>> Hà Nội: Ngộ độc khí lò gạch, 3 người tử vong
Lò gạch nhiều hơn nhà dân
Theo chân một anh trai làng, chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được tận mắt chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp nhưng tan hoang của cả một khu vực xưa kia là những cánh đồng màu mỡ.
Từ con đường chính dẫn đến xã Bắc Sơn, chiếc ô tô chở chúng tôi phải hì hụi khó nhọc lắm mới có thể "bò" theo con đường mà hàng ngày những chiếc xe tải chở nhiên liệu và gạch thành phẩm vẫn chạy. "Ngày trước, đây là con đường để người dân ra đồng. Hồi đó tôi còn bé, cùng cả lũ bạn thả trâu vui đùa giữa đồng rộng thênh thang" - người dẫn đường của chúng tôi nhớ lại. "Mấy năm nay, nó bị những chiếc xe tải hạng nặng ngày đêm băm nát."
Bước qua những rặng tre nửa xanh, nửa vàng úa, một "đại công trường" nghi ngút khói dần hiện ra cùng những cảnh tang thương của đồng lúa. Con đê làng Lai Sơn chạy dọc một nhánh của sông Cầu bị đào xới nham nhở. Những chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất khoét sâu vào tận thân đê. Nhiều đoạn, dòng sông bị "bẻ cong" để tiện cho việc múc đất làm gạch. Con đập tràn trên nhánh sông bị khoét sâu 2 bên, vỡ nham nhở.
Những lò gạch mọc san sát, thi nhau nhả khói nghi ngút. Không khí ngột ngạt bao trùm khắp một vùng.
Đứng từ trên đỉnh đồi phóng tầm mắt xuống, cả một vùng rộng lớn hàng chục km vuông đục ngầu một màu đất và gạch. Lò gạch nhiều vô kể. Không biết, chính quyền địa phương có thể thống kê hết những cái lò đang múc hết tài nguyên của làng Lai Sơn hay không.
Hun hút phía xa, sau những bụi tre vàng úa, thấp thoáng vài ba nóc nhà. Theo tìm hiểu, làng Lai Sơn có khoảng 500 hộ dân, được chia làm 5 cụm. Dân lò tập trung chủ yếu ở 2 cụm 4 và 5. Nhẩm tính, mấy cụ già gật gù, có khoảng 200 hộ làm lò, nhà nào cũng làm 2 cái. Đấy là chưa kể người nơi khác đến đây mở lò nữa…
Xã làm ngơ cho lò gạch tự phát mọc lên?
"Từ ngày người ta làm gạch, không khí ngột ngạt lắm, không chịu được" - bà Trương Thị Bốn (cụm 5) bức xúc. Theo bà Bốn, mấy năm nay, càng ngày lò gạch càng "bò" đến sát nhà dân. Cùng với đó, khói lò trở thành nỗi ám ảnh của những hộ ven đồng.
Chỉ tay ra mảnh vườn trước nhà, bà chua xót: "Trước trồng cây còn được ăn quả, bây giờ khó lắm nó mới sống được. Từ bưởi đến đu đủ, cây nào cũng bị khói lò làm cho vàng úa, sống sao nổi".
Cùng nỗi bức xúc như bà Bốn, bà Nguyễn Thị Biên (cụm 5) than: "Khói lò độc lắm. Mấy lần nhà tôi đưa bọn trẻ đi khám vì bị ho hay ngạt thở, bác sỹ đều bảo là do khói lò gạch. Cứ thế này chắc cả làng đổ bệnh vì khói lò mất".
Nhà chị Đặng Thị Nhi cách "đại công trường" sản xuất gạch chỉ khoảng 100m. Con còn nhỏ, chồng chị lại vừa đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân, một mình chị phải gánh vác cuộc sống gia đình. "Khói lò khó chịu lắm nhưng biết làm sao được. Mẹ goá con côi biết chuyển đi đâu?" - chị Nhi thở dài.
Qua nhiều nguồn tin, chúng tôi được biết, để có thể làm một cái lò, chủ lò phải bỏ ra khoản tiền 1,5 triệu đồng. Số tiền này, theo giải thích của các chủ lò là khi một hộ dân tự ý xới đất ruộng làm lò, xã sẽ xuống "phạt vi cảnh" và sau đó để hộ dân tiếp tục làm. Chỉ có điều, khi nào cấp trên cấm thì phải dừng.
Các hộ dân ở đây cho hay, ruộng đồng bị ảnh hưởng của khói lò gạch được xã hỗ trợ mỗi xào 200 nghìn đồng/vụ. "Số tiền này là do xã đứng ra thu của các chủ lò để đền bù cho dân" - nhiều người dân cho hay.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, cái quý hơn ruộng đồng, quý hơn những lò gạch đang nhả khói nghi ngút kia là tính mạng của mỗi người dân, liệu xã có quan tâm đến không? Sức khoẻ người dân ngày ngày bị ảnh hưởng, rồi những cái chết tức tưởi do ngạt khói lò, vậy mà chính quyền xã Bắc Sơn vẫn làm ngơ nhiều năm nay để hàng trăm lò gạch thủ công tự phát mọc lên, tàn phá xóm làng!?
Tiến Nguyên