THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 April 2012

Nên bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh bộ trưởng

Đề án đổi mới hoạt động của QH đã được thảo luận tại phiên họp trực tuyến do Ủy ban TVQH tổ chức sáng qua, 27.4.
Tại đây, nhiều ĐBQH cho rằng nên làm rõ chức danh nào thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm và cần có quy trình chặt chẽ bảo đảm việc bỏ phiếu tín nhiệm khả thi trên thực tế.
Muốn bỏ phiếu phải căn cứ chương trình hành động
Phó chủ nhiệm VPQH Đặng Văn Chiến cho hay, hằng năm QH sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công khai; người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. Theo ông Chiến, Ủy ban TVQH sẽ xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012, tức kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới.
Cần quy định thời gian tới, việc bầu một số chức danh chủ chốt bắt buộc có số dư...
Ông Lê Nam - Phó trưởng đoàn ĐB chuyên trách tỉnh Thanh Hóa
Đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị ủng hộ nội dung này của đề án. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, chỉ ra bất cập hiện nay dẫn tới cái khó trong thực thi bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu (Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước) hoặc phê chuẩn (các thành viên Chính phủ) là hầu hết các nhân sự này khi đưa ra QH, các ĐB chỉ căn cứ vào sơ yếu lý lịch và cảm nhận để bầu mà không rõ chương trình hành động, năng lực cụ thể của người được bầu. Vì vậy, theo bà Nga, nên mạnh dạn đổi mới theo hướng tới đây, một số chức danh như bộ trưởng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao... phải trình bày chương trình hành động cụ thể trước QH để ĐB căn cứ vào đó mà bỏ phiếu chính xác hơn.
Cũng theo bà Nga, việc trình bày chương trình hành động của các chức danh nói trên trước khi được bầu cũng sẽ là căn cứ để ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, khi đối chiếu việc thực thi nhiệm vụ của họ trên thực tiễn so với những gì đã nêu trong chương trình hành động. Để bảo đảm việc bỏ phiếu tín nhiệm được khả thi, bà Nga đề nghị phải quy định rõ quy trình thực hiện cụ thể, nêu rõ phạm vi đối tượng chức danh nào thuộc diện bỏ phiếu. “Nên bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh bộ trưởng trở lên”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khuyến nghị.
Tán thành ý kiến các vị bộ trưởng, trưởng ngành khi được bầu phải có chương trình hành động rõ ràng, Phó trưởng đoàn ĐB chuyên trách tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam đề nghị thêm: “Cần quy định thời gian tới, việc bầu một số chức danh chủ chốt bắt buộc có số dư. Đã có lúc bầu Thủ tướng có số dư thì không có lý gì trong tiến trình dân chủ hiện nay, bầu Thủ tướng lại không có số dư, một số chức danh chủ chốt khác cũng phải như vậy”.  
Cũng theo ông Nam, khi ban hành Quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, phải lường trước các tình huống cụ thể để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Chẳng hạn, dự kiến 2 lần bỏ phiếu liên tiếp mà số phiếu tín nhiệm không đạt quá bán mới xem xét miễn nhiệm, nhưng nếu ngay lần đầu bỏ phiếu tín nhiệm một vị bộ trưởng, trưởng ngành nào đó mà số phiếu chỉ đạt trên dưới 20% thì sẽ xử trí thế nào? “Nếu chỉ được 20% thì cũng nên từ chức, vẫn tiếp tục làm bộ trưởng thì sẽ không đảm bảo được yêu cầu đặt ra. Tình huống này cũng cần phải được tính toán trong quá trình chuẩn bị, nếu không, triển khai sẽ vướng, hoặc không thực hiện được”, ông Nam đề nghị. 

Toàn cảnh phiên họp trực tuyến - Ảnh: Hưng Nguyên
Không “hành chính hóa” hoạt động tiếp xúc cử tri
Trong Đề án đổi mới hoạt động của QH cũng nêu rõ những nội dung đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, như tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để ĐBQH tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà ĐBQH quan tâm... 
Việc tiếp xúc cử tri cũng được yêu cầu đổi mới theo hướng thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc; bảo đảm để ĐBQH có điều kiện trực tiếp gặp gỡ cử tri; hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”..., dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị. 
Liên quan đến nội dung này, ĐB Bùi Nguyên Súy, Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH tán thành việc đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc cử tri của ĐBQH và cho rằng, hiện tại việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề hay nhóm, cá nhân đang rất hạn chế. Muốn đổi mới tiếp xúc cử tri thời gian tới, cần quy định rõ ràng, cụ thể việc tiếp xúc cử tri của ĐB thì mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri được. 
ĐB Lê Nam cũng cho rằng, việc tiếp xúc cử tri trước nay vẫn thường theo hình thức chỉ định cử tri đi tiếp xúc, chưa có sự quan tâm đến đòi hỏi nguyện vọng cần được tiếp xúc ĐBQH của cử tri, trong khi với tư cách là người bầu ra ĐB, cử tri hoàn toàn có quyền yêu cầu ĐBQH xuống tận địa phương tiếp xúc với mình. Vì vậy, để khắc phục, ông Nam đề nghị cần có cơ chế ràng buộc, bắt buộc phải trả lời kiến nghị của cử tri và công khai cho cử tri biết.
Ngoài các nội dung trên, một số ĐB đề nghị VPQH đưa vào chương trình nghị sự chính thức của kỳ họp QH để ĐB thảo luận kỹ, ví như báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp vốn được xem là một trong những nội dung quan trọng nhưng lâu nay chỉ báo cáo riêng ĐB mà không đưa ra thảo luận kỹ tại kỳ họp.
Chiều cùng ngày, hội nghị đã thảo luận về Đề án tái cấu trúc kinh tế trước khi đề án này được QH thảo luận rộng rãi tại kỳ họp thứ 3 tới.
Bảo Cầm