KONTUM (NV) Thursday, October 10, 2013 .- Hàng trăm người thiểu số, cư ngụ tại nhiều khu vực khác nhau ở Tây Nguyên đã bị gạt, bị buộc làm việc như nô lệ và cuối cùng, thân nhân phải trả tiền chuộc họ về.
Hai thanh niên ở làng Plei Jơ Drợp mới được gia đình chuộc về đang kể với báo giới chuyện bị gạt làm nô lệ. (Hình: Thanh Niên)
|
Công an tỉnh Kon Tum vừa cho biết đã cử người đi “xác minh” chuyện 96 thanh niên nam nữ người thiểu số của hai xã Ia Chim và Đăk Năng thuộc thành phố Kon Tum, được đưa đến làm việc ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhưng không có lương và bị chủ cầm giữ, không cho về, gia đình phải bỏ tiền ra chuộc.
Việc “xác minh” chỉ được thực hiện sau khi báo giới và công chúng bày tỏ sự ái ngại cho thân phận của người thiểu số tại Việt Nam và căm phẫn trước lối cư xử tàn tệ của những kẻ bất lương.
Theo tờ Thanh Niên, đầu tháng trước, có một số người đến xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum, tuyển 32 thanh niên nam, nữ người thiểu số đi làm “công nhân” ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng với mức lương mà phía tuyển dụng cam kết sẽ trả là 3.5 triệu đồng/tháng.
Ngoài 32 thanh niên nam nữ người thiểu số của xã Đăk Năng, những người tuyển dụng còn tuyển thêm được 60 thanh niên nam nữ khác của xã Ia Chim, cũng thuộc thành phố Kon Tum với những cam kết tương tự.
Một tháng sau khi rời gia đình, nhiều thanh niên nằm trong số “được tuyển dụng” đến huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đồng loạt nhắn gia đình xoay tiền chuộc họ về. Những thanh niên này cho biết “công nhân” chỉ là cách gọi “phu đào vàng”. Tất cả bị buộc làm việc quần quật, bất kể thời gian, ăn ở tạm bợ, thiếu thốn và tính mạng thường xuyên bị đe dọa vì môi trường làm việc nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Chưa kể phía tuyển dụng tráo trở, lấy lý do mỗi người còn thiếu 1.2 triệu chi phí di chuyển từ Kon Tum đến Lâm Đồng để cầm giữ, không cho họ trở về nhà. Vừa mắc nợ, vừa không được trả lương, 92 thanh niên nam nữ người thiểu số ở Kon Tum đành cầu cứu gia đình.
Thân nhân của 92 thanh niên này cầu cứu chính quyền nhưng chính quyền làm ngơ và hiện nay, chỉ mới có 6 người được phóng thích nhờ gia đình xoay đủ tiền để chuộc họ về.
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với 121 người dân tộc Bh’noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 2010, 121 người này được “tuyển dụng” làm công nhân trồng rừng cho Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đắk Lắk. Tất cả đều không được trả đồng nào sau sáu tháng làm việc quần quật như nô lệ.
Chưa kể do ăn ở kham khổ, lao lực, một người đã thiệt mạng. Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính quyền mới chịu nhập cuộc. Mãi tới đầu tuần này, gần ba năm sau khi bị lừa làm việc không lương suốt nửa năm, 120 người dân tộc Bh’noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mới được Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đắk Lắk “hứa trả lương”. Gia đình người thiệt mạng thì được hứa sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Hồi tháng năm vừa qua, một tờ báo điện tử có tên là American Thinker, chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ, đã đăng một bài viết của Michael Benge, lên án chính quyền Việt Nam chủ trương và dung dưỡng tệ nạn buôn người.
Trong bài viết có tựa là “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire”, ông Benge cho biết, trong khi Bộ Công an Việt Nam loan báo, từ 2004 đến 2009, có 2,935 người Việt Nam trở thành nạn nhân của nạn buôn người thì các tổ chức quốc tế cho rằng, số người Việt là nạn nhân của tệ nạn buôn người từ năm 1990 đến nay phải trên 400,000 người. Ông Benge tin rằng, số liệu của các tổ chức quốc tế dù lớn nhưng chưa đầy đủ vì chưa tính tới hàng chục ngàn vụ lạm dụng con người.
Theo ông Benge, ngoài hoạt động buôn người của các công ty xuất cảng lao động, do chủ trương và sự dung dưỡng tệ nạn buôn người của chính quyền Việt Nam, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp nhân lực cho các hoạt động bóc lột tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
Sang tháng 8, tới lượt hãng tin BBC đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Thông qua Qũy Trẻ em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Từ 2005, Blue Dragon đã giải cứu 205 đứa trẻ, đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.
Một luật sư là thành viên sáng lập Blue Dragon kể với bà Brown rằng, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm ngoái là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.
Việt Nam không chỉ nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu mà người Việt còn bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam. Ông Florian Forster, Trưởng Văn phòng Di trú Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, nói với bà Brown: Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người trong nước mới chỉ được chính thức công nhận kể từ năm 2011.
Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong Dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) xác nhận: Hầu hết các vụ buôn lao động trong nước không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính.
Ngoài những cảnh báo về việc Việt Nam xâm hại nhân quyền, gần đây, nhiều tổ chức quốc tế còn cảnh báo cộng đồng quốc tế nên chú ý tới Việt Nam, vì quốc gia này còn xâm hại các chuẩn mực về lao động và môi trường.
Cách nay vài tháng, ba tổ chức: Công đoàn Huynh đệ Quốc tế (International Brotherhood of Teamster), Hiệp hội Quyền Công nhân (Worker Rights Consortium) và Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), đã từng lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngưng thảo luận về TPP với Việt Nam vì đang có sự lạm dụng lao động tại Việt Nam. (G.Đ)