Bài viết của báo Tầm Nhìn dưới đây cụ thể hoá tỷ lệ “phí bôi trơn” cho các dự án BDS. Tỷ lệ này là từ 25% đến 30%. Các cựu quan chức như GS Đặng Hùng Võ và TS Cao Sỹ Kiêm cũng xác định một vụ việc mà có lẽ mọi người đều biết và đã trở thành chuyện hàng ngày ở huyện.
Nếu theo tổng kết của sở thống kê thì con số FDI đầu tư vào BDS trong 10 năm qua là khoảng 60 tỷ USD. Tiền đầu tư từ nội địa của các nhà đầu tư Việt chiếm khoảng 45 tỷ USD. Bỏ qua con số cho những đầu tư chui (không cách gì định lượng) thì số tiền “bôi trơn” vào khoảng 27 tỷ USD.
Đây là một số tiền khủng cho một quốc gia còn nghèo như Việt Nam; và số tiền này là một trong những nhân tố tạo nên một nền kinh tế ngầm đáng kể ở Việt Nam; cũng như là những lý do khiến thế giới đặt Việt Nam vào những quốc gia có số lượng rửa tiền cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, tiền bôi trơn không chỉ giới hạn ở các dự án BDS. Một bài viết của tôi về nạn phá rừng (http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/global-witness-nc-mt-mi-trng.html) cho thấy nếu chỉ tính 8,000 USD cho mỗi mét khối gỗ của rừng sinh nguyên, con số thu nhập của việc phá rừng lấy gỗ là khoảng 65 tỷ USD trong 16 năm qua. Phí bôi trơn của các lâm tặc cũng đem đến cho nền kinh tế ngầm hơn 20 tỷ USD.
Đây tôi chỉ nói đến có 2 ngành nghề. Chúng ta còn có thể tính ra phí bôi trơn cho các dự án xây cất cầu đường, khai thác khoáng sản hay các nhà máy lọc dầu, thép, xi măng, phân bón….Các dịch vụ như logistics với phí vận chuyển, cảng bãi, thuế hải quan, và cả trăm cách để kiếm tiền bằng kỹ nghệ phong bì.
Có thể nói phí bôi trơn phủ tràn tất cả các lãnh vực ngành nghề của nến kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…và mọi doanh nghiệp lớn hay nhỏ (kể cả những quán hàng rong) đều phải chịu món “thuế” vô hình này. Ngay cả các người dân vẫn đối mặt hàng ngày với những món tiền “thuế” khi di chuyển và bị CSGT hỏi thăm.
Một vài ước lượng về tầm cỡ của nền kinh tế ngầm từ các chuyên gia (dĩ nhiên có thể sai hoàn toàn) là lượng giao dịch giữa các thành phần tham dự có thể lớn hơn 50% của GDP Việt nam hay khoảng 60 tỷ USD.
Hệ quả đầu tiên của phí bôi trơn là việc gia tăng giá thành của mọi sản phẩm. Trong khi lương nhân công Việt Nam được tiếng là một trong những nơi rẻ nhất thế giới, giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn đều nằm trong top 20 của toàn cầu.
Hệ quả sau đó là các số tiền khủng từ thu nhập phi pháp này tạo nên một nền kinh tế ngầm rất lớn, ngoài tầm kiểm soát của chánh phủ và không thể định lượng bởi các nhà phân tích kinh tế. Thực tình, nêú những dòng tiền bất hợp pháp này đổ vào những hoạt động đầu tư và thương mại chính thống như các dòng tiền khác, thì ảnh hưởng của chúng trên nền kinh tế cũng rất tích cực và đáng khuyến khích. Nhưng bản chất cần che giấu của dòng tiền khiến chúng thường đổ vào những phi vụ đầu cơ chụp giựt, đánh mau rút gọn, nên chúng thay đổi nhiều bản sắc của nền kinh tế trong các lãnh vực BDS, chứng khoán, vàng, ngoại hối…Việc đem các khối tiền lớn ra nước ngoài để tìm sự an toàn về lâu dài…cũng làm xuất huyết vốn luân chuyển trong nước.
Và chưa nói đến những hệ quả khác liên quan đến vấn đề đạo lý, sự vô cảm do phong trào chạy theo đồng tiền bẩn (và dễ kiếm), tấm gương của các người có quyền, sự yếu kém của một xã hội dân sự, và một nền giáo dục “dạy không người nghe”….
Nền kinh tế ngầm là biểu hiện của tất cả những gì không minh bạch. Và một nền kinh tế chính trị không minh bạch là rào cản lớn nhất cho mọi tiến bộ của xã hội.
Theo GocnhinAlan