THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 September 2013

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước báo cáo lợi nhuận, cổ tức



(Dân trí) - Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ phải báo cáo tình hình các khoản chênh lệch bán phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, công ty con...

Tiến độ cổ phần hóa của các DNNN vẫn đang rất chậm chạp.
Tiến độ cổ phần hóa của các DNNN vẫn đang rất chậm chạp.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến vấn đề cổ tức và lợi nhuận của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước báo cáo tình hình các khoản chênh lệch bán phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, công ty con... đã tập trung thu về tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ cũng như tình hình sử dụng các khoản thu này thời gian qua gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Tính đến hết tháng 7/2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.914 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.990 doanh nghiệp và 1.924 doanh nghiệp được chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sáp nhập, hợp nhất, giao, bán…

Trên thực tế, việc cổ phần hóa đã tăng sức mạnh cho nhiều doanh nghiệp nhà nước. Có thể kể đến các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã nhanh chóng lớn mạnh, trở thành những công ty đại chúng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và có vị thế lớn trong nước và quốc tế như Công ty Cơ điện lạnh (REE); Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM); CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hay CTCP mía đường Lam Sơn...

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa thời gian này đang bị chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp nếu bán cổ phần sẽ không được giá và lo ngại sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước.

Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho biết, nằm trong diện phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2012-2015, có tới 76 đơn vị của 23 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành và địa phương muốn lùi cổ phần hóa.

Một số "ông lớn" sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thời gian sắp tới có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)...

Bích Diệp