THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 October 2013

Trung Quốc khai thác tối đa thỏa thuận “hợp tác” với Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .Monday, October 14, 2013 Việt Nam và Trung Quốc quyết định thành lập ba nhóm công tác để bàn bạc về việc “hợp tác phát triển” trong ba lĩnh vực: biển, tài chính, hạ tầng.


Cửa khẩu Móng Cái trên biên giới Việt – Trung. Trung Quốc hứa sẽ cùng Việt Nam nâng mậu dịch song phương lên mức 60 tỉ đô la vào năm 2015. (Hình: biengioilanhtho.gov.vn)

Đây là kết quả chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc. Chuyến thăm khởi đầu từ ngày 13 và sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 10.
Tân Hoa Xã dẫn nhận định của ông Cường, xem thỏa thuận này là “một bước đột phá quan trọng trong quan hệ Trung - Việt”. Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, việc thành lập nhóm công tác về “hợp tác phát triển trên biển” là “dấu hiệu tích cực” cho thấy hai bên “sẵn sàng giải quyết các bất đồng thông qua hợp tác”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tường thuật rằng, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố, các thỏa thuận mà Trung Quốc và Việt Nam vừa đạt được, chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc và Việt Nam có khả năng và khôn ngoan để duy trì hoà bình trên biển Đông, mở rộng các lợi ích chung và thu hẹp tranh chấp.
Trong khi phía Việt Nam chưa có bình luận nào về kết quả vừa kể thì phía Trung Quốc bàn tán rất rôm rả trên các ấn bản phát hành bằng tiếