(DÂN TRI) Thứ Năm, 10/10/2013
Một cán bộ khoa học của Viện Dệt-may, Da-giày và Thời trang thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài khoa học lại “đạo” công trình của PGS-TS Lê Hữu Chiến.
Người “đạo” văn cũng là một PGS-TS, thêm một vết nhơ trong giới học thuật. Nói thêm một vết vì đã có quá nhiều vết, kể ra không hết. Có những công trình đã thực hiện công bố quốc tế, xuất bản ở các tạp chí chuyên ngành trên thế giới, nhưng sau đó bị phát hiện và bị hủy. Uy tín của giới khoa học Việt Nam bị tụt xuống thấp. Công trình do các nhà khoa học Việt Nam công bố quốc tế luôn bị dò xét cẩn thận, bởi vì đã từng có trường hợp “đạo” văn.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát thông cáo thu hồi bằng tiến sĩ của ông Phó Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2003, ông này làm luận án với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, nhưng đã sao chép 30% nội dung luận án tiến sĩ của TS Mai Thanh Quế đã bảo vệ trước đó một năm.
Ở các trường công rất tên tuổi như ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội mà để xảy ra những bê bối khoa học như vậy thì thật khó thuyết phục về lòng tin vào nền học thuật nước nhà.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát thông cáo thu hồi bằng tiến sĩ của ông Phó Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2003, ông này làm luận án với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, nhưng đã sao chép 30% nội dung luận án tiến sĩ của TS Mai Thanh Quế đã bảo vệ trước đó một năm.
Ở các trường công rất tên tuổi như ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội mà để xảy ra những bê bối khoa học như vậy thì thật khó thuyết phục về lòng tin vào nền học thuật nước nhà.
Học lên tới học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ mà sao chép luận án, công trình khoa học thì có phải nói dối không? Hay là làm dối, thậm chí là lừa đảo. Và từ chuyện “đạo” văn này, chẳng ai tin những thứ học hàm, học vị mà họ đã có trước đó. Người làm khoa học thực sự không bao giờ sao chép công trình của người khác. Việc này chỉ có ở những người cơ hội khoa học, kiếm chút hư danh để làm chuyện khác.
Trở lại chuyện mới đây, khi GS-TSKH Trần Ngọc Thêm công bố kết quả điều tra xã hội học về nói dối trong học sinh và sinh viên. Từ cấp 1 đến đại học, cứ lên một cấp là nói dối nhiều hơn. Đến sinh viên thì có 80% nói dối với cha mẹ. Nhưng khi còn là học sinh, sinh viên thì chỉ nói dối với cha mẹ thôi, khi trưởng thành và ra đời thì nói dối với xã hội, đánh lừa người dân và làm dối với đất nước.
Nghiên cứu khoa học dối trá để lấy cái học vị, học hàm, làm bàn đạp lên cái ghế là làm dối. Từ cái ghế, họ có điều kiện làm những việc dối trá khác.
Tất nhiên cũng có những tiến sĩ, thạc sĩ thật, nhưng giả nhiều quá; đến nỗi tiến sĩ thật không muốn tự xưng mình là tiến sĩ, bởi vì họ tự thấy không nên hùa chung với đám đông hư danh đó. Cho nên bây giờ, thấy quan chức chìa danh thiếp, ghi tiến sĩ, thạc sĩ nhiều như củi, tự nhiên thấy giật mình sợ hãi. Bởi vì, lại có thêm những người nói dối, làm dối trên đất nước này.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động