* Yêu cầu thủy điện Hố Hô bồi thường
* 19 người thiệt mạng
TT - Lũ lại đột ngột dâng cao trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Bà Đỗ Thị Thìn (81 tuổi) được cán bộ xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cứu khỏi vùng lũ - Ảnh: Đoàn Cường |
Video clip "Trận lụt lạ hay là do thủy điện" - Nguồn: TVO |
Ông Nguyễn Thái Lân - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ - cho hay nguyên nhân lũ nặng ở vùng hạ du do lượng mưa lớn và kéo dài cả ngày, nước ở hạ du đã có nguy cơ gây ngập, cộng với lũ về từ thượng nguồn ở các sông dâng cao khiến lũ nặng và nhanh. Bà Đặng Thai Mai - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - dự báo những ngày tới, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên ở mức cao.
Thừa Thiên - Huế: trong 3 giờ nước dâng 1m
Sáng 16-11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở vùng hạ du sông Bồ, nơi có mức nước cao nhất trong hai ngày qua và ghi nhận hàng loạt cụm dân cư của các xã như Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền), Hương Văn, Hương Toàn, Hương Phong (thuộc Hương Trà)... đang bị chìm sâu và chia cắt do nước lũ. Ông Trần Văn Bốn, ở làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, nói: "Trời mưa rất nhỏ và không có dấu hiệu chi bất thường, rứa mà thình lình chiều 15-11 nước dâng vùn vụt khiến không ai kịp trở tay. May ra chỉ cứu được đồ dùng trong nhà, còn vườn tược, rau màu thì đành để mất trắng!".
Theo ông Trương Vang - chủ tịch UBND xã Quảng Phú, có đến hơn 5.000 trong số 12.000 dân của xã đang chịu ngập sâu, trong đó các thôn Xuân Tùng và Bác Vọng Đông ngập đến hơn 1,5m, gây thiệt hại rất lớn về tài sản và hoa màu của người dân. "Kinh nghiệm nhiều năm trên địa bàn thì khi mưa to kéo dài và có gió đông thì lụt mới lên như thế này. Năm nay mưa nhỏ lại không gió nhưng vẫn lụt lớn" - ông Vang nói.
Tương tự tại làng Thanh Lương thuộc xã Hương Văn (huyện Hương Trà), đến chiều 16-11 nước từ sông Bồ chảy rất xiết, băng qua làng vào đồng ruộng trông như lũ cuốn. Từ chiều hôm trước, phần lớn các thôn của xã này đã bị nước lũ cô lập và hàng chục hecta rau màu của người dân bị cuốn trôi. Ông Nguyễn Đắc Khôi, thôn Thanh Lương, nói: "Nước lên bất ngờ, trong vòng hơn ba giờ mà dâng cao 1m. Từ tối 15-11 đến chừ (chiều 16-11) nước vẫn không hạ, lại còn chảy xiết nữa!".
Chiều 16-11, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm đường lên thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ bằng ghe của người dân sau khi đường bộ lên thủy điện bị chia cắt bởi nước lũ. Từ ngay dưới chân núi cách hồ thủy điện khoảng 5km đã nghe rất rõ tiếng ầm ầm của thác lũ phát ra từ bốn cửa van (hai cửa xả chính thức).
Theo ông An Đình Nhã (trưởng phòng kỹ thuật của công ty), người trực tiếp chỉ đạo công tác điều tiết xả lũ của thủy điện, tính đến 17g cùng ngày lưu lượng nước đổ về hồ là 1.367m3/giây, lưu lượng xả (về hạ du) là 1.230m3/giây.
Quảng Nam: nước dâng, núi sập, sơ tán dân
Chiều 16-11, các hồ chứa nước ở tỉnh này đã mở van xả lũ. Hồ Phú Ninh có mực nước gần 31m đã mở đập tràn số 2 có hai cửa xả lưu lượng nước 330m3/giây và đập tràn số 3 mở tự do hai cửa xả 419m3/giây. Hồ Vĩnh Trinh, Việt An, Phú Lộc, Trung Lộc có mực nước qua đập tràn. Lúc 11g ngày 16-11, tỉnh Quảng Nam có công điện chỉ đạo các địa phương có vùng trũng thấp, ven sông suối, miền núi nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn.
Đến 15g30 ngày 16-11, lũ trên sông Thu Bồn bất ngờ dâng cao nhấn chìm nhiều làng mạc hai bên bờ sông. Hàng ngàn nhà dân dọc sông Thu Bồn thuộc hai huyện Nông Sơn và Duy Xuyên chìm trong biển nước. Trong khi đó tại các huyện miền núi, hiện tượng lở đất, kẹt đường cô lập nhiều nhà dân.
Tại huyện Nam Trà My, từ sáng 16-11 có 8/13 xã, thị trấn của huyện bị chia cắt và cô lập hoàn toàn do nước lũ. Tại các xã Trà Giang, Trà Đốc, Trà Bui, thị trấn Trà My có trên 50 điểm sạt lở, nước lũ dâng cao hơn 1m.
Tuyến đường độc đạo ĐT 616 lên huyện Nam Trà My bị cắt đứt do nước lũ dâng cao hơn 5m tại ngầm sông Trường thuộc địa phận xã Trà Sơn (Bắc Trà My) và huyện vùng cao Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn. Hàng chục xe khách, xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ công trình thủy điện Sông Tranh II bị mắc kẹt nhiều ngày nay vẫn chưa thông tuyến.
Tại huyện Nông Sơn, bảy xã và 35 thôn đã bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường ĐT 611 từ xã Quế Lộc đến trung tâm huyện Nông Sơn chìm sâu trong nước lũ hơn 5m. Nước lũ dâng lút các trụ điện tại đây. Hiện hàng ngàn nhà dân đang bị nước lũ tấn công. Chính quyền huyện Nông Sơn đã sơ tán hàng ngàn hộ dân dọc sông Thu Bồn từ xã Quế Trung đến xã Phước Ninh và Quế Phước. Nặng nhất là tại thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung). Ông Lê Ngọc Trung, phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết nước lũ đang lên rất nhanh, vượt mức báo động 3 và có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2009.
Tại huyện Duy Xuyên, nước lũ dâng cao đã gây ngập sâu phần lớn các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn; nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, mọi hoạt động đi lại, sản xuất của người dân bị ngưng trệ.
Quảng Ngãi: quốc lộ bị chia cắt
Rước dâu trong nước lũ ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) - Ảnh: HỮU KHÁ |
Đầu giờ chiều 16-11, Quân khu V đã điều động 25 cán bộ, chiến sĩ thuộc lữ đoàn 270 công binh đóng tại Quảng Nam cùng bốn canô chuyên dụng, bốn xuồng nhôm đẩy hỗ trợ Quảng Ngãi giúp dân vùng lũ. Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động hai canô chuyên dụng trực chiến tại huyện Bình Sơn.
Thượng tá Nguyễn Phương, chỉ huy trưởng quân sự huyện Bình Sơn, cho biết các canô sẽ được đưa về những nơi xung yếu, ngập sâu hỗ trợ di dời dân, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Đến chiều 16-11, ông Phạm Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết đã di dời trên 2.000 hộ dân tại chín xã của huyện đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Đoan, phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cho biết có nhiều điểm sạt lở. Tại núi Cà Đót, hàng ngàn mét khối đất đã đổ ập xuống mặt đường, chia cắt tuyến đường ĐT 622 đi huyện Tây Trà khiến huyện này bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện miền núi Sơn Tây, tuyến đường đi về các xã Sơn Tinh, Sơn Lập, Sơn Long bị chia cắt. Một số giáo viên của trường Sơn Long, Sơn Linh trở lại trường vào sáng qua vẫn đang bị mắc kẹt ở xã Sơn Mùa do sạt lở núi.
Tại huyện Lý Sơn, ông Võ Xuân Huyện - bí thư huyện ủy - cho biết mưa lớn đã gây ngập cục bộ trên địa bàn xã An Vĩnh và An Hải. Gần 300ha hành, tỏi của người dân mới gieo trồng đã hư hại hoàn toàn. Tuyến kè An Hải đã bị nước lũ kết hợp triều cường cuốn phăng ra biển gần 15m.
Lúc 18g ngày 16-11, quốc lộ 1A tại thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) đã ngập sâu đến 1m. Đoạn qua xã Bình Hiệp nước ngập 0,5m. Tất cả phương tiện đã bị cấm qua lại khu vưc nước chảy nguy hiểm. Trên tuyến quốc lộ 1A thuộc các điểm ngã ba Trà Bồng (xã Bình Long), thôn Trị Bình (xã Bình Nguyên), vùng ven các sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và sông Vệ bị ngập nặng, quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Kon Tum bị chia cắt ở cầu Sông Liêng, thị trấn Ba Tơ. Ông Phạm Văn Chung, 49 tuổi, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Ba Thành (huyện Ba Tơ), đi làm về ngang suối Gò Ôn bị lũ cuốn trôi.
Tại huyện Mộ Đức, mưa lớn nên hồ chứa nước Đá Bàn, xã Đức Phú rơi vào tình trạng nguy hiểm (do xuống cấp nhiều năm) đã đe dọa 194 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đang sinh sống ở hạ lưu.
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