Ngoài 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc theo Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM, đại biểu Lâm Thiếu Quân còn đề xuất thành lập thêm 3 thành phố tại khu vực 13 quận nội thành với các tên gọi thành phố Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn.
Ngày 27/9, 100% đại biểu đã cùng nhất trí thông qua nội dung dự thảo nghị quyết về “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM” sau kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. HCM khóa VIII. Tuy vậy, không hẳn tất cả nội dung của đề án này đều thuyết phục được các đại biểu
Tính đến nay TP. HCM đã tổ chức tất cả 6 hội nghị và nhiều cuộc họp nhận được gần 1.200 ý kiến đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đa dạng, nhiều chiều từ các cấp lãnh đạo Trung ương và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị… đóng góp cho dự thảo “Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP. HCM”.
Làm rõ việc phân cấp và cân đối ngân sách
Mở đầu cuộc họp có chuyên đề về “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM” lần này, ông Trương Văn Lắm – Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo Tờ trình của UBND TP về Đề án và xin ý kiến đóng góp để HĐND thành phố ra Nghị quyết thông qua dự thảo.
Tờ trình này đã nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng Đề án, đặc biệt là vấn đề cần phân cấp mạnh về cân đối ngân sách; chủ động về nhân sự, trong đó có tổ chức lại các bộ phường xã; phân cấp mạnh trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đa số các đại biểu phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí cao với chủ trương xây dựng Chính quyền đô thị, đồng tình với Đề án. Có 12 ý kiến đóng ý đều tán thành việc cần thiết phải xây dựng đề án, nội dung xoay quanh xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế phân cấp của trung ương cho thành phố, tổ chức HĐND trong bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, cũng còn một số băn khoăn mà thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp trước khi trình Chính phủ. Vì vậy, trước khi thông qua đề án, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến một số nội dung cụ thể của đề án.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết bà “đặc biệt quan tâm đến tài chính ngân sách trong đề án chính quyền đô thị”. Theo đại biểu Châu, cần phải kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh cho thành phố để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, một số lĩnh vực như thẩm quyền lập quy, tài chính công, tổ chức bộ máy và nhân sự kể cả một số lĩnh vực quản lý như giáo dục, y tế… thì mới giải quyết những vấn đề phát sinh.
Đại biểu Châu phát biểu: “Khi phân cấp tốt, sẽ tạo ra được các quy chuẩn khác nhau về đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng vùng đô thị hay nông thôn. Thành phố cũng chủ động được biên chế nhân sự. Nếu như hiện nay còn phụ thuộc, kiêm nhiệm, sẽ không hiệu quả trong quản lý”.
Đại biểu Từ Minh Thiện cũng ủng hộ phương án phân chia tách bạch giữa nguồn thu của Trung ương và của thành phố vì phương án này nâng cao trách nhiệm và tự chủ của địa phương.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thiện, phương án này có khả năng dẫn đến việc ngân sách sẽ phải tự chủ hoàn toàn và khả năng phá sản hoặc là thành phố không đủ ngân sách để chi tiêu cho các hoạt động và bộ máy là hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung thì cho rằng, cần làm rõ sự phân cấp cho chuyên ngành đặc thù, bởi trong đề án có nói về các lĩnh vực nhưng không nói đến quản lý chuyên ngành đặc thù về lực lượng vũ trang. “Việc đào tạo nguồn nhân lực cho an ninh quốc phòng phải chuyên nghiệp, hiện đại, tinh nhuệ. Đây là chuyên ngành đặc thù. Hiện nay dân số, mật độ dân số ở TP. HCM lớn, vì vậy đề án cũng cần bổ sung vấn đề này” – đại biểu này phát biểu.
Còn không ít băn khoăn về Đề án
100% đại biểu giơ tay biểu quyết ra Nghị quyết thông qua Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM |
Ngoài 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc theo Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM, đại biểu Lâm Thiếu Quân còn đề xuất thành lập thêm 3 thành phố tại khu vực 13 quận nội thành với các tên gọi thành phố Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn.
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề xuất thành lập thêm 3 thành phố tại khu vực 13 quận nội thành với các tên gọi thành phố Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn.
Mô hình trong tương lai sẽ là “thành phố trong thành phố” – đại biểu Quân nêu ưu điểm của ý tưởng này: “Các thành phố này sẽ có tính chủ động, gần dân và có quy mô phù hợp để tổ chức quản lý tốt hơn”.
Theo ông Quân, việc thành lập thêm 3 thành phố nội thành (tức không còn 13 quận nữa mà chia mỗi thành phố gồm từ 3 – 4 quận) sẽ giúp giảm biên chế, giải quyết công việc nhanh hơn vì chỉ còn cấp thành phố và cấp phường chứ không còn cấp quận như hiện nay.
Đại diện Ban soạn thảo đề án, ông Trương Văn Lắm giải trình, sở dĩ Ban soạn thảo đề xuất chọn một số khu vực ngoại thành để lập nên các thành phố vì từng khu vực có kết cấu hạ tầng khác nhau, trong khi đó 13 quận nội thành được thiết kế như một đô thị “lõi”, các khu vực xung quanh hiện là những địa bàn đang đô thị hóa nên tùy khu vực mà có mô hình quản lý khác nhau.
100% đại biểu giơ tay biểu quyết ra Nghị quyết thông qua Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM
100% đại biểu giơ tay biểu quyết ra Nghị quyết thông qua Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về một số điểm của Đề án như: UBND một số khu vực không phải do HĐND bầu, 7 Sở chuyên ngành dự kiến sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ lĩnh vực của mình phụ trách, nhưng chưa được quyền phân công, bổ nhiệm cán bộ, tỷ lệ 1/3 đại biểu HĐND chuyên trách sẽ không bao quát hết việc giám sát, lắng nghe ý kiến người dân…
Theo đại biểu Từ Minh Thiện, mô hình chính quyền đô thị phải tạo được cơ chế bố trí nhân sự dựa trên năng lực chuyên môn là tiên quyết. Cũng theo ông Thiện, hiện đề án chưa cho thấy tính chủ động trong các quyết định của HĐND các cấp.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự này, đại biểu Nguyễn Quý Hòa nêu băn khoăn: “kế hoạch đào tạo, huấn luyện nguồn nhân sự cho mô hình mới chắc chắn sẽ rất mới, khó và chưa có tiền lệ.”
Mặc khác, nhiều đại biểu cũng đề xuất, nên xây dựng cơ chế xử lý thông tin phản hồi trong quá trình thực hiện, vì sẽ còn nhiều sự thay đổi, thách thức, nếu không cơ chế sẽ bị động.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP. HCM, các đại biểu quan tâm đặc biệt đến các định hướng, nội dung chính, cơ bản của mô hình Chính quyền đô thị do thành phố đề xuất, với mong muốn đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng bộ và người dân thành phố.
Bà Tâm thừa nhận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng, làm rõ thêm cho đề án và cũng không phải hoàn toàn thống nhất ý kiến về đề án.
Từ ý kiến của đại biểu, bà Tâm lưu ý Ban soạn thảo Đề án cần gắn lý luận với thực tiễn khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sao cho khi triển khai sẽ có một mô hình chính quyền phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, viêc thông qua Nghị quyết Đề án đã được các đại biểu biểu quyết 100% trên tinh thần UBND TP. HCM tiếp thu các đề xuất phù hợp để hoàn chỉnh đề án trước khi trình Chính phủ xem xét.
THEO GIÁO DỤC