NEW DELHI (NV) .Friday, September 27 - Việt Nam dự trù sẽ hoàn tất việc xây dựng công xưởng hải quân ở Cam Ranh vào năm 2015.
Ông Yevgeny Shustikov, Phó Tổng giám đốc Công xưởng Hải quân Zvezdochka (Nga) đã tiết lộ điều vừa kể với hãng tin RIA Novosti (Nga), khi tham gia Triển lãm Hải quân NAMEXPO 2013, diễn ra tại Ấn Độ.
Một góc quân cảng Cam Ranh. (Hình: Tiền Phong)
|
Ông Shustikov nói thêm với hãng tin RIA Novosti rằng, Công xưởng Hải quân mà Việt Nam đang xây dựng ở Cam Ranh sẽ là nơi sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam.
Vào lúc này, các chuyên gia của Nga đang làm việc với phía Việt Nam để bảo vệ thiết kế của dự án này.
Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã hỏi mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 4 chiến hạm phóng hỏa tiễn Gepard để trang bị cho hải quân. Việt Nam còn hỏi mua thêm 20 chiến đấu cơ Su-30MK2, hệ thống hỏa tiễn địa - không S-300, hệ thống hỏa tiễn hải – không Bastion và hỏa tiễn địa - không Igla để trang bị cho quân chủng phòng không – không quân.
Ngoài các chiến hạm mới mua của Nga, đến nay, Hải quân Việt Nam vẫn còn sử dụng các chiến hạm loại Svetlyak, Molniya mua từ Nga hồi thập niên 1990.
Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Nga trở thành “đối tác chiến lược” năm 2001. Đến năm ngoái, quan hệ Nga – Việt đã được nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Tháng trước, Nga và Việt Nam đã thảo luận chi tiết về các nội dung hợp tác chính như: Mở rộng hợp tác hải quân. Xây dựng Công xưởng Hải quân để đóng và sửa tàu cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần cho những con tàu ghé vịnh Cam Ranh.
Lúc đó, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, từng kể với Thông tấn xã CSVN rằng, Việt Nam và Nga đã đồng ý cùng thành lập một “liên doanh sửa chữa bảo dưỡng” các loại vũ khí, phương tiện mà Liên Xô từng viện trợ cho Việt Nam cũng như các loại vũ khí, phương tiện mà Việt Nam mới mua từ Nga.
Ông Thanh còn kể thêm là Nga yêu cầu Việt Nam “đơn giản hóa” mọi thứ để họ có thể “vào cảng Cam Ranh sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân” nhưng thay mặt Việt Nam, ông Thanh đã trả lời rằng, “quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”.
Cam Ranh từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Song căn cứ này chỉ được duy trì trong 23 năm, từ 1979 -2002. Sau đó, Việt Nam tuyên bố không để Cam Ranh bị biến thành căn cứ quân sự nữa. Tuy nhiên gần đây, Cam Ranh là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan tới nỗ lực “tăng cường hợp tác quốc phòng” giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như nỗ lực “hiện đại hóa hải quân Việt Nam”.
Ngoài thông tin liên quan tới việc Việt Nam đang xây dựng một Công xưởng Hải quân, Cam Ranh còn được kể tới trong kế hoạch xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm của dự án Varshavyanka”. Dự án Varshavyanka là tên gọi kế hoạch trang bị 6 tàu ngầm loại Varshavyanka lớp Kilo của Nga cho Hải quân Việt Nam.
Việt Nam đặt mua lô tàu ngầm này hồi năm 2009, vởi tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la. Năm nay, Nga bàn giao hai tàu ngầm đầu tiên của lô hàng này và tháng 11 sẽ bắt đầu đào tạo người sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh.
Gần đây, Việt Nam còn hỏi mua từ Nga tổ hợp Gefest/Hephaestus của công ty Aqua-Servis. Tổ hợp Gefest/Hephaestus là thiết bị mô phỏng để huấn luyện ứng phó trong các tình huống khẩn cấp trên biển. Theo dự kiến, tổ hợp Gefest/Hephaestus sẽ được Nga giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và Hải quân Việt Nam sẽ lắp đặt tổ hợp này tại trung tâm huấn luyện ở Cam Ranh.
Gần đây, Việt Nam còn hỏi mua từ Nga tổ hợp Gefest/Hephaestus của công ty Aqua-Servis. Tổ hợp Gefest/Hephaestus là thiết bị mô phỏng để huấn luyện ứng phó trong các tình huống khẩn cấp trên biển. Theo dự kiến, tổ hợp Gefest/Hephaestus sẽ được Nga giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và Hải quân Việt Nam sẽ lắp đặt tổ hợp này tại trung tâm huấn luyện ở Cam Ranh.
Cam Ranh cũng đã trở thành nơi mà một số chiến hạm Hoa Kỳ ghé vào để bảo dưỡng và nhận tiếp liệu. Lần gần nhất là hôm 1 tháng 5, chiến hạm USNS Amelia Earhart của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã vào Cam Ranh để bảo trì. Đó là lần thứ bảy chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ vào Cam Ranh để bảo trì. Chuyến đầu tiên là hồi tháng 2 năm 2010. (G.Đ)