TT - Đã hơn ba tháng kể từ ngày Vedan chấp nhận yêu cầu của đại diện nông dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, tiền bồi thường thiệt hại đợt 1 hơn 219 tỉ đồng vẫn chưa đến được tay người dân. Chuyện chi trả đã chuyển sang vai chính quyền và hội nông dân các địa phương với quá nhiều việc phải giải quyết tiếp.
Nông dân Lê Văn Tâm (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) nói: "Tôi nghe Vedan bồi thường nhưng chưa thấy được đồng bạc nào" - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Ngay sau khi Vedan chuyển tiền đợt 1 (50% giá trị bồi thường) vào tài khoản, các cơ quan chức năng của TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai bắt tay ngay vào tính toán phương án chi trả cho người dân. Song do con số thiệt hại theo kê khai ban đầu để yêu cầu Vedan bồi thường lớn hơn nhiều so với số tiền mà hai bên thỏa thuận nên việc chi trả cho ai, bao nhiêu là cả một bài toán đau đầu.
Mỏi mòn chờ đợi
Ngày 16-11, chúng tôi có mặt tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và chứng kiến cảnh người dân bị thiệt hại phải mỏi mòn chờ nhận tiền bồi thường của Vedan. Ông Nguyễn Văn Hiệp, ở ấp Bà Trường, nói: "Địa phương niêm yết danh sách tôi thiệt hại 1,4ha nuôi tôm nhưng đến nay vẫn chưa biết nhận tiền được bao nhiêu". Theo ông Hiệp, khi đến hỏi chính quyền địa phương thì được trả lời đang chờ áp giá. Tương tự, ông Trúc, ông Lê Văn Tâm đang chật vật với nghề nuôi tôm cho hay: "Nghe nói Vedan bồi thường chứ có thấy đồng bạc nào đâu!".
Không vì một vài hộ khiếu nại mà làm ảnh hưởng số đông Theo ông Đoàn Văn Sơn, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đang cố gắng để có thể giải quyết chi trả tiền bồi thường cho người dân vào cuối tháng 11. Ông Sơn nói: "Chúng tôi cũng rất nóng ruột, muốn tiền đến được với người dân sớm nhất, vì đây là tiền của dân. Nhưng do còn có khiếu nại nên trách nhiệm của chúng tôi là phải thẩm tra xác minh để việc chi trả được chính xác, công bằng. Nếu còn trường hợp nào chưa đồng tình thì huyện sẽ khoanh lại giải quyết sau, chứ không thể vì một vài hộ khiếu nại mà gây ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông". |
Còn tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, ông Lưu Văn Nghề - chủ tịch Hội Nông dân xã - cho biết việc rà soát danh sách hộ bị thiệt hại đã xong nhưng khi thử áp giá cho từng hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo ba vùng ô nhiễm (đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng và vùng ô nhiễm) như cách tính của Viện Môi trường - tài nguyên xảy ra sự chênh lệch quá lớn giữa địa bàn xã với xã Phước An.
Theo đó, huyện Nhơn Trạch chỉ có hai xã Long Thọ và Phước An được bồi thường thiệt hại với tổng số tiền đợt 1 là 45 tỉ đồng, nếu tính theo ba vùng ô nhiễm thì Phước An chiếm hơn 40 tỉ đồng, Long Thọ chỉ còn chừng 5 tỉ đồng. Vì vậy việc áp giá bồi thường đang được tính theo một phương án khác để tiền bồi thường sẽ đến tay người dân trong tháng 12-2010.
Nhiều nông dân ở huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Bùi Văn Khành, nhà ở ấp Thạnh Hòa, cho biết gia đình ông có tên trong danh sách được bồi thường nhưng hiện vẫn mong ngóng từng giờ. Theo ông Khành, sau khi cơ quan chức năng công bố danh sách chi trả hồi cuối tháng 8 thì phát sinh khiếu nại, việc chi trả bị ách lại chờ xác minh. "Có người hồi kê khai và viết đơn kiện Vedan không rành chữ nghĩa, mượn đơn rồi viết theo mẫu, giờ té ngửa ra do thiệt hại nhiều mà kê khai ít" - ông Khành kể.
Mệt phờ với giải quyết khiếu nại
UBND huyện Cần Giờ đã niêm yết (lần 1) danh sách các hộ được chi trả để người dân cho ý kiến. Và gần như ngay lập tức, hàng chục hộ dân đã tìm đến Hội Nông dân Cần Giờ, Hội Nông dân TP.HCM khiếu nại rằng mình cũng thuộc diện phải được bồi thường. Đây là những hộ có hộ khẩu tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và trong quá trình thống kê thiệt hại để đàm phán với Vedan các hộ này không kê khai, cũng không có ủy quyền cho các cá nhân đại diện đòi quyền lợi, nên Hội Nông dân TP.HCM không xem xét và hướng dẫn họ trở về địa phương nơi cư trú nhờ hỗ trợ.
