(Dân trí) - Gửi đi hàng trăm lá đơn trong 17 năm, nhưng vụ việc của Đại tá Dương Ngọc Thuyên chưa được giải quyết. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo nhưng thị xã Sơn Tây vẫn “lờ” đi và cố ý để vụ việc “đóng băng”.
>> Phó Chủ tịch nước chỉ đạo, thị xã Sơn Tây vẫn “bỏ ngoài tai”
>> UBND thị xã Sơn Tây “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên
Liên quan đến vụ việc này, báo Dân trí đã có 2 bài viết về hành trình đi tìm công lý của ông Dương Ngọc Thuyên nhưng vụ việc chưa có tiến triển. Gần đây nhất, ông Thuyên đã gửi thư đến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cùng người đứng đầu một số các cơ quan chức năng để chia sẻ nổi oan ức khi những quyền lợi hợp pháp của gia đình ông chưa được giải quyết.
Ông Thuyên cho biết: “Tôi thấy một cuộc hành trình vất vả như thế, thậm chí, tôi bỏ cả công ăn việc làm, con tôi ốm đau, tôi cũng phải bỏ để đi kiện tụng về đất đai, nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được. Nên tôi đã viết một lá thư mà tôi khóc, tôi không ngủ được vì hàng bao nhiêu năm nay đêm nào tôi cũng nghĩ về đất đai, giấy tờ. Tôi là người lính, tôi bảo vệ để cho mọi người bình yên làm ăn, nhưng mà cuối cùng người ta lại đối xử với tôi như thế nên tôi uất ức quá”.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, ông Dương Ngọc Thuyên, trú tại phòng 102, C9, tập thể Tân Mai, TP. Hà Nội phản ánh: Năm 1995, khi đang công tác tại Đại học Biên Phòng, gia đình ông mua lại 2 gian nhà bếp với diện tích 80m2 của gia đình bà Kiều Thị Gái ở thôn Mai Trang, xã Trung Hưng (nay là phường Trung Hưng) thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội. Mảnh đất thuộc thửa số 166, tờ bản đồ số 14 của xã Trung Hưng. Việc mua bán giữa ông Thuyên và bà Gái được cán bộ địa chính đo vẽ, có xác nhận của lãnh đạo xã Trung Hưng.
Chữ ký thật của ông Thuyên (bên phải) và chữ ký giả trên giấy photocopy
Sau khi hoàn tất việc mua bán, ông Thuyên nhiều lần làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng không được lãnh đạo xã Trung Hưng phê duyệt. Năm 2004, UBND xã Trung Hưng bất ngờ tuyên bố đề nghị cấp sỏ đỏ của ông Thuyên không được duyệt với lý do ông Thuyên đã ký giấy bán cho vợ chồng bà Oánh vào ngày 20/4/1997, sau đó bà Oánh chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Hào và vợ là Vũ Hải Yến.
Tại buổi làm việc giữa các bên, cán bộ địa chính Phùng Văn Toại đưa ra một giấy bán đất viết tay đứng tên ông Dương Ngọc Thuyên bán cho vợ chồng bà Oánh đề ngày 20/7/2012, giấy này được Phó Chủ tịch xã Phùng Văn Nho xác nhận.
Theo như ông Thuyên trình bày trong đơn, không có việc ông bán đất cho bà Oánh, chữ ký trong giấy vết tay mà cán bộ địa chính đưa ra là hoàn toàn giả mạo. Ông Thuyên có đưa ra chữ ký giả mạo và chữ ký thật của ông trong nhiều văn bản khác nhau mà ông từng ký.
Kể từ năm 2004 đến nay, ông Dương Ngọc Thuyên đã nhiều lần gửi đơn tố cáo về việc bà Oánh giả mạo chữ ký, cán bộ UBND xã Trung Hưng cố ý làm sai khi xác nhận vào giấy bán giả mạo do bà Oánh lập ra nhằm chiếm đoạt phần đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông từ năm 1995.
