THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 August 2013

'Tàu ngầm và mẫu hạm Ấn Độ sẽ đánh sập kinh tế Trung Quốc'

Đó là nhận định của thiếu tướng hải quân hồi hưu Ấn Độ Raja Menon. Theo đó, chỉ cần khống chế được tuyến giao thông trên biển Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ có thể “đánh sập nền kinh tế Trung Quốc”.

Hôm nay, trang Phượng Hoàng của Hong Kong đã đăng tải bài viết nhan đề 'Hải quân Ấn Độ ra oai với Trung Quốc'.
 
Tuy nhiên theo Phượng Hoàng phân tích, những lời phát biểu của một số quan chức quốc phòng Ấn Độ chỉ nhằm mục đích kích động dư luận hai nước chứ bản thân hải quân Ấn Độ chưa đủ thực lực để đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Về tuyên bố của viên tướng Ấn Độ “Tàu ngầm hạt nhân và hàng không mẫu hạm trên Ấn Độ Dương hoàn toàn đủ khả năng đánh sập nền kinh tế Trung Quốc”, Phượng Hoàng trấn an rằng lời đe dọa ghê gớm này không đến từ phe diều hâu Mỹ phản đối Trung Quốc, cũng chẳng phải của cánh hữu Nhật Bản, mà là lời phát ngôn của tướng lĩnh hải quân Ấn Độ đã về hưu nên không đáng ngại. Một số động thái mới đây của Ấn Độ dường như đã chứng minh cho giả thiết này. Tuy nhiên, Ấn Độ có đủ năng lực làm được như vậy hay không lại là chuyện khác.
Liên tiếp có “hàng khủng”
Tờ The Hindu ra mới đây đã đăng bài phân tích của thiếu tướng hải quân hồi hưu Raja Menon của Ấn Độ. Bài viết chỉ ra rằng “rất có thể tuyến đường giao thông trên biển hiện nay sẽ trở thành điểm yếu đối với Trung Quốc trong tương lai”. Theo ông Menon, chỉ cần bỏ ra 600 tỉ Rupee (tương đương với 98,2 tỉ USD) tăng cường khả năng phong tỏa cho hải quân Ấn Độ sẽ giúp Ấn Độ kiểm soát được tuyến được giao thông chiến lược của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Như vậy, toàn bộ đường biên giới ở dãy Hymalaya có thể sẽ trở thành 'con tin' trên Ấn Độ Dương. Nếu làm được điều này, hải quân Ấn Độ có thể “đánh sập nền kinh tế Trung Quốc”.
Ý tưởng của thiếu tướng Raja Menon bắt nguồn từ mấy “món hàng khủng” mà hải quân Ấn Độ mới có được. Trước hết là tàu ngầm hạt nhân lớp Akula mà Ấn Độ thuê của Nga đã phục vụ cho hải quân Ấn Độ hơn 1 năm. Ngoài ra, hàng không mẫu hạm Vikramaditya mà Ấn Độ mua của Nga đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển rất thuận lợi, kỳ vọng sẽ được bàn giao cho hải quân Ấn Độ vào cuối tháng 9 năm nay.
Tàu sân bay Viraat của hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay Viraat của hải quân Ấn Độ.
Ngoài nhập khẩu tàu chiến, tàu chiến sản xuất trong nước của hải quân Ấn Độ cũng đạt được nhiều thành công vượt bậc. Tàu ngầm hạt nhân tự chế tạo đầu tiên của hải quân Ấn Độ INS Arihant sẽ được thử nghiệm trên biển vào tháng 8 tới. Có nguồn tin còn dự đoán, sớm nhất tàu hạt nhân INS Arihant có thể tiến hành chiến đấu tuần tra vào cuối năm nay. Theo thiết kế, INS Arihant có thể phóng 12 tên lửa hành trình K-15 với tầm bắn 700 km, hoặc 4 tên lửa hành trình K-4 với tầm bắn 3.500 km.
Máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier trên tàu sân bay Ấn Độ
Máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier trên tàu sân bay Ấn Độ.
Ngoài ra, tàu sân bay tự chế sản xuất của Ấn Độ INS Vikrant cũng sẽ được hạ thủy vào ngày 12-8 tới. Theo tờ Thời báo Ấn Độ, nước này còn đang lên kế hoạch chế tạo tàu sân bay hạt nhân với lượng choán nước 65.000 tấn.
