Khâu xử lý tài sản đảm bảo vẫn ách tắc khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong xử lý khối nợ xấu lên đến 53.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động của ngân hàng trên địa bàn thành phố chiều 14/10, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn khoảng 53.000 tỷ đồng. Con số này chiếm 5,99% tổng dư nợ, tăng 0,49% so với cuối năm 2012, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 69,1%.
Theo ông Minh, nợ nhóm 5 này tập trung chủ yếu ở các công ty tài chính và cho thuê tài chính. Có công ty tỷ lệ nợ xấu cao nhất lên đến 44,2%. Số nợ xấu này phát sinh phần lớn trong lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng và một phần nhỏ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nợ xấu trên địa bàn TP HCM tiếp tục tăng. Ảnh: Lệ Chi
|
Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank thông tin nợ xấu nhóm 5 của nhà băng ông rơi vào nhóm xuất khẩu (cà phê, điều, thủy sản) do họ là những doanh nghiệp bị gục ngã hoàn toàn trước sự khó khăn của nền kinh tế. Chẳng hạn ABBank cùng các ngân hàng đã cho công ty Thủy sản Phương Nam ở Bạc Liêu vay hơn 1.500 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này đã bỏ trốn. Để cứu được doanh nghiệp theo hướng tái cấu trúc thì 3-5 năm sau mới thấy được có ổn hay không. "Còn với số nợ hiện nay, lãi suất họ còn không trả nổi huống gì trả gốc", ông nói.
Ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chia sẻ, đến nay chưa có ngân hàng nào tự bán được tài sản đảm bảo mà đều phải qua các cơ quan chức năng, và thủ tục vô cùng nhiêu khê. Ông cho biết thêm, để giảm nợ xấu, MHB khởi kiện, bán tài sản chỉ là một giải pháp. Song song đó, nhà băng sẽ tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng. Đến hết 2014 ngân hàng này sẽ xử lý 1.400 tỷ, dự kiến trong quý IV bán 500 tỷ cho VAMC.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện nay các ngân hàng vẫn tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu, đó là thu nợ bằng tiền, xử lý tài sản đảm bảo, dùng quỹ dự phòng rủi ro, đồng thời xem xét để cơ cấu lại nợ quá hạn cho phù hợp với khả năng của khách hàng theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ cuối tháng 4-2012.
Theo ông Minh, đến cuối tháng 9, số trích lập của 14 ngân hàng có hội sở tại TP HCM vào khoảng 9.245 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đang tích cực bán nợ cho VAMC.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết sẽ tập hợp các ý kiến, khó khăn vướng mắc của các ngân hàng để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm hỗ trợ các ngân hàng giải quyết khó khăn.
Lệ Chi