Căn bệnh mà nhiều học sinh ở huyện Sơn Hà mắc không giống như hội chứng viêm da lạ ở huyện Ba Tơ. Ảnh: Sài gòn giải phóng. |
Liên tiếp nhiều học sinh tại huyện Sơn Hà, bị các vết thâm, bầm tím không rõ nguyên nhân ở tay, chân, mặt khiến người dân lo lắng. Thực chất, đây là bệnh viêm da tiếp xúc có tăng sắc tố, một bệnh hiếm gặp chứ không lạ.
Ngày 26/4, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) đã trực tiếp khám cho 6 học sinh một trường cấp 3 của Quảng Ngãi có những biểu hiện bất thường trên da. Trong số đó, có 2 bố con đang điều trị tại khoa Da liễu, bệnh viện đa khoa tỉnh. Tất cả bệnh nhân đều có các vết đỏ, thâm ở mặt, tay, chân - những vùng da hở.
"Tôi khẳng định đây không phải là bệnh lạ mà là bệnh hiếm gặp. Nguyên nhân của bệnh là do tiếp xúc với các chất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời (cụ thể là tia cực tím). Các chất này có trong thân, lá các loại cây, cỏ trong thiên nhiên", phó giáo sư Khang cho biết.
Theo ông, bệnh này khác với hội chứng viêm da, dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bệnh viêm da tiếp xúc tăng sắc tố đã có từ lâu đời và có tên khoa học là Botanical Dermatosis hay Phytophotodermatitis. Căn bệnh này được phát hiện lần đầu khi các chuyên gia sử dụng một chất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời có trong cây Ammi majus ở Ai Cập để điều trị bệnh bạch biến và bệnh vảy nến. Sau đó một số nơi khác cũng phát hiện ra căn bệnh này.
Bệnh xuất hiện khi người lớn, trẻ nhỏ tiếp xúc với lá, cành, thân các loại cây, cỏ có chứa các chất nhạy cảm với tia cực tím, khi gặp ánh nắng sẽ gây hiện tượng viêm da, tạo ra những vết đỏ, bầm tím, thâm da rất nhanh, thậm chí tăng sắc tố sau 24 đến 48 giờ tiếp xúc. Biểu hiện bệnh ở cả 6 bệnh nhân trên đều rất điển hình.
"Điều quan trọng là cần giải thích cho bệnh nhân, người nhà cũng như các thầy cô giáo hiểu đây không phải là bệnh lạ, không nên hoang mang, lo sợ. Bệnh không nguy hiểm và không để lại biến chứng. Nếu được điều trị kịp thời, các vết thâm trên da sẽ giảm nhanh và biến mất trong khoảng 2- 4 tuần", phó giáo sư Khang nói.
Để phòng bệnh, trong những ngày nắng nóng người dân nên hạn chế ra đường trong giờ cao điểm (từ 10h sáng đến 3h chiều), khi ra đường nên đôi mũ rộng vành, mặc quần, áo dài tay, đeo kính râm. Đặc biệt, khi bị bệnh không được ra nắng, cần ở trong nhà trong 2-3 ngày. Thuốc điều trị bệnh rất đơn giản, chỉ cần bôi các thuốc chống viêm, làm mềm da, dịu da.
Nam Phương