Số người Việt đạt chuẩn siêu giàu của Wealth-X và UBS hiện là 195 người với tổng giá trị tài sản sở hữu là 20 tỉ USD. Trước đó một năm, Việt Nam có 170 cá nhân siêu giàu, với tổng giá trị tài sản là 19 tỉ USD.
Trong khi số lượng người siêu giàu tại những nền kinh tế lớn mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Brazil đang sụt giảm, số người siêu giàu tại các nước Đông Nam Á vẫn tăng, trong đó tăng mạnh nhất là Việt Nam và Thái Lan, theo báo cáo của Công ty tư vấn Wealth-X (Singapore) và Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ).
Trong số các nước Đông Nam Á có tên trong báo cáo của Wealth-X và UBS thì Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam có số lượng người siêu giàu gia tăng trong một năm qua.
Theo Wealth-X và UBS, tiêu chuẩn người siêu giàu dành cho những người sở hữu khối tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên.
Thái Lan là nước có số người siêu giàu tăng cao nhất, tăng hơn 15%, từ 635 người trong năm 2012 lên 720 người trong năm 2013.
Giá trị tài sản sở hữu của những triệu phú đô la này của Thái Lan cũng tăng. Hiện tổng tài sản mà giới siêu giàu Thái đang nắm giữ trị giá lên đến 110 tỉ USD, tăng từ 95 tỉ USD so với một năm trước đây, báo cáo của Wealth-X và UBS cho hay.
Tỷ lệ tăng về số lượng người giàu tại Việt Nam trong một năm qua xếp thứ hai Đông Nam Á, sau Thái Lan. |
Việt Nam xếp thứ hai, với mức tăng về số lượng người siêu giàu trong một năm qua là 14,7%. Số người Việt đạt chuẩn siêu giàu của Wealth-X và UBS hiện là 195 người với tổng giá trị tài sản sở hữu là 20 tỉ USD. Trước đó một năm, Việt Nam có 170 cá nhân siêu giàu, với tổng giá trị tài sản là 19 tỉ USD.
Theo sau Việt Nam là Indonesia, với tỉ lệ tăng là 10,2%. Wealth-X và UBS cho biết Indonesia hiện có 865 cá nhân siêu giàu, nắm giữ một khối tài sản với tổng giá trị lên đến 130 tỉ USD.
Vào năm 2012, Jakarta có 785 người siêu giàu, với tổng giá trị tài sản là 120 tỉ USD.
Số người siêu giàu theo chuẩn của Wealth-X và USB vẫn tiếp tục gia tăng, dù kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại, tờ Wall Street Journal (Mỹ) nhận định.
Các chuyên gia của Wealth-X và UBS cho rằng việc các nước Đông Nam Á tiếp tục có thêm nhiều người siêu giàu là nhờ sức tiêu thụ nội địa tăng vọt và sự gia tăng về số lượng của tầng lớp trung lưu.
Tầng lớp này đang giữ cho giới nhà giàu tại các quốc gia như Indonesia và Philippines tiếp tục khấm khá ngay cả khi thị trường tài chính trong nước suy yếu.
Wall Street Journal cho rằng các thị trường như Việt Nam và Myanmar tiếp tục là nơi đầy hứa hẹn cho dịch vụ ngân hàng tư nhân, với sự gia tăng vững chắc của tầng lớp người tiêu dùng và nhóm người giàu có.
Mặc dù UBS không có mặt tại hai nước này, nhưng ngân hàng hàng đầu thế giới này đang “theo dõi sát sao” Việt Nam và Philippines - Joseph Poon, Trưởng bộ phận khách hàng siêu giàu của Công ty quản lý tài sản UBS tại Đông Nam Á, cho biết.
UBS sẽ “sẵn sàng xem xét đến việc phục vụ khách hàng” của hai nước này, một khi các quy định pháp lý về quản lý ngành tài chính của chính phủ trở nên rõ ràng hơn, ông Poon nói thêm.
Cũng theo báo cáo của Wealth-X và UBS, số lượng người siêu giàu tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang tăng trở lại trong một năm qua, với mức độ tăng nhanh hơn châu Á.
Tuy nhiên, báo cáo này dự đoán châu Á sẽ vượt qua châu Âu về số lượng cá nhân siêu giàu vào năm 2021 và hơn Bắc Mỹ vào năm 2032.
Theo Thanh niên