Ngoại giao quân sự sôi động
Hoàn Cầu nhận xét ngoài việc tăng cường trang bị vũ khí, hoạt động ngoại giao quân sự của hải quân Ấn Độ cũng khá sôi động. Theo tờ Defense News của Mỹ, ngày 29-7 trung tướng Thura Thet Swe – tham mưu trưởng hải quân Myanmar đã có cuộc hội đàm với tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ Devendra Kumar Joshi trong chuyến thăm quốc gia Nam Á này. Hai bên đã ký kết thỏa thuận Ấn Độ chế tạo tàu tuần tra biển gần cho Myanmar. Ngoài ra, Ấn Độ còn đề nghị huấn luyện binh sĩ trên máy bay trực thăng cho Myanmar. Theo Defense News, hành động này của Ấn Độ là nhằm “giảm bớt độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực này”.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của hải quân Ấn Độ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của hải quân Ấn Độ.
Không chỉ vậy, ngày 28-7 tờ The Hindu đưa tin Ấn Độ có kế hoạch cho Việt Nam vay 100 triệu USD để Việt Nam mua 4 tàu tuần tra do Ấn Độ sản xuất. Ngoài ra, Ấn Độ còn có kế hoạch bán cho Việt Nam tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos nhanh và uy lực nhất thế giới.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng do nhiều nguyên nhân, thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” luôn ám ảnh giới chính khách và quân sự Ấn Độ. Kể từ khi bước sang thế kỷ XXI, cùng với việc Ấn Độ thực hiện quốc sách “Hướng Đông”, thái độ của một số chuyên gia và chính khách Ấn Độ đối với Trung Quốc không còn dừng lại ở sự “cảnh giác” mà ngày càng thể hiện tính tấn công.
Nhiều chuyên gia quân sự và học giả Ấn Độ tin rằng nếu khống chế được con đường chiến lược trên biển Ấn Độ Dương sẽ 'bóp nghẹt' được nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên những loại vũ khí mới và chiến lược “ngăn chặn” Trung Quốc này ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết, kế hoạch mua sắm vũ khí của Ấn Độ còn tiềm ẩn các nhân tố bất xác định. Hiện tại tên lửa K-4 chưa được chế tạo thành công, trong khi trước đó tên lửa K-15 gặp thất bại trong quá trình thử nghiệm. Trên thực tế, Ấn Độ đã thừa nhận chương trình tàu ngầm hạt nhân lớp Scorpene đang vấp phải những trở ngại nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, việc chế tạo tàu ngầm thời gian tới chắc chắn sẽ khó có thể thuận buồm xuôi gió.
Quá trình sản xuất tàu sân bay cũng tồn tại vấn đề tương tự. Theo tiết lộ trước đó của báo chí Ấn Độ, tàu khu trục phòng không Kolkata do Ấn Độ sản xuất đã tiến hành được 10 năm, nhưng để đưa vào phục vụ cho quốc phòng cũng cần một thời gian khá dài. Dựa vào đó có thể suy ra, công nghệ chế tạo hàng không mẫu hạm đòi hỏi phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với tàu khu trục, trình độ chế tạo của Ấn Độ có đáp ứng được hay không vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải.
Hoàn Cầu kẻ cả phán rằng những nỗ lực của Ấn Độ để bắt tay với một số nước như Nhật Bản, Mỹ... để ngăn chặn Trung Quốc chỉ là “bóng trăng dưới nước”. Việc mới đây một số chuyên gia Ấn Độ coi Trung Quốc là kẻ thù giả định mục đích là để kích nộ hai nước, nhưng không có bất kỳ tác dụng thực tế nào, chỉ khiến ngân sách quốc phòng của Ấn Độ thêm nặng gánh.