Từ ngày 1-9, cứ tối đến là nhóm lao động này ôm chiếu, chăn vào rừng tìm những căn nhà hoang để ngủ, tránh sự truy quét của cảnh sát Malaysia
Chiều 16-9, tại công trường xây dựng ở Shah Alam (bang Selangor), một nhóm lao động Việt Nam ngồi trước dãy “nhà” dựng lên từ những thùng container và ván công trình. “Có 16 lao động Việt Nam làm việc ở đây, trong đó 15 người không có giấy tờ gì” – ông Nguyễn Văn Tuyển (42 tuổi) quê ở Thái Bình, đã sang Malaysia sáu năm, nói với phóng viên Tuổi Trẻ.
Bên trong cái gọi là nhà, dưới cái nóng hầm hập, lao động Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đình Hải (đều từ Nghệ An) đang ngồi giải lao dưới sàn “nhà”. Để tránh cảnh sát, Bùi Văn Công (Nghệ An) đưa chúng tôi đến một phòng có lao động Việt Nam ở trước đó. Tại đây, sàn gỗ được khoét một “hầm” để chui xuống trốn khi bị truy quét. “Một lần chui được 4-5 người” – Công nói.
Việc trốn cảnh sát không chỉ dựa vào hầm bí mật, mà còn cả “chiêu” leo lên mái các ngôi nhà họ đang tham gia xây dựng (chủ Malaysia thuê lao động chui) để ngủ đêm. 21g, bốn lao động gồm Thành, Hải, Hùng và Công ôm chăn chiếu đã bỏ sẵn trong một cái giỏ và chia nhau xách đi. 15 phút sau cả nhóm dừng lại trước một dãy nhà đã xây dựng gần hoàn tất. Dưới ánh sáng của chiếc điện thoại, từng người bám vào tường leo lên mái của ngôi nhà 3 tầng rồi chuyển chăn chiếu lên trải ra ngủ. Một nhóm lao động Việt Nam khác gồm Hoàng Anh Tuấn (Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), Đinh Văn Nhanh (27 tuổi, xã Long Mai, Minh Long, Quảng Ngãi)… cũng ôm chiếu leo lên mái những ngôi nhà đang xây. Khắp các dãy nhà này có khoảng 200 lao động Indonesia, Bangladesh… đến đây trú ẩn.
“Không có giấy tờ phải chui nhủi vậy thôi. Trong đợt truy quét từ ngày 1-9, nhiều người không có giấy tờ phải chạy vào rừng, lên các công trình cao tầng để ngủ qua đêm” – ông Nguyễn Văn Tuyển cho biết. Được biết, phần lớn người lao động chui là nạn nhân của các công ty môi giới lao động không đàng hoàng. Ở nhà, các công ty này ngon ngọt cho biết sang Malaysia lao động với mức lương tương đương 8 triệu đồng Việt Nam/tháng, nhưng sang đến nơi thì “ngã ngửa” với mức lương chỉ 3-4 triệu đồng Việt Nam/tháng! Vì vậy, những lao động này đành phải bỏ ra ngoài sống chui nhủi để làm với mức lương cao hơn. Khi chúng tôi hỏi có ngại không nếu đăng phóng sự ảnh này, Văn Công cho biết: “Sống đời chui nhủi này cũng khổ lắm, nhiều anh em chúng tôi muốn trở về nhưng nghiệt nỗi về cũng tốn không ít tiền. Chúng tôi muốn công khai chuyện này để những người ở nhà cẩn thận trước khi quyết định sang lao động ở Malaysia”.
Sáng 18-9, chúng tôi có mặt tại Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia (thủ đô Kuala Lumpur). Bên trong đại sứ quán, nhiều lao động cư trú bất hợp pháp đang làm “giấy thông hành” để trở về nước.
Lao động Chu Viết Chiến quê ở Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ, kể: “Tôi quá ngán cảnh sống chui nhủi nên làm thủ tục về Việt Nam sau khi đóng phạt 1.600 ringgit (11,2 triệu đồng)”.
126 lao động Việt Nam đã bị bắt Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết khi Malaysia triển khai chương trình truy quét lao động bất hợp pháp, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam thông báo rộng rãi bằng nhiều hình thức cho người lao động biết. Hai cơ quan này cũng hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ người lao động ra trình diện, đăng ký để hợp pháp hóa tư cách lao động (nếu đủ điều kiện) và tự nguyện về nước nếu không đủ điều kiện. “Tuy nhiên hàng trăm lao động không biết vì lý do gì vẫn không đăng ký. Vì thế, từ ngày 1-9 chính quyền Malaysia đã thực hiện bước truy quét lao động bất hợp pháp. Số liệu mà ban quản lý lao động báo về có hơn 2.400 lao động nước ngoài bị bắt, trong đó Việt Nam có 126 lao động” – ông Quỳnh cho biết. |
THEO TUỔI TRẺ