Thứ Sáu, 27/04/2012 23:35
Lợi dụng việc nghỉ lễ dài ngày và lượng khách tăng đột biến, các khách sạn, khu vui chơi… đã tìm mọi cách để “chặt chém” thượng đế của mình
Do kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 gắn liền với các ngày cuối tuần nên người dân đã đổ về các khu vui chơi từ chiều thứ sáu, 27-4.
Xe phụ thu, “cháy” phòng
Tại TPHCM, dự kiến lượng khách ở Bến xe Miền Đông tăng 3%-5% so với cùng kỳ năm trước với gần 60.000 lượt, gấp 2,5 lần ngày thường. Nhiều doanh nghiệp tại bến xe này bắt đầu phụ thu từ ngày 27 đến hết 29-4 với mức trung bình 40% để bù chiều xe chạy rỗng; một số tuyến phụ thu cao hơn nhưng không quá 60%. Riêng Bến xe Miền Tây, do đặc thù tuyến ngắn nên dự kiến lượng khách sẽ tăng cao vào ngày 28-4 và tăng 5%-10% so với dịp lễ năm trước. Đa số doanh nghiệp tại bến xe này cũng phụ thu 40% để bù chiều xe chạy rỗng.
Sáng 27-4, nhiều du khách hỏi phòng nghỉ ở TP Đà Lạt - Lâm Đồng nhưng đã hết chỗ. Ảnh: THẠCH THẢO
Đến thời điểm này, hầu như các khu du lịch và resort lớn ở tỉnh Bình Thuận như Hàm Tiến – Mũi Né, Tiến Thành (TP Phan Thiết); Hàm Thuận Nam, Mũi Kê Gà (huyện Hàm Tân)… đã hết phòng. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, rất đông người ở các địa phương phía Nam đã đặt phòng từ hơn 1 tháng, thậm chí 2 tháng trước, mới có được mức giá như những ngày thường.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bình Thuận, sẽ có ít nhất 140.000 du khách đến địa phương này trong dịp lễ 30-4 và 1-5, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
“Cò” ráo riết hoạt động
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ ngày 26-4, các khách sạn trên đường Trần Phú, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương… (TP Nha Trang – Khánh Hòa) đã thông báo hết phòng với mục đích chờ đến cận ngày lễ mới tung ra để “chặt chém” du khách.
Sáng 27-4, tại khách sạn H.S trên đường Trần Phú, khi chúng tôi vào đặt phòng, lễ tân lắc đầu bảo: “Hết!”. Tuy nhiên, khi chúng tôi năn nỉ hồi lâu thì cô lễ tân đồng ý “nhường” lại 1 phòng với giá 500.000 đồng/ngày. Chúng tôi thắc mắc giá này quá cao so với niêm yết là 180.000 đồng/ngày thì được lý giải rằng tăng vào dịp lễ để bù lỗ thời gian vắng khách. “Anh cứ thuê đi, em sẽ kê thêm nệm để ngủ được 3-4 người” - cô lễ tân nói.
Giá phòng không chỉ bị chủ khách sạn tăng 3-4 lần so với niêm yết mà còn bị các “cò” mua đi bán lại. Sau khi đặt chỗ trước ở khách sạn, các “cò” tìm cách mồi chài du khách tại bến xe, nhà ga hoặc móc nối với các công ty lữ hành, nhà xe để lấy khách. Đơn cử: Giá phòng ở khách sạn P.B - TP Nha Trang chỉ 230.000 đồng/ngày, lễ tân “hét” lên 800.000 đồng/ngày nhưng “cò” cũng đồng ý. “Họ (“cò” – PV) mua phòng của em giá 800.000 đồng, sau đó dẫn khách đến nhượng lại với giá 1,5 triệu đồng” - một lễ tân khách sạn P.B cho biết.
Ngày thường, các khách sạn với Đà Lạt (Lâm Đồng) hầu như rất ế khách nên giá phòng tại những khu vực đẹp nhất TP này chỉ với mức 230.000 đồng – 300.000 đồng/ngày (4 người). Thế nhưng, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, giá phòng đã được đẩy lên chót vót, không dưới 600.000 đồng/ngày. Một số khách sạn có sao, giá phòng bình thường là 350.000 đồng/ngày, nay tăng đến 1,3 triệu đồng/ngày.
Làm giá, ép khách
Mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã quy định các khách sạn không được tăng giá phòng vượt quá 30% trong những ngày diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIFC -2012) và các ngày lễ 30-4, 1-5 nhưng hầu hết các khách sạn đã tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường.
Tại một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng - TP Đà Nẵng, bảng giá niêm yết trong dịp lễ chỉ dao động từ 700.000 - 1,1 triệu đồng/phòng. Tuy nhiên, phòng đơn từ ngày 28-4 đến 1-5 được nhân viên lễ tân chào giá 1,8 triệu đồng/ngày, phòng đôi là 2 triệu đồng/ngày.
Ngoài việc phải chịu mức giá “cắt cổ”, du khách còn bị ép ở thêm ngày. Anh Nguyễn Văn Hạnh (ngụ TP Đà Nẵng) đến nhiều khách sạn hỏi đặt phòng cho vợ chồng người bạn ở vào tối 29-4 để xem bắn pháo hoa. Theo anh Hạnh, hầu hết lễ tân các khách sạn cho biết vẫn còn phòng nhưng phải lưu trú ít nhất 3 đêm trở lên mới được thuê. Một số du khách cho biết để né việc thanh tra của lực lượng chức năng, nhiều khách sạn yêu cầu họ giả vờ đăng ký theo tour trọn gói, bao gồm cả dịch vụ ăn uống, tham quan, vé xem pháo hoa… cho phù hợp với giá cả.
Trong khi đó, tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống, giá vé một chỗ ngồi thuận lợi để xem bắn pháo hoa cũng tăng khá cao, từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/người, không kèm đồ uống.
Tăng cường kiểm tra
Trước tình trạng “chặt chém” có thể tái diễn, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu phải tăng cường quản lý trong những ngày lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, Sở Tài chính được giao kiểm soát việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết của các cơ sở dịch vụ, kinh doanh; các đơn vị khác phối hợp kiểm tra tình trạng nhũng nhiễu du khách. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra việc bảo đảm an toàn tại khu vui chơi như trượt máng, ca nô trượt nước…
Tương tự, Sở VH-TH-DL tỉnh Bình Thuận cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh tình trạng “ghim” phòng, ép giá du khách.
Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá dịch vụ du lịch. Cụ thể, các cơ sở lưu trú phải thực hiện đăng ký giá với mức tăng không quá 50%. Còn ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TH-DL TP Đà Nẵng, cho biết thực hiện công tác bình ổn giá trong dịp DIFC-2012, thanh tra sở và đoàn kiểm tra liên ngành TP đã kiểm tra 196 khách sạn. Qua đó, xử phạt 44 khách sạn vi phạm với tổng số tiền hơn 153 triệu đồng.
|
Nhóm Phóng viên