THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 December 2010

Di tích phố cổ sống chung với quán cơm, hàng nước

Thứ Bảy, 4.12.2010 | 09:04 (GMT + 7)

(LĐO) – Nhiều di tích đình chùa tại khu phố cổ Hà Nội đang trong tình trạng bị xâm lấn nghiêm trọng bới những quán cơm, hàng nước nhếch nhác.

   Di tích chùa Huyền Thiên biến thành chợ 
   Tan hoang rừng di tích Tà Thiết 

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. 

Đây cũng là nơi tập trung nhiều di tích cổ, lâu đời gồm đền, chùa, đình, hội quán…Tuy nhiên, rất nhiều trong số này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi những quán cơm, hàng nước, hàng quần áo, thậm chí những vật dụng sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ lạnh…

Phía dưới biển chùa là nồi canh

Chùa Vĩnh Trù (59 phố Hàng Lược), đình Thanh Hà (10 phố Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân), quán chùa Huyền Thiên (54 phố Hàng Khoai), đền Vọng Tiên (120 phố Hàng Bông), đền Trang Lâu (số 77 Phố Nguyễn Hữu Huân)…đang "chết" dần bởi hàng loạt những thứ lẩm cẩm nhếch nhác xung quanh. 

Ngoài những di tích kể trên, khu phố cổ còn có rất nhiều di tích đang bị xâm hại như: chùa Thái Cam (44 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), đền Trang Lâu thờ Liễu Hạnh (số 77 Nguyễn Hữu Huân), chùa Pháp Bảo Tạng 44 Hàng Cót (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đây là tấm biển chùa Vĩnh Trù
Đây là tấm biển chùa Vĩnh Trù

Chùa Vĩnh Trù đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và cũng là một trong những địa điểm thăm quan trong khu phố cổ. Tuy nhiên, di tích này đã bị biến thành quán cơm và là nơi sinh hoạt của người dân từ nhiều năm nay. Tấm biển ghi chùa được xếp hạng di tích, cấm xâm hại thật hài hước khi phía dưới nó là một cơ số nồi măng, nồi nước…dùng để bán hàng. Nhìn cảnh xô, chậu, bếp than….bừa bãi, nhếch nhác, khách thăm quan hết muốn quay lại lần sau. Còn người dân xung quanh hết muốn đi chùa vào những ngày rằm hay mùng 1.

Gian bếp luộm thuộm và mất vệ sinh trong khuôn viên chùa
Gian bếp luộm thuộm và mất vệ sinh trong khuôn viên chùa
Lẩm cẩm đủ thứ
Lẩm cẩm đủ thứ



Hỏi một cụ ông có thâm niên sống trong chùa này rằng " Sao cụ lại ở trong chùa như vậy", cụ bảo : " Chúng tôi ở đây từ thời Pháp thuộc, không sống ở đây thì ai trông chùa mà cũng chẳng có chỗ nào khác để ở?!".

Và quần áo
Và quần áo
Bia tưởng niệm được trang trí Noel và biển trà đá
Bia tưởng niệm được trang trí Noel và biển trà đá

Đình Thanh Hà còn bị biến thành nơi ở của một gia đình. Các vật dụng như ti vi, bàn ghế chiếm tới 1/3 diện tích của đình và chỉ cách khu thờ cúng, nơi người dân đến thắp hương vài bước chân. Khu bếp ăn và các loại vật dụng khác cũng ngổn ngang xung quanh nơi thờ cúng, thắp hương. Theo một người dân ở gần đình, buổi tối, đình sẽ bị biến thành nơi bán hàng ăn tối, ăn đêm với thập cẩm đủ loại. Không gian tôn nghiêm biến mất, nhường chỗ cho những nhếch nhác của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Bể nước và khu đun nấu ngay trong Đình Thanh Hà
Bể nước và khu đun nấu ngay trong Đình Thanh Hà
Đồ đạc bán hàng để ngay dưới nơi thắp hương
Đồ đạc bán hàng để ngay dưới nơi thắp hương
Vật dụng ngổn ngang ngay cạnh điện thờ chính
Vật dụng ngổn ngang ngay cạnh điện thờ chính
Kho chứa đồ ngay trước lối vào điện thờ chính
Kho chứa đồ ngay trước lối vào điện thờ chính
Trong đình chưa đủ thì ngoài đình
Trong đình chưa đủ thì ngoài đình