Trong gần 2 thập kỷ, với số lượng đơn thư lên đến hàng cân giấy, nhưng ông Thuyên chỉ nhận được một lần hồi âm duy nhất, đó là từ phía Công an Thị xã Sơn Tây, công văn số 377/CAST với nội dung chính cho rằng: Không có đủ căn cứ xác định ông Toại (nguyên cán bộ địa chính), ông Nho (nguyên Phó chủ tịch xã Trung Hưng) lợi dụng chức vụ cùng ông Nhân và vợ chồng ông Hào làm sai lệch hồ sơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Thuyên.
Còn lại những giấy tờ mà ông Thuyên nhận được từ các cơ quan chức năng đều là giấy hướng dẫn, giấy chuyển đơn từ cơ quan này đến cơ quan khác, UBND thị xã Sơn Tây biến ông Thuyên thành trò chơi “bóng chuyền” một cách vô cảm.
Đã có rất nhiều cơ quan chức năng chỉ đạo nhưng thị xã Sơn Tây vẫn "bỏ ngoài tai"
Ông Thuyên nói: “Thị xã Sơn Tây không có một văn bản trả lời tôi và cũng không giải quyết, cứ thờ ơ như thế và bảo cái này thuộc thẩm quyền của cấp trên giải quyết. Đến thời điểm này là 16 cơ quan chức năng từ Trung ương, đến Hà Nội, cho đến Bộ Công an, cơ quan điều tra trả lời để chuyển đơn về Thị xã Sơn Tây, nhưng Thị xã Sơn Tây vẫn không trả lời văn bản và gửi cho tôi”.
Về vụ việc trên, ngày 17/8/2012, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký công văn số 6353/UBND - BTCD gửi Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tâytruyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu kiểm tra nội dung đơn của ông Dương Ngọc Thuyên tố cáo một số cán bộ xã Trung Hưng, cùng cán bộ thị xã Sơn Tây trong việc mua bán và chuyển quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Hào và Yến.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây khẩn trương kiểm tra nội dung đơn tố cáo, báo cáo kết quả với Phó Chủ tịch nước và UBND TP. Hà Nội trước ngày 25/9/2012. Tuy nhiên, gần một năm sau ngày ông Vũ Hồng Khanh ban hành công văn số 6353/UBND - BTCD, đến nay thị xã Sơn Tây chưa tiến hành kiểm tra, báo cáo kết quả giải quyết đến Phó Chủ tịch nước và TP. Hà Nội theo tinh thần công văn số 6353.
Trước việc, Thị xã Sơn Tây vẫn “đường quen, lối cũ” khiến gia đình ông chịu nhiều uất ức 17 năm, ông Thuyên chia sẻ với PV Dân trí và độc giả: “Cháu Trương Anh Dũng sinh năm 1990, mà đến lúc đó cháu mới 5 tuổi, thì tôi mua miếng đất này tôi ở. Đến giờ con tôi học đại học đã ra trường, 24 tuổi, như vậy đã 18 năm giấy tờ tranh chấp. Suốt cả cuộc hành trình, từ khi tôi là Trung úy trong an ninh, cho đến khi tôi là Đại tá Quân đội mà chỉ có một tờ giấy có chữ ký giả, tôi đã viết 57 tờ đơn chính để gửi từ Trung ương đến địa phương mà cứ trên lại chuyển xuống dưới, dưới lại chuyển lên trên. Về đến UBND Thị xã Sơn Tây thì nằm im đấy và cũng không trả lời tôi”.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, báo Dân trí đề nghị Công an TP. Hà Nội chỉ đạo điều tra, làm rõ chữ ký của ông Dương Ngọc Thuyên trong giấy bán đất viết tay đứng tên ông Thuyên bán cho vợ chồng bà Oánh đề ngày 20/7/2012, do Phó Chủ tịch xã Phùng ăn Nho xác nhận là thật hay giả. Đề nghị, UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm đơn thư của ông Thuyên để chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước và UBND TP. Hà Nội được thực hiện nghiêm minh, tránh tình trạng cấp dưới “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên gây bất bình dư luận.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy