Thứ Bảy, 05/10/2013 20:16
Có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được tổ chức thu trên phạm vi cả nước. Chưa bao giờ người dân phải nộp nhiều loại phí và lệ phí với mức thu cao như hiện nay
Phí và lệ phí hiện là đề tài nóng mà dư luận rất quan tâm vì ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi của người dân. Sau gần 12 năm thực hiện Pháp lệnh 38/2001/PL-UBTVQH10 về phí, lệ phí (2002-2013), hoạt động thu phí, lệ phí đã được điều tiết theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng lạm thu và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân cho xã hội... Tuy nhiên, hiện hoạt động này cũng phát sinh nhiều điều bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
“Loạn” thu
Hiện có 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí đang được tổ chức thu trên phạm vi cả nước, trong đó thẩm quyền quyết định của trung ương 393 khoản, phân cấp thẩm quyền quyết định cho địa phương 39 khoản. Pháp lệnh phí và lệ phí có quy định: HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định thu phí, lệ phí; được phân cấp UBND cùng cấp trình lên. Như vậy, tùy theo nhận định của từng cấp đơn vị hành chính mà mỗi nơi sẽ quy định các loại phí theo các cách khác nhau khiến cho việc quyết định loại phí; mức phí; cách thức tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng không đồng bộ, chồng chéo lên nhau. Hoặc các văn bản quy định một đường nhưng thực tế lại làm một nẻo mà không thấy các cơ quan, ban - ngành đưa ra giải pháp để xử lý. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát đối với việc tổ chức thu phí, quản lý sử dụng các loại phí này của các tổ chức, cá nhân được quyền thu phí còn lỏng lẻo.
Các phương tiện giao thông vào khu, cụm công nghiệp cũng phải đóng phí đậu đỗ, ví dụ như tại Cụm Công nghiệp Trung An (tỉnh Tiền Giang) Ảnh: MINH SƠN
Trên thực tế, chưa bao giờ người dân phải nộp và có lẽ sẽ còn phải nộp nhiều loại phí và lệ phí với mức thu cao như hiện nay. Ngành chức năng cứ đưa ra mức thu và người dân chỉ biết nộp mà không có sự lựa chọn nào khác bởi hầu hết các khoản phí, lệ phí đều đánh vào tiêu dùng thiết yếu và cũng không biết kêu ai, làm cho túi tiền của người dân vốn đã bé đi rất nhiều bởi lạm tình trạng lạm phát cao nhiều năm qua lại càng teo tóp vì mức thuế, phí, lệ phí rất cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Mức thu thuế và phí (trừ dầu thô) của Việt Nam hiện nay đang rất cao so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, nếu tỉ lệ thu thuế, phí/GDP của Việt Nam trên 20% thì ở Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15,5%, Philipines 13%, Indonesia 12,1% và Ấn Độ chỉ 7,8%.
Hiện vấn đề lạm thu phí và lệ phí đang diễn ra một cách phổ biến trên mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của xã hội, trên diện rộng từ thành thị tới nông thôn. Phổ biến và dễ dàng nhận thấy nhất là “loạn” phí chung cư do các chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà thường tự ý đưa ra các mức giá dịch vụ trên trời. Phí dịch vụ hay còn gọi là phí quản lý mỗi nơi thu một kiểu, nơi tính theo mét vuông quy về diện tích căn hộ, nơi thu theo căn hộ; mức phí cũng rất tùy tiện...
Ngoài ra, việc thu các loại phí giao thông cũng quá dày, phí chồng phí, quá nhiều trạm thu phí san sát nhau, không bảo đảm khoảng cách giữa 2 trạm thu phí tối thiểu phải từ 70 km trở lên hoặc không sử dụng đường mà vẫn phải đóng phí... Việc ấn định các khoản, mức thu bằng tỉ lệ phần trăm trên giá trị tài sản như lệ phí trước bạ hoặc mức thu từ hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng trên các đầu phương tiện giao thông là biểu hiện của lạm thu.
Ngay cả khi vào khu công nghiệp (KCN) cũng phải nộp phí. Ví dụ khi đến khu vực KCN Mỹ Tho và Cụm Công nghiệp Trung An của tỉnh Tiền Giang, mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển quy định mức thu phí bến bãi do công ty quản lý ở đây tự quy định, áp dụng đối với các phương tiện vận tải trung chuyển hàng hóa và đậu đỗ qua đêm tại KCN Mỹ Tho và Cụm Công nghiệp Trung An.
Tương tự, tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành hàng không báo cáo về các loại phí và giá dịch vụ hàng không hiện nay rất cao, có nhiều thiếu sót trong công tác quản lý phí và giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
Phí thi hành án dân sự cũng bất hợp lý trong thực tiễn thi hành. Các quy định về thủ tục thu, nộp, xét miễn giảm phí thi hành án hiện nay còn mang nặng tính hình thức, thủ tục gây phiền hà cho đương sự và khó cho khâu thực hiện. Đặc biệt, các thủ tục này còn đi ngược lại với tiến trình cải cách hành chính mà các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đang ra sức thực hiện.
