(Kienthuc.net.vn) - Thủy điện nào cũng phải xả lũ nhưng nếu xả đúng quy trình thì thiệt hại cho dân vùng hạ du sẽ ít đi.
Người chạy chưa chắc đã kịp
"Việc người dân sau một đêm là mất trắng hết vườn tược, trâu bò, nhà cửa là bởi họ làm không đúng quy trình. Thế là vô hình trung, tiền lãi thì ngành điện đút túi, rủi ro thì dân phải chịu", PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ với phóng viên.
Ngày 18/9 vừa qua, sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân thị trấn Eađrăng (Eahleo, Đăk Lăk) đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Nguyên nhân là do thủy điện xả lũ quá bất ngờ khiến dân trở tay không kịp...
Để tôi nói luôn, thủy điện nào cũng xả lũ. Xả lũ là chuyện bình thường. Chỉ bất thường khi xả lũ mà gây thiệt hại cho hạ du. Trách nhiệm thuộc về ban quản lý công trình thủy điện vì đã không báo trước cho người dân để tránh, hoặc vận hành công trình đó không đúng theo quy trình.
Trong quy trình xả lũ người ta quy định rất rõ ràng về các yếu tố an toàn trong xả lũ và cấp nước cho hạ du. Phải thiết lập hệ thống thông báo, cảnh báo cho người dân để người ta tránh. Tại sao người ta không kịp tránh, nghĩa là họ không thông báo, hoặc thông báo chỉ để đối phó với quy định, quá cập rập, không đúng quy trình nên người dân không kịp chạy.
Theo quy định thì trước khi xả lũ phải thông báo trước bao nhiêu giờ?
Tùy mức độ quy mô công trình và tầm ảnh hưởng của nó đối với hạ du mà ban quản lý công trình thủy điện phải thông báo cho người dân để có thời gian chuẩn bị di dời. Thế nhưng, chẳng nơi nào người ta áp dụng đúng quy trình này. Họ thông báo trước đấy, nhưng chỉ trước có 1 - 2 giờ thì làm sao dân có thời gian di chuyển đồ đạc tài sản. Đến người còn khó mà chạy kịp nữa là đồ đạc. Hầu hết những sự việc xảy ra là đã vi phạm quy trình vận hành.
Vì sao chủ công trình lại không thông báo trước đúng quy định, họ có mất gì đâu?
Vì họ bất chấp mọi thứ, nhiều lý do chủ quan, người ta không chú ý đến điều đó. Rồi chính quyền địa phương cũng không sát sao, không quan tâm nhiều, để cho ban quản lý công trình tự làm việc nên mới thế. Trong văn bản giấy tờ là người ta đã quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong việc phối hợp với nhau, nhưng có ai làm đâu.
Hay là vì họ không phải là người dự báo thời tiết nên chính họ cũng không biết khi nào có lũ, khi lũ về thì họ cứ thế xả?
Họ không đủ năng lực, đủ kiến thức để dự báo được lũ. Khi xây dựng thì không tính toán đúng năng lực thiết kế của công trình, khi lũ về thì phải xả để cứu công trình vì nếu vỡ đập thì thảm họa còn lớn hơn nhiều. Khi đó, dù có báo trước, người dân cũng khó mà xoay sở được.
PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. |
Dân vùng hạ du thủy điện khổ nhất!
Một trong những nhiệm vụ của các công trình thủy điện là phải điều tiết nước, ngăn lũ và đảm bảo nước tưới cho hạ du, thế nhưng cứ lũ về là xả, mùa khan hiếm nước thì giữ mặc kệ hạ du "khát" là thực trạng nhiều năm rồi?
Thực trạng hiện nay là nhiều thủy điện tích nước bậy bạ, xả lũ lung tung. Bởi thế mà người dân ở hạ du những vùng thủy điện bao giờ cũng là những người chịu khổ nhất.
Vậy cái câu chuyện xả lũ, giữ nước một cách vô trách nhiệm ấy có thể hiểu thủy điện đã hại dân?
Về nguyên tắc thì thủy điện là tốt, thế nhưng vì nó nằm trong tay của các tổ chức cá nhân, họ chỉ lo cho lợi ích của họ, quên đi lợi ích của người dân thì nó lại có hại vô cùng. Mà thực tế đó lại đang diễn ra đáng báo động.
Liệu người dân có thể kiện?
Kiện ai được, sống trong vùng đó thì phải chịu thôi. Tôi thấy đây là vấn đề cần phải nhiều người lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho người dân vùng thủy điện. Cái hại của công trình như xả lũ, di dân, mất nguồn lợi thủy sản... thì người dân phải chịu. Thế nhưng, cái lợi của công trình như lợi nhuận từ bán điện thì không bao giờ người dân được hưởng.
