1. SẢN PHẨM NHÀ MÁY SẢN XUẤT THUỐC NỔ Z121-BỘ QUỐC PHÒNG
2. Z121: Thành danh đâu chỉ nhờ pháo hoa
THEO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Nhiều người vẫn nghĩ: Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã “may mắn” có một ngành hàng mang tính độc quyền là pháo hoa. Thực ra, mặc dù đạt gần 50 tỷ đồng/năm, nhưng sản phẩm này chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của nhà máy.
Từng bước “thay máu” thiết bị công nghệ
Giữa hè, dưới nắng chói chang nhưng con đường dẫn xuống các phân xưởng sản xuất ở Nhà máy Z121 (tên đăng ký doanh nghiêp là Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21) vẫn râm mát bóng cây. Đường bê-tông sạch bong, cây xanh bạt ngàn, nhà xưởng ẩn mình dưới những tán lá… Thú thực, nếu không nghe thấy tiếng máy chạy ầm ì thì tôi cứ ngỡ mình lạc vào một khu du lịch sinh thái nào đó…
Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Xí nghiệp 1 (thuộc Nhà máy Z121) cho biết, tại xí nghiệp đang sản xuất những mặt hàng mà trong nước không ở đâu làm được. “Trước đây, sản phẩm pháo hoa chủ yếu được làm ra tại đây. Tuy nhiên, do quy hoạch chung về sản xuất, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy quyết định chuyển nhiệm vụ sản xuất pháo hoa cho xí nghiệp khác. Mỗi tháng chúng tôi sản xuất trung bình từ 17 đến 20 loại sản phẩm, trong đó 60% phục vụ quốc phòng. Hiện xí nghiệp đang sản xuất nhiều loại sản phẩm kinh tế, trong đó có dây cháy chậm, nụ xùy, dây nổ chịu nước, đạn tín hiệu báo bão, đặc biệt là kíp vi sai phi điện… Đây là những mặt hàng chiến lược của Nhà máy với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm” – Thượng tá Nguyễn Minh Thắng bộc bạch.
Tại một khu sản xuất, chúng tôi chứng kiến những dây chuyền màu sơn láng bóng, mới tinh, trung tâm điều khiển lắp đặt nhiều màn hình lớn để theo dõi từng công đoạn sản xuất. Theo anh Thắng, đây là dây chuyền sản xuất dây nổ lõi, được điều khiển tự động, năng suất làm ra sản phẩm cao gần gấp 2 lần so với công nghệ hiện hành và đặc biệt có độ an toàn rất cao. Điều đáng nói, từ dây chuyền nhập khẩu của nước ngoài, cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề nhà máy đã thực hiện thành công việc “nhân bản” thêm 2 tổ máy với 6 đầu máy phục vụ sản xuất dây nổ công nghiệp. Với 2 tổ máy tự thiết kế này (chủ yếu là nội địa hóa), Nhà máy đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng từ việc nhập khẩu thiết bị.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Khắc Hội, Giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, trong 5 năm gần đây, mặc dù tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà máy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, đồng thời tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm kinh tế có giá trị cao. Để giữ vững và phát triển thị trường, giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn, độc hại trong sản xuất, Đảng uỷ và Ban giám đốc nhà máy xác định phải “thay máu” thiết bị công nghệ, thực hiện cơ khí hoá – hiện đại hoá các chặng công nghệ sản xuất; triển khai các dự án đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. “Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn cho người lao động. Hiện nay, Nhà máy có thể đáp ứng đầy đủ các chủng loại dòng sản phẩm về phụ kiện nổ. Trên thế giới có chủng loại nào thì chúng tôi sẽ sản xuất được chủng loại sản phẩm ấy”, Đại tá Nguyễn Khắc Hội khẳng định.
An sinh trước hết là an toàn
Trung tâm điều khiển sản xuất dây nổ tại Xí nghiệp 1 (Nhà máy Z121)
Đại tá Trần Thế Khanh, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Nhà máy cho biết, từ ngày thành lập đến nay, Nhà máy Z121 đã tròn 45 năm xây dựng, trưởng thành. Hành trình ấy có những chiến công góp phần làm rạng danh ngành Quân giới (nay là Công nghiệp quốc phòng), nhưng cũng có những hy sinh thầm lặng mà ít người biết đến. “Thời buổi kinh tế thị trường, Z121 cũng phải thực hiện hoạch toán kinh tế như bao doanh nghiệp khác. Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất pháo hoa. Thực ra, sản phẩm này hiện chỉ chiếm khoảng 5% giá trị tổng doanh thu, nếu xét thuần tuý về hiệu quả kinh tế thì không cao so với các mặt hàng hoá nổ khác, thế nhưng ý nghĩa chính trị lại rất lớn”, Đại tá Trần Thế Khanh nói.
Vẫn theo Đại tá Trần Thế Khanh, với hơn 3000 cán bộ, công nhân viên và lao động hợp đồng, áp lực về việc làm, đời sống là rất lớn. Bình quân mỗi tháng nhà máy phải lo tới gần 30 tỷ đồng tiền lương. Vậy mà trong nhiều năm nay, Nhà máy Z121 không có hiện tượng thiếu việc làm, thu nhập bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các gia đình lính thợ đã trở nên khá giả, nhiều gia đình sắm được xe hơi, an sinh xã hội được bảo đảm.
Dĩ nhiên, vấn đề an sinh ở Nhà máy Z121 trước hết lại là công tác an toàn. Trong sản xuất, Z121 có 2 đặc thù cơ bản là nguy hiểm và độc hại. Nguy hiểm vì công nhân phải làm việc trong điều kiện có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Còn độc hại vì họ phải tiếp xúc với nhiều loại hoá chất. Trong những năm qua, cùng với đổi mới thiết bị công nghệ, Nhà máy đã tích cực cải tạo cảnh quan môi trường, coi trọng yếu tố bảo hộ lao động đã giúp người công nhân được làm việc trong điều kiện tốt nhất. Tại Xí nghiệp 2, những người lính thợ kỳ công ươm hàng trăm bồn cây cảnh, đắp hòn non bộ, đào ao, xây kè, bê tông hoá đường liên xưởng… tạo nên một “xí nghiệp xanh” vô cùng ấn tượng. Chỉ riêng khu vực Xí nghiệp đã trồng và quản lý tới 36,8ha rừng với rất nhiều loại cây như trám, sấu, mỡ, xà cừ, keo lá tràm… “Cây xanh đã giúp không gian sản xuất yên bình và trong lành hơn, nó là tài sản quý của chúng tôi, nếu chặt bất kỳ một cây nào đều phải có lệnh của giám đốc nhà máy”, Thượng tá Nguyễn Ngân, Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc Xí nghiệp 2 cho biết.
Giờ đây, Z121 đã trở thành một thương hiệu lớn của ngành Công nghiệp quốc phòng. Với doanh số năm 2011 phấn đấu đạt 1000 tỷ đồng, Nhà máy đang thực sự thành danh không chỉ nhờ sản phẩm pháo hoa.
Theo TTXVA