VIỆT NAM (NV) - Theo phúc trình của Viện Giám Sát Nguồn Thu, viết tắt là RMI, một tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, Việt Nam đứng gần cuối bảng nhóm các quốc gia “quản trị tài nguyên khoáng sản yếu kém.”
Phúc trình này được công bố tại cuộc hội thảo diễn ra ở Hà Nội hôm 8 tháng 10, bao gồm đại diện của tổ chức RMI và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Công Thương, Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam, Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ của Quốc Hội CSVN,...
Phúc trình này được công bố tại cuộc hội thảo diễn ra ở Hà Nội hôm 8 tháng 10, bao gồm đại diện của tổ chức RMI và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Công Thương, Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam, Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ của Quốc Hội CSVN,...
Than đá, một trong những nguồn khoáng sản quan trọng ở Quảng Ninh bị khai thác gần như kiệt quệ. (Hình: Vinacorp.vn) |
Phúc trình này còn nói rằng, việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam quá kém cỏi dẫn đến nhiều nguy cơ: hiệu quả kinh tế thấp; tỉ lệ thất thoát tài nguyên cao; tác động xấu trầm trọng đến môi trường, xã hội...
Cũng tại cuộc hội thảo này, phó viện trưởng Viện Tư Vấn và Phát Triển Việt Nam, ông Phạm Quang Tú, xác nhận rằng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản.
Theo ông, Việt Nam có hơn 5,000 quặng mỏ với trên 60 loại khoáng sản. Riêng ngành kỹ nghệ khai thác khoáng sản cũng đã mang lại mỗi năm nguồn lợi tức chiếm đến 11% tổng thu nhập quốc gia, trên 25% ngân quỹ nhà nước, qui tụ trên 431,000 công nhân.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông bộ trưởng Bộ Dầu Mỏ và nguồn khoáng sản Ðông Timor khuyến cáo Việt Nam nên “khẩn cấp học hỏi kinh nghiệm của thế giới để quản trị hữu hiệu tài nguyên khoáng sản.”
Một phúc trình khác của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường trước đó cho biết, đã cấp 79 giấy phép thăm dò, 503 giấy phép khai thác khoáng sản, tính đến tháng 5, 2013. Ðó là chưa kể ít nhất 4,200 giấy phép của chính quyền các địa phương cấp cho các công ty khai thác khoáng sản lớn, nhỏ khắp ở Việt Nam.
Tại một cuộc hội thảo khác về việc quản trị tài nguyên, ông Lại Hồng Thanh, cục trưởng Cục Kiểm Soát hoạt động khoáng sản của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam thú nhận rằng, chỉ có 40% đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này nộp phúc trình định kỳ hàng năm. Ông này nhìn nhận rằng “không thể tin nổi các con số báo cáo của 40% đơn vị” nói trên, và coi như “mù tịt” về hoạt động của khoảng 60% đơn vị khai thác khoáng sản còn lại. Ông Lại Hồng Thanh xác nhận “không nắm được thực trạng tài nguyên khoáng sản của Việt Nam hiện nay.”
Trong khi đó, theo ông Mai Xuân Hùng, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, cuộc khảo sát tại các vùng khai thác khoáng sản dẫn đến nhận định rằng, “ở đâu có khai thác khoáng sản thì nơi đó chỉ thấy môi trường bị tàn phá, cơ sở hạ tầng yếu kém dần và người dân càng thêm đói nghèo.”
Cũng theo ông Hùng, trừ hoạt động khai thác than đá và dầu khí mang lại chút ít lợi tức quốc gia, còn lại chỉ là sự tàn phá nặng nề trong mọi hoạt động được gọi là “khai thác khoáng sản.”
Báo Tiền Phong còn dẫn lời ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam cho biết, một công ty nọ chỉ nộp được 5 tỉ đồng, tương đương 250,000 đô lợi tức khai thác mỏ cho tỉnh Tuyên Quang. Trong khi đó, chính quyền tỉnh này đã phải chi 30 tỉ đồng, tương đương 1.5 triệu đôla, để sửa chữa con đường bị hư hại nặng nề vì xe vận tải khai thác mỏ qua lại mỗi ngày.
Cuối cùng, theo hầu hết các chuyên viên ngành khoáng sản, Việt Nam đã buông lỏng việc kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản suốt 40 năm qua. (PL)