Ngân hàng kẹt trong cuộc đua xiết nợ đại gia
Vị thế hoành tráng của những đại gia như Bianfishco, Phương Nam hay Vinashin trước đây khiến ngân hàng thi nhau săn đón, sẵn sàng hạ chuẩn để cho vay. Rồi cuối cùng, nhà băng lại khốn khổ vì nợ khó đòi.
Vụ việc hàng loạt sếp ngân hàng tại miền Tây bị bắt giữ mấy ngày qua vì cho vay trái quy định với Công ty Phương Nam (Thủy sản Phương Nam) được xem là bài học chung của ngân hàng về cách ứng xử trong quan hệ tín dụng với những khách hàng được đánh giá là khách có vị thế, đầy tiềm năng.
Thủy sản Phương Nam từng là một trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu có thời điểm lên đến hơn 88 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho trên 3.200 công nhân. Với một nguồn thu ngoại tệ lớn như vậy, đại gia này ngay lập tức lọt vào mắt xanh của các nhà cho vay. "Khi đó các ngân hàng thậm chí phải săn đón, năn nỉ những khách hàng như vậy để cho vay", lãnh đạo của một trong những ngân hàng là chủ nợ với Phương Nam thừa nhận.
Nhiều doanh nghiệp lớn cậy vị thế của mình để lợi dụng, chiếm đoạt vốn ngân hàng. |
Ở những địa bàn khó khăn như khu vực miền Tây, ngân hàng đương nhiên cũng khó tìm được khách tốt nên việc họ săn đón và chiều chuộng doanh nghiệp VIP cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress.net, tổng giám đốc một ngân hàng từng "khốn khổ" vì những khoản nợ của đại gia thủy sản Bình An (Bianfishco) trước đây nói thẳng, chính việc chào mời và đưa ra những ưu đãi nọ kia đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng.
Cũng vì ở vị thế "cửa trên" mà không ít doanh nghiệp, trong đó có Công ty Phương Nam, đã lợi dụng uy tín để đem hàng tồn kho thế chấp vay cùng lúc nhiều nơi dù giá trị thực tế của tài sản không tương xứng. Hàng trong kho (tài sản được Phương Nam thế chấp để vay vốn lưu động tại nhiều ngân hàng) hiện chỉ còn hơn 260 tấn, tương đương 22 tỷ đồng nhưng giá trị sổ sách doanh nghiệp xác định tại thời điểm vay lên tới 700 tỷ đồng và dư nợ đến nay đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Có ngân hàng khác, khi cho vay nhận thế chấp là động sản, hàng tồn kho nhưng vì quá "nể" khách VIP, sợ họ phật lòng mà nhân viên tín dụng không dám kiểm tra kho hàng hoặc xem kỹ từng thùng bên trong. "Thế nên, sau này khi mọi chuyện vỡ lở, mới biết kho hàng đó dù các thùng chất cao như núi nhưng phần lớn là rỗng hoặc không đủ số lượng", lãnh đạo một ngân hàng kể lại.
Một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, bản chất của sự cả nể ở đây là việc họ hạ chuẩn vay vốn. "Với một mục tiêu là khách hàng sộp, đương nhiên các ngân hàng đến sau, muốn cho họ vay được vốn thì phải làm vậy. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp một khi đã cố tình muốn lừa gạt ngân hàng thì cũng không phải khó", ông cho hay. Hiện nay, không ít doanh nghiệp bề ngoài đánh bóng tên tuổi với vị thế hoành tráng nhưng thực chất có 2 sổ sách báo cáo tài chính, một để lưu hành nội bộ, một lại chuyên để thẩm định vay vốn ngân hàng.
Chuyện ngân hàng sống dở, chết dở vì những khách hàng VIP không phải khi kinh tế đi xuống mới xuất hiện. Bài học Vinashin, Vinalines với vỏ ngoài là những doanh nghiệp đang lên trước đây là một ví dụ. Việc cấp tín dụng cho Vinashin từng là niềm tự hào của không ít ngân hàng khi đó và có nơi cũng chẳng ngại cho vay vượt hạn mức tín dụng được phép. Nhưng ngược lại, kết cục đáng buồn của Habubank hay những món nợ xấu nghìn tỷ chưa xử lý xong tại các nhà băng khác mà các "ông lớn" này để lại cho thấy thực tế không như mong đợi.
Hơn một năm vừa qua, sau thời gian cho vay nhanh, vội, các ngân hàng đã thắt chặt điều kiện cho vay và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp. Tại hội nghị ngành ngân hàng Hà Nội giữa năm 2013, vấn đề nới chuẩn điều kiện vay vốn để kích tăng trưởng tín dụng cũng được không ít ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, ngay lập tức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu tuyệt đối không có chuyện này bởi bài học mà ngành phải trả giá là nợ xấu và những rủi ro về đạo đức vẫn còn đó.
Mới đây, khi bình luận về những vi phạm của các cán bộ ngân hàng tại Sở giao dịch Hậu Giang trong vụ việc của Công ty Phương Nam, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng khẳng định, đã chỉ đạo trên toàn hệ thống không có chuyện cả nể trong quan hệ tín dụng với khách hàng. "Thậm chí, nếu khách hàng tốt đến mấy mà không tuân thủ quy định cũng cương quyết không cho vay", ông Hưởng nói. Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, nếu không làm chặt chẽ, không loại trừ việc các nhà băng vẫn có nguy cơ tiếp tục bị doanh nghiệp lừa.
Ở cấp độ người làm trực tiếp, cán bộ tín dụng của một ngân hàng trong nhóm G12 chia sẻ: "Khác với những năm trước, giờ khẩu vị của hầu hết ngân hàng đã thay đổi theo hướng thận trọng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với những khách hàng quen nhiều năm, đôi khi vẫn phải có cách thức linh hoạt trong thẩm định để họ không mất lòng. Đó mới thực sự là cái khó".
Thanh Thanh Lan