HÀ NỘI (NV) - Trong khi Tập đoàn Than - Khoáng sản quốc doanh CSVN (TKV) liên tục than lỗ thì tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn công bố một phân tích, chứng minh, mỗi năm, TKV vứt đi 11,000 tỷ đồng.
Tàu chở 2,000 tấn than lậu từ Cẩm Phả, Quảng Ninh sang Trung Quốc bị Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ. TKV độc quyền khai thác và xuất cảng than nhưng khai thác lậu và xuất cảng lậu vẫn diễn ra phổ biến tới mức khó hiểu. (Hình: Tuổi Trẻ)
|
TKV bảo rằng họ lỗ vì phải bán than cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá rẻ hơn giá thành. Dựa trên những số liệu do chính TKV công bố: TKV hiện có 140,000 nhân viên, trong đó có “khoảng 40,000-50,000 nhân viên dôi dư chưa biết giải quyết thế nào nếu tái cơ cấu”.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, nếu mức lương trung bình cho mỗi người trong 9 tháng đầu năm là 7.2 triệu đồng/tháng như TKV loan báo thì từ đầu năm đến nay, TKV đã vứt đi khoảng 3,456 – 4,320 tỷ đồng vì ráng nuôi “nhân viên dôi dư”.
Cũng theo các số liệu do TKV cung cấp, trong 5 tháng đầu năm nay, TKV xuất sang Trung Quốc 4.8 triệu tấn than. Trong khoảng thời gian này, Hải quan Trung Quốc ghi nhận số lượng than mà Trung Quốc nhập từ Việt Nam lên đến 6.9 triệu tấn. Nói cách khác, có tới 2.1 triệu tấn than bị thất thoát rồi xuất cảng lậu sang Trung quốc. Giá trị số than bị thất thoát lên tới 2,800 tỷ đồng. Nếu mức độ thất thoát cứ tiếp tục như thế thì trong cả năm nay, TKV làm mất 5 triệu tấn than, tương đương 6,800 tỷ đồng.
Tính ra, mỗi năm, TKV vứt đi 11,000 tỉ đồng và 11,000 tỉ đó được cộng vào giá bán than. Ngành điện đem giá này đổ lên đầu người dùng điện. Vật giá vì thế liên tục gia tăng.
TKV chỉ là một trong hàng trăm tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang làm suy kiệt kinh tế Việt Nam. Theo một số thống kê, 13 tập đoàn và 96 tổng công ty của Nhà nước CSVN đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.
Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái nghiêm trọng. Việc hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản khiến hàng chục triệu người thất nghiệp, vật giá gia tăng, người nghèo càng ngày càng đông, càng lúc càng cơ cực, xã hội càng ngày càng hỗn loạn,… từng được nhiều chuyên gia kinh tế và nhiều viên chức trong hệ thống Đảng, hệ thống chính quyền, báo động.
Đó là hệ quả của chủ trương sai, quản lý tồi, điều hành kém và gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia được dồn hết cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong khi hệ thống này chỉ gây thất thoát,…
Bất chấp điều đó, mới đây, qua Hội nghị lần thứ 8 (30/9/2013 – 9/10/2013), Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN vẫn yêu cầu rằng, trong dự thảo Hiến pháp, phải xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời phải đưa dự thảo này cho Quốc hội Việt Nam thông qua, tại kỳ họp sẽ khai diễn vào trung tuần tháng này. (G.Đ)