Ngay cả những hộ có tên trong danh sách được bồi thường cũng phát sinh khiếu nại vì cho rằng diện tích, thời gian bị ảnh hưởng của nhiều hộ chưa chính xác, cơ quan chức năng địa phương phải thẩm tra, xác minh lại. Ông Phan Văn Phận, chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, cho biết để bảo đảm việc chi trả chính xác, huyện phải huy động cán bộ, chuyên viên đến từng xã, tiếp xúc từng người dân rồi căn cứ trên hồ sơ, xác minh trên thực địa nên mất rất nhiều thời gian, công sức.
Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu - chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành (Đồng Nai), tiền bồi thường đợt 1 của Vedan sẽ được chi trả và đến tay người dân vào cuối tháng 12-2010. Ông Ngẫu nói sở dĩ chậm hơn so với kế hoạch vì phải xác minh từng trường hợp làm nghề đánh bắt thủy sản bị thiệt hại mất rất nhiều thời gian. Riêng đối với những hộ dân nuôi trồng có diện tích, thửa đất thì có dễ dàng hơn nhưng cũng đang được niêm yết để xem người dân có thắc mắc hay không.
Một cán bộ có trách nhiệm ở Đồng Nai xác nhận với số tiền mà Vedan bồi thường đợt 1 (huyện Long Thành 15 tỉ đồng, Nhơn Trạch 45 tỉ đồng) dựa trên ba vùng ô nhiễm thì có sự chênh lệch rất lớn khi thử tính toán áp giá. "Vì vậy chủ trương của tỉnh Đồng Nai đang tính theo hướng áp giá hệ số bồi thường cho từng loại hình và tiếp tục lấy ý kiến dân trước khi áp giá chứ không phải bồi thường cho từng vùng ô nhiễm như trước đây" - vị này nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh nói tỉnh đang thử áp giá theo tiêu chí diện tích, hình thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh), sau đó chờ xem ý kiến của dân rồi mới chi trả.
Nông dân Đặng Văn Bình (ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) lội vào ao tôm trơ đáy vì bị ô nhiễm nước thải của Vedan đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường - Ảnh: H.T.Vân |
Chưa quyết được
Ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hiện huyện đã chốt danh sách đợt 2 những hộ dân đủ điều kiện nhận tiền bồi thường và triển khai niêm yết tại UBND các xã. Kết quả thẩm tra cho thấy có một số trường hợp trong quá trình kê khai trước đây có sự chồng lấn về thời gian, diện tích bị thiệt hại nên phải điều chỉnh hoặc loại ra khỏi danh sách.
Trong khi đó, có những trường hợp ở thời điểm kê khai thiệt hại người dân đã bỏ đi làm xa không về kịp, hoặc vì không biết chữ và ngán ngại chuyện kiện cáo mà không tham gia đòi Vedan bồi thường cũng có khả năng được xem xét chi trả.
Chiều 16-11, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ban chỉ huy thống kê thiệt hại đang tính toán, tìm các phương án chia tiền bồi thường của Vedan cho nông dân bốn xã của huyện Tân Thành.
Theo phương án ban đầu, xã Mỹ Xuân thiệt hại 77% được phân chia 32 tỉ đồng, thị trấn Phú Mỹ thiệt hại hơn 26% được nhận 9 tỉ đồng, còn hai xã Tân Phước và Phước Hòa lần lượt được nhận 7,2 tỉ đồng và 4,9 tỉ đồng với tỉ lệ thiệt hại gần 9%. Nhiều hộ nông dân ở hai xã Phước Hòa, Tân Phước không đồng tình và làm đơn đề nghị tính toán lại, bởi tiền chênh lệch giữa hai xã này với xã Mỹ Xuân lên tới chín lần.
Ngày 12-11, Ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban chỉ đạo huyện Tân Thành cùng chính quyền xã và đại diện các hộ dân đã họp bàn để tìm phương án trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định. Một lãnh đạo của phòng nông nghiệp huyện Tân Thành cho biết hiện có hai phương án chia tiền bồi thường của Vedan được xem là khả thi và dễ chấp nhận.
Phương án thứ nhất, lần lượt từ Mỹ Xuân - Phú Mỹ - Phước Hòa - Tân Phước, mỗi xã cách nhau 10% tiền chênh lệch, theo hướng giảm dần. Phương án thứ hai, số tiền Vedan bồi thường (hơn 53,6 tỉ đồng) tương đương 24,7% con số thiệt hại đã được thống kê, thẩm tra (hơn 216 tỉ đồng), như vậy mỗi hộ dân sẽ chia bằng cách lấy số tiền kê khai thiệt hại được niêm yết công khai trước đây nhân với tỉ lệ 24,7%. Chia tiền theo phương án nào thì đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể.
NGUYỄN TRIỀU - HÀ MI - ĐÔNG HÀ