THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 October 2013

Gánh nặng tiền trường, phụ huynh dễ ‘nổi xung’



Kinh tế khó khăn, trong các khoản thu ở trường học tăng cao làm cho nhiều phụ huynh tại TPHCM dễ cáu bẳn khi gồng gánh từng khoản tiền lớn lo cho con ăn học.
Nhiều khoản thu theo quy định tăng cao đã là áp lực đối với nhiều phụ huynh khi con đến trường
Nhiều khoản thu theo quy định tăng cao đã là áp lực đối với nhiều phụ huynh khi con đến trường.
Nỗi lo con đến trường
Đầu năm học, trước các khoản thu chính thức lẫn thỏa thuận ở các trường học, ít nhiều phụ huynh đều có phản ứng. Tâm trạng này của họ xuất phát từ khó khăn thực tế phải lo từng khoản tiền không nhỏ cho con ăn học vào dịp năm học.
Một phụ huynh có con học lớp 8, Trường THCS Colette, Q.3, TPHCM chia sẻ, đầu năm học, nhà trường nhận thông báo đóng 300.000 đồng tiền sơn trường, quỹ Hội Phụ huynh trường, lớp đều phát động thu 300.000 - 400.000 đồng/HS... và nhiều khoản khác lên đến gần 2 triệu đồng.
Các khoản thu tiền ăn, tiền bán trú, tiền học tiếng Anh... là áp lực rất lớn đối với những gia đình, nhất là phụ huynh nghèo
Các khoản thu tiền ăn, tiền bán trú, tiền học tiếng Anh... là áp lực rất lớn đối với những gia đình, nhất là phụ huynh nghèo.
Theo phụ huynh này, riêng các khoản chi cần thiết cho việc học của con như học phí, tiền học hai buổi, tiền học tăng cường ngoại ngữ - tin học, tiền vệ sinh phí... năm nay đồng loạt tăng, nhiều phụ huynh đã rất khó để trang trải. Thêm các khoản thu ngoài, quả thật là một gánh nặng cho mỗi gia đình. Như vợ chồng chị để lo cho hai con bước vào năm học, nhiều tháng nay, gia đình phải thắt chặt cả các khoản chi tiêu cơ bản nhất.
Từ đầu năm học, nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q. Thủ Đức) phản ánh về một số khoản thông báo thu của trường. Mới đây, nhiều phụ huynh lo lắng khi nhận được thông báo đóng các khoản thu như tiền ăn, nước uống, học hai buổi cùng các khoản như tiếng Anh tự chọn, tăng cường của các tháng 8 (tính từ ngày 12/8), tháng 9 và tháng 10 với tổng số tiền trên 2 triệu đồng.
“Đầu năm rất nhiều khoản phải chi, bây giờ đóng cho các khoản tiền 3 tháng một lúc, làm sao những phụ huynh lao động nghèo như chúng tôi lo nổi. Không lo đủ tiền, chẳng lẽ cho con ở nhà?”, chị T.H - có con mới vào lớp 1 lo lắng.
Phụ huynh đang gánh áp lực lớn
Ông Nguyễn Văn Cứng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh cho hay, cho đến ngày 8/10, chờ quyết định từ Phòng GD-ĐT, nhà trường mới chính thức thu các khoản tiền ăn, nước, tiền bán trú, tiền học ngoại ngữ... từ đầu năm học. Phụ huynh có thể đóng thành hai đợt (tháng 8 đóng cùng tháng 9 và đóng riêng tháng 10) chứ không yêu cầu phụ huynh phải đóng một lúc 3 tháng.
Bất kỳ khoản thu nào, ngay cả những khoản nằm trong quy định, theo ông Cứng, phụ huynh rất dễ phản ứng. Đây là tình trạng chung mà nhiều trường học vấp phải khi thực hiện việc thu chi.
Lý giải về việc các khoản thu, bà Nguyễn Thị Lan Hương - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch, Q. Phú Nhuận cho hay, năm nay các khoản thu trong quy định như học phí, tiền bán trú, tiền học hai buổi, bảo hiểm y tế, học năng khiếu... đều tăng cao hơn mọi năm. Bậc tiểu học tuy không phải đóng học phí nhưng gộp các khoản tiền cần đóng, cùng tiền mua sắm sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho con cái, phụ huynh cùng lúc phải lo khoản tiền cao vọt hơn trước nên họ hoảng hoặc không xoay xở nổi.
Bà Hương cho rằng, kinh tế khó khăn ảnh hưởng rất rõ đến việc đầu tư học tập cho con cái. Vì áp lực tài chính, nhiều phụ huynh lên gặp ban giám hiệu nói không muốn đóng tiền bảo hiểm y tế cho dù đây là khoản bắt buộc. Khi khoản bắt buộc còn khó đóng thì việc xã hội hóa giáo dục để đầu tư điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ càng khó thực hiện hơn.
Năm học 2013 - 2014, TPHCM chính thức áp dụng mức thu học phí ở các bậc học từ mầm non đến THPT tăng gấp 2 đến 6 lần so với mức áp dụng từ năm học 2012 - 2013 trở về trước. Các khoản thu khác nằm trong quy định như tiền học hai buổi, tiền tổ chức tăng cường ngoại ngữ, tin học cũng đều tăng 2 - 3 lần.
Các khoản thu bắt buộc tăng đã là áp lực rõ ràng đối với phụ huynh, đó là chưa kể các khoản được gọi là thu ngoài. Trước áp lực đó, học cáu bẳn và liên tục phản ánh đến báo chí cũng là điều dễ hiểu.
Không ai phủ nhận, với thực tế hiện nay, muốn có ngôi trường đáp ứng được về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập tốt cũng như tổ chức các hoạt động của nhà trường thì rất cần đến những khoản đóng góp từ cha mẹ HS. Đây cũng là cái khó của nhiều trường, nhất là các trường nghèo khi mà đến thu các khoản bắt buộc còn khó chứ chưa nói đến các khoản thu thêm để sửa chữa, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn, phụ huynh - cũng là những người tiêu dùng - sẽ cân nhắc kỹ khi bỏ ra đồng tiền mình nhọc nhằn kiếm được để đổi lại hiệu quả tốt nhất. Điều này đòi hỏi việc xã hội hóa giáo dục không những cần nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, đóng góp theo khả năng mà các khoản thu cần được chi một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nhất và đặc biệt nhà trường phải chứng minh được khoản thu đó phục vụ tốt cho HS.
Theo Hoài Nam
Dân Trí