THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 December 2010

6/8 mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ tăng giá dịp Tết

Thứ Bảy, 4.12.2010 | 12:20 (GMT + 7)

Các chuyên gia dự báo sẽ có 6/8 mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến từ thịt tăng giá. Bên cạnh nhiều yếu tố khách quan, yếu tố tâm lý được cho là nguyên nhân chủ đạo.

Khách quan tác động giá thành
 
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội khẳng định: "Sẽ có đến 6/8 mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn tăng giá. Theo Cục Trồng trọt và phát triển chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thị trường trong nước sẽ thiếu 40.000 tấn lợn và phải nhập khẩu nên thịt lợn sẽ tăng 5-7%. Thịt gia cầm đã xuất hiện cúm ở Nam Định, nếu dịch cúm được lan rộng sẽ rất khan hiếm và giá tăng cao. Nếu dịch cúm ngăn chặn kịp thời thì giá cũng sẽ tăng từ 5-10%; Gạo do xuất khẩu được mùa, được giá nên giá trong nước từ nay đến Tết cũng có thể sẽ tăng thêm khoảng 5%. Tuy nhiên, chỉ gạo ngon mới tăng giá do nhu cầu tiêu dùng cao, gạo thường giá sẽ vẫn giữ nguyên".

Thịt lợn đang có mức tăng giá mạnh nhất
Thịt lợn đang có mức tăng giá mạnh nhất

Về mặt hàng đường ăn, ông Phú cho biết, theo Bộ Công Thương thì lượng dự trữ đủ cung ứng nhu cầu trong nước nên sẽ tăng không đáng kể, với mức khoảng 2% (tăng thêm 1.000- 2.000 đồng/kg). Thực phẩm chế biến từ thịt lượng cung ứng nhiều, nhu cầu cũng không cao ngay cả trong Tết nên giá sẽ tăng ở mức thấp 1-2%. Dầu ăn vừa có đợt tăng giá mới nên có thể đứng giá đến cuối năm. Giá rau củ quả cũng tương tự do rau củ vụ đông nhiều nên giá sẽ ở mức như hiện nay.
 
Với thịt gia cầm, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân tái khẳng định rằng, do các chi phí đầu vào tăng, cộng với nguồn gà đẻ trứng giảm vì giá gà cao, các trang trại đem bán thịt thay vì để nuôi đẻ trứng nên các trang trại đã tăng giá trứng thêm khoảng 250 đồng/quả. Theo đó, dự báo từ nay đến Tết, giá gà thịt cũng sẽ tăng từ 5-7%.
 
Lo nhất yếu tố tâm lý
 
Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Trần Thị Miêng cho biết, lượng gạo còn tồn kho khoảng 1 triệu tấn. Các doanh nghiệp sẽ cung ứng theo hợp đồng đã ký hết hơn 500.000 tấn, số còn lại đủ cung ứng cho thị trường trong nước đến gối vụ năm 2011. Đối với mặt hàng đường, các kho của doanh nghiệp hiện còn khoảng 36.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 10.000 tấn.
 
Thêm nữa, các doanh nghiệp còn hạn ngạch nhập khẩu 90.000 tấn nữa nên đường cung ứng cho thị trường trong nước không thiếu. Với mặt hàng thực phẩm, ước lượng thịt tiêu thụ năm 2010 tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2009 nên đã chuẩn bị nguồn cung. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường nhập khẩu thêm từ 5 - 6% tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng năm nên hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, giá cả vẫn sẽ tăng nhẹ theo diễn biến thị trường ngày giáp Tết Nguyên đán. Đây là nguyên nhân tăng giá đáng lo ngại nhất.
 
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: "Tăng giá do yếu tố tâm lý là đáng lo nhất. Bởi  dịp giáp Tết, người kinh doanh cũng có tâm lý muốn sinh lợi cao, người tiêu dùng cũng có tâm lý mua cho đủ hương vị Tết nên giá được đà tăng. Giá hàng thiết yếu của những doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cũng không thể đứng im vì sự biến động của giá cả trong dịp cuối năm.
 
Do đó, Sở Công Thương đã yêu cầu những doanh nghiệp này thực hiện bình ổn giá bằng cách không tăng liên tục theo thị trường mà điều chỉnh theo giai đoạn. Chẳng hạn, thịt gà điều chỉnh giá mỗi tuần/lần, các mặt hàng khác điều chỉnh một tháng/lần. Trước khi điều chỉnh giá mỗi mặt hàng doanh nghiệp phải giải trình rõ việc tăng giá đó".
 
Để đảm bảo cung cấp hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành khác chủ động lên kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, triển khai việc giữ giá các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng...
 
Đến nay, có 9 địa phương trên cả nước đã tiến hành các chương trình bình ổn giá. Hà Nội và TP HCM là hai thành phố lớn thực hiện chương trình bình ổn với số vốn hỗ trợ tương ứng là 500 tỷ đồng và 380,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm bán hàng theo hệ thống chỉ chiểm tỷ trọng 15%, 70% vẫn thuộc thị trường tự do, nơi giá vẫn có đất để hoành hành và khó bề kiểm soát.

"Tổ điều hành thị trường trong nước đã dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ tăng từ 1,3- 1,5% so với tháng 11. Như vậy, CPI cả năm nay nhiều khả năng tăng trên 11% so với năm 2009. Điều này cũng có nghĩa là giá cả trong tháng 12 cũng như dịp giáp Tết Tân Mão sẽ chưa dừng lại", ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
 
"Nếu là Bộ trưởng Bộ Công Thương tôi sẽ cho nhập ngay 40.000 tấn thịt về từ bây giờ để ngăn chặn việc tăng giá trong dịp Tết và giá loại thực phẩm này cũng sẽ dịu giá ngay. Vì đây là mặt hàng đang có mức tăng giá mạnh nhất: thịt thăn nạc tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000- 85.000 đồng/kg; thịt rọi, thịt vai, mông sấn tăng từ 60.000 đồng/kg lên 70.000- 75.000 đồng/kg.  So với Tết Canh Dần, đã có tới 40% các loại mặt hàng tăng giá", ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, nói.

Theo VTC