (PL)