THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 October 2013

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước “buông” vàng?


(Từ vàng đến vàng) - Không còn hiện tượng sốt giá, tình trạng “vàng hóa” đã giảm mạnh, tỷ giá ổn định… Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN trả vàng cho thị trường.


Để ổn định thị trường vàng (chống hiện tượng đầu cơ, làm giá) và ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa”, ngày 3/4/2012, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ra đời. Cùng với đó, NHNN triển khai thực hiện một loạt các giải pháp bình ổn thị trường vàng như không cấp giấy phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; thực hiện chính sách Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD); sắp xếp mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới có quản lý của Nhà nước.
Và để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24, từ ngày 28/3/2013, NHNN tiến hành tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường để các ngân hàng có đủ vàng tất toán trạng thái và đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, NHNN cũng giám sát chặt chẽ tình hình các TCTD sử dụng vàng miếng mua từ các phiên đấu thầu, đảm bảo TCTD sử dụng vàng miếng đúng mục đích và tất toán số dư huy động vốn bằng vàng theo quy định của NHNN; theo dõi chặt chẽ việc TCTD tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng…
Sau một thời gian thực hiện, đến nay việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng của các TCTD cơ bản đã hoàn thành, giúp loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống TCTD, làm giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng, chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng, từ đó chuyển hóa nguồn lực bằng vàng sang VND để đưa vào sản xuất, kinh doanh hoặc tăng tiết kiệm thông qua tăng tiền gửi VND tại hệ thống các TCTD; đồng thời ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ, làm giá do quy trình đấu thầu bán vàng miếng được thực hiện thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, thị trường vàng đã ổn định, không còn sốt giá, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua khi giá biến động mạnh. Vàng cũng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến như trước và nhu cầu đầu tư kim loại quý này tại Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Hơn nữa, việc nhập lậu vàng giảm đáng kể, giúp tăng dự trữ ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh từ 9 tỷ USD hồi cuối năm 2011 lên 18 tỷ USD và đến thời điểm này là khoảng 32 tỷ USD-theo dự đoán của ngân hàng ANZ.
Còn nhớ, trước đây, để có thể tạo ra những đợt “sóng” mạnh thu hút người dân tham gia vào các cơn sốt vàng, giới đầu cơ phải gom một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, tạo nên sự khan hiếm ngoại tệ dẫn đến tỷ giá biến động, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và làm thâm hụt dự trữ ngoại hối.
Với tình hình thị trường như hiện nay, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên ban cố vấn của Chính phủ cho rằng, chính sách NHNN độc quyền và lấy thượng hiệu SJC làm thương hiệu vàng quốc gia đã giải quyết được 3 vấn đề là: Phục hồi dự trữ ngoại hối, chống được “vàng hóa” trong hệ thống ngân hàng, giữ ổn định thị trường ngoại hối.
“Đến nay, sứ mạng trên của NHNN đã hoàn thành”.-Ông nói. Nếu kéo dài việc NHNN độc quyền vàng sẽ không tốt vì theo nguyên tắc, NHNN không đáng phải là cơ quan đứng ra gánh rủi ro của thị trường khi thực hiện nhập, xuất khẩu vàng. Vì thế, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, đã đến lúc NHNN để các công ty kinh doanh vàng tự xuất, nhập khẩu vàng, đồng thời thành lập sàn vàng quốc gia để kiểm soát thị trường. NHNN chỉ thực hiện giám sát khối lượng nhập và giám sát giá cả khi biến động quá mức.
Tuy nhiên, ông cho rằng, Nghị định 24 mới đi vào thực tiễn một thời gian ngắn, nếu sửa lại lúc này có lẽ hơi sớm.
Đồng quan điểm như trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ, chính sách về thị trường vàng chắc chắn sẽ phải điều chỉnh nhưng không phải ngay bây giờ mà khoảng vài năm nữa, vì Nghị định 24 được thực hiện chưa lâu. Việc lập sàn vàng và để các doanh nghiệp tự xuất, nhập khẩu và trả vàng là hướng mà thế giới đã làm. Trước đây, Việt Nam đã từng lập sàn vàng nhưng sau đó lại điều chỉnh do xuất hiện một số tình huống đặc biệt. Tuy nhiên, về lâu dài, đây là lựa chọn tất yếu theo xu hướng tách Nhà nước quản lý và kinh doanh vì NHNN không thể độc quyền mãi được. “Việc này kéo dài sẽ gây hệ lụy liên quan đến môi trường kinh doanh, chức năng quản lý kinh doanh, tạo sự lạm dụng có thể cho lợi ích nhóm nào đó”.-Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.
Trước lo ngại về việc trả vàng về với thị trường sẽ lại dẫn đến hiện tượng sốt giá như trước, ông trấn an, không phải lo ngại về điều này vì việc đầu cơ xuất hiện phụ thuộc vào giá vàng thế giới biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn. Nếu hai yếu tố này không còn thì sẽ không thể đầu cơ. Hơn nữa, lập sàn vàng quốc gia sẽ giúp kiểm soát được vấn đề trên.
Trái ngược với các ý kiến trên, chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường hiện nay đã đi vào ổn định thì nên để thị trường như vậy. Nếu NHNN ngừng độc quyền vàng sẽ lại xảy ra tình trạng đầu cơ, sốt giá như thời điểm chưa có Nghị định 24. Theo ông, NHNN quản lý và điều tiết chứ không phải kinh doanh vàng. Trước đây, NHNN cấp quota cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng thì nay NHNN làm việc đó, như thế sẽ nhanh gọn hơn. Còn về vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, đã từng có 6-7 thương hiệu vàng miếng khác nhau nhưng trên thực tế vàng miếng SJC vẫn chi phối thị trường. “Vậy thì tại sao không để một thương hiệu cho gọn mà phải làm nhiều thương hiệu cho tốn tiền?” – Tiến sĩ Vũ Đình Ánh thắc mắc. Rồi ông nhấn mạnh: Hãy cứ để thị trường vàng như hiện nay.
(Gafin)