Tương tự 2 di tích trên, Quán chùa Huyền Thiên đã từ lâu bị người dân biến thành nơi kinh doanh bát đĩa, chén sứ, còn trên cao là những tấm biển hiệu quảng cáo. Theo người dân ở đây, chỉ có những ngày lễ hội, cổng chùa mới được thoáng đãng đôi chút. Trong khi đây vừa là ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu linh thiêng cũng như là một địa điểm du lịch văn hóa của khu phố cổ Hà Nội.

Biển Quán chùa Huyền Thien di tích kiến trúc nghệ thuật giữa cảnh nhếch nhác
Biển Quán chùa Huyền Thien di tích kiến trúc nghệ thuật giữa cảnh nhếch nhác
Hai bên cổng tam quan thì bị trưng dụng bán hàng bát đĩa …với đủ loại ô dù lộn xộn
Hai bên cổng tam quan thì bị trưng dụng bán hàng bát đĩa …với đủ loại ô dù lộn xộn

Nơi đây xưa kia là một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long, bao gồm: Trấn Vũ (Quán Thánh), Huyền Thiên, Đồng Thiên (đền Kim Cổ) và Đế Thích (chùa Vua). 

Đền, chùa và ….kinh doanh quần áo

Tại quán Vọng Tiên (nay còn gọi là đền Vọng Tiên) ở 122 phố Hàng Bông, đang thờ Mẫu và thờ Phật. Di tích này tương truyền là nơi vua Lê Thánh Tông gặp Tiên Nữ. Tuy nhiên, hiện toàn bộ phía cổng trước của đền đã bịt kín để biến thành những cửa hàng. Mỗi khi người dân đến đây thắp hương, cúng bái phải đi qua cổng phụ nhỏ, nằm sâu trong ngõ.

Đền Vọng Tiên bị che lấp bởi các cửa hàng quần áo
Đền Vọng Tiên bị che lấp bởi các cửa hàng quần áo

Những người không biết thì có nằm mơ cũng không thể nghĩ phía trong gian hàng bán quần áo lại là nơi thờ cúng tôn nghiêm. Điều đáng nói là người dân khu vực xung quanh cũng không mấy để ý đến sự việc này. 

Khi đến chùa Thái Cam (44 Hàng Vải), cũng một cảnh tượng quen thuộc khi xung quanh khu vực chùa là các hàng nước và hàng quán khác. Thậm chí hàng nước còn bày bán ngay lối cổng vào chùa. Chùa Pháp Bảo Tạng (44 Hàng Cót) cũng trong tình trạng tương tự.
 

Quán nước và xe máy ngổn ngang trước cổng chùa Pháp Bảo Tạng
Quán nước và xe máy ngổn ngang trước cổng chùa Pháp Bảo Tạng
Hàng quán xung quang chùa Thái Cam
Hàng quán xung quang chùa Thái Cam

Dẫu biết rằng có những khó khăn bởi các hộ gia đình lần chiếm di tích đã ngụ ở đây từ những năm khánh chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng khó không có  nghĩa là để tình trạng nhếch nhác như vậy kéo dài trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đây lại là những di tích mang tính tôn nghiêm và nằm trong một khu vực tập trung nhiều khách du lịch nhất Thủ đô. 

Đại diện Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội khu vực quận Hoàn Kiếm xác nhận có hiện tượng hàng quán xâm lấn các di tích tại phố cổ và đang phối hợp cùng với quận Hoàn Kiếm tìm phương án tối ưu nhất để giải quyết. Tuy nhiên, tình trạng  này không chỉ diễn ra trong một hai năm gần đây mà đã từ nhiều năm trước. Không biết đến khi nào mới có được phương án tối ưu trong khi các di tích đình chùa đang ngày càng "chết" dần?

Bài, ảnh: Chi Anh