Nhiều khoản phí với nông dân
Ở các vùng nông thôn, hiện người dân phải gánh trên lưng quá nhiều loại phí, lệ phí bên cạnh các loại thuế. Nhiều khoản thu do chính quyền địa phương tùy tiện đặt ra và gọi là vận động tự nguyện nhưng thật ra là ép đóng. Mỗi nơi đặt ra một loại phí và thu một kiểu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí mà người dân phải đóng góp theo quy định của nhà nước và có 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000-800.000 đồng cho các khoản. Số lượng khoản và mức đóng góp phân chia theo vùng miền, cụ thể: Trung du miền núi phía Bắc: 28 khoản với mức từ 250.000-450.000 đồng/hộ/năm; đồng bằng sông Hồng: 26 khoản, 350.000-500.000 đồng/hộ/năm; Bắc Trung Bộ: 24 khoản, 500.000-800.000 đồng/hộ/năm; duyên hải Nam Trung Bộ: 28 khoản, 400.000-700.000 đồng/hộ/năm; Tây Nguyên: 17 khoản, 400.000-600.000 đồng/hộ/năm; Đông Nam Bộ: 22 khoản, 350.000-550.000 đồng/hộ/năm; đồng bằng sông Cửu Long: 25 khoản, 300.000-700.000 đồng/hộ/năm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, một số địa phương huy động đóng góp quá mức so với thu nhập của người dân, tạo thành gánh nặng cho người dân trong điều kiện thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn. Mức huy động đóng góp của người dân còn được thực hiện tùy tiện tại nhiều nơi, gây ra bất hợp lý giữa các vùng.
Những khoản nào nên bỏ?
Từ thực trạng trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải nghiên cứu để làm sao những khoản đóng góp của người dân trở nên hợp lý và dù nhà nước huy động kiểu gì cũng phải tạo điều kiện để người dân tổ chức cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Quốc hội không đặt ra cụ thể loại bỏ những loại phí và lệ phí nào và cũng không đặt ra thời hạn song yêu cầu Chính phủ phải rà soát việc thu phí, lệ phí, đặc biệt là những khoản đóng góp thiện nguyện của người dân, trong đó những khoản đóng góp cho xã hội, từ thiện phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải kiểm soát chính quyền địa phương làm đúng theo chỉ đạo, có như vậy mới tạo được kỷ cương trong bộ máy hành chính.
Ví dụ, hiện nay có một số khoản phí, lệ phí đang trở thành gánh nặng cho người dân, cần xóa bỏ:
Một là, đăng ký khai sinh; bản sao giấy khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; chứng thực hồ sơ đi học; chứng thực hồ sơ đi làm; đăng ký hộ khẩu thường trú; xác nhận hộ khẩu; cắt chuyển khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu vì thay đổi địa giới hành chính; xác nhận hộ tịch; cấp giấy chứng minh nhân dân; đăng ký tạm trú, tạm vắng. Đây được cho là những công việc liên quan đến mọi công dân, thuộc lĩnh vực dịch vụ công mà các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm lo cho dân, không nên coi là một loại phí buộc người dân phải đóng góp.
Hai là, Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu lại phí thủy lợi. Nếu mức huy động vào ngân sách không đáng kể thì nên bỏ để hỗ trợ người dân.
Ba là, các khoản thu thường niên và đột xuất đề nghị miễn: quỹ an ninh - quốc phòng; quỹ phòng chống lụt bão; quỹ kinh tế mới (ở một số địa phương); khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng điện cao thế...
Cần xây dựng một đạo luật riêng về phí, lệ phí để thống nhất và chuẩn hóa, khắc phục các chuyện bất cập, tránh tình trạng người dân cứ hoa cả mắt lên vì lâu lâu lại có thêm một loại phí, lệ phí mới trút xuống họ. Cũng rất cần sửa pháp lệnh để giải tỏa kịp thời những bức xúc cho người dân.
|
Kiểm soát không chặt
Trong 340 loại phí, lệ phí Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải bãi bỏ thì một số địa phương vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc đã bãi bỏ được những gì. Chính phủ vẫn chưa bao quát hết những khoản phát sinh phí, lệ phí và mức thu chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chậm được bổ sung. Việc kiểm soát của Chính phủ đối với việc thực hiện phí, lệ phí còn hạn chế. Một số quy định còn thiếu nhất quán, lạc hậu. Công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện pháp lệnh phí và lệ phí còn thiếu chặt chẽ. Vấn đề này phải được tăng cường kiểm soát và người dân cũng nên lên tiếng phản ánh nếu thấy các khoản phí, lệ phí bất hợp lý.
|
PGS-TS NGÔ TRÍ LONG