Việc chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân là không có. Doanh nghiệp khai thác tài nguyên nước là đem lại lợi nhuận cho mình. Họ có đóng thuế cho nhà nước, nhưng nó không đáng gì so với tổng doanh thu của họ cả. Rồi bao nhiêu trong số tiền thuế đó đến được với người dân? Thế nhưng thiệt hại do công trình gây ra như lũ, hạn hán, mất nguồn lợi tôm cá... thì người dân phải gánh chịu.
Ông có thấy vô lý!
Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, nhóm mà quên mất người dân. Trăm thứ thiệt thòi đổ lên đầu dân. Nhiều người dân ở hạ du, đặc biệt là ở khu những công trình thủy điện nhỏ và vừa, gần như không được hưởng lợi gì. Phải có cách nào đó buộc nhà đầu tư phải chia sẻ quyền lợi cho người dân chứ không thể để như hiện nay được.
Nhưng để xây dựng công trình là chủ đầu tư đã phải bồi thường, di dân, tái định cư?
Công trình 100 năm, 50 năm, là trong suốt thời gian đó, nhà đầu tư thu về lợi nhuận. Trong khi ảnh hưởng đến người dân là suốt cuộc đời an cư lạc nghiệp của họ. Nên phải có quy định buộc ông chủ công trình đó phải có trách nhiệm với người dân trong suốt quá trình vận hành thủy điện.
Cơ chế đền bù thiệt hại cho dân còn rỗng!
Liệu khi đặt ra các điều kiện như ông vừa nói, người ta có ngại và sẽ không đầu tư vào thủy điện nữa?
Người ta nói thế thôi chứ đầu tư vào thủy điện là đầu tư siêu lợi nhuận. Không lãi, không ai đầu tư đâu. Nếu tính toán cụ thể thì mỗi công trình đem lại lợi nhuận khủng khiếp. Có những công trình lớn có thể hoàn vốn trong 7 năm, các công trình nhỏ vài trăm tỷ đồng thì có thể 5 năm là đã hoàn vốn rồi. Chưa nói đến việc người ta còn lợi dụng khai thác tổng hợp thì lợi nhuận còn lớn nữa. Ai cũng muốn làm, không chỉ riêng ngành điện đâu.
Nhưng làm thế nào để kiểm soát được việc chia sẻ lợi ích ấy?
Phải có chính sách chặt chẽ để buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Không thể có chuyện chỉ đền bù một vài trăm triệu đồng, xong là thôi, chào luôn! Trong khi đó lợi nhuận của công trình thủy điện thì họ thu đều đều hàng trăm năm. Cái lợi đó là thu từ tài nguyên của đất nước, cũng là của nhân dân cơ mà.
Thế còn việc thủy điện xả lũ gây ngập và giữ nước gây khô hạn thì họ được lợi gì, trách nhiệm là của ai?
Hiện không có quy định nào buộc thủy điện phải có nhiệm vụ chống lũ và điều tiết nước. Địa hình của nước ta chỗ nào cũng là vùng lũ lụt, sau lũ lụt là khô hạn và thiếu nước. Hai nhiệm vụ đó phải là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng ngành điện lại chỉ chú ý đến điện. Đó là sai sót lớn. Lỗ hổng này cần phải lấp.
Vậy với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu do xả lũ thì người dân có được bồi thường?
Có, nhiều nơi họ cũng thực hiện điều này khá tốt. Thế nhưng, họ có làm hay không thì cũng chẳng ai làm được gì. Chẳng ai giám sát, chẳng ai ép buộc cả. Nói chung cơ chế liên quan đến đền bù thiệt hại cho dân cũng còn rỗng nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Có những công trình lớn đang xây dựng đã bị vỡ. Cái đó hoàn toàn có thể đưa nhiều người ra tòa được, nhưng có thấy ai bị quy kết tội gì đâu. Việc vận hành các công trình thủy điện cũng chẳng ai giám sát. Bản thân quy trình vận hành đó cũng không hợp lý. Từ khâu thiết kế, quy hoạch, xây dựng, quản lý vận hành, khâu nào cũng có khuyết tật vì không có người đủ trình độ năng lực đảm đương. Không công trình thủy điện vừa và nhỏ nào đầu tư cho công tác dự báo. Việc phát triển thủy điện ở Việt Nam đang tồn tại rất nhiều bất cập cần phải chấn chỉnh.
Tô Hội (Thực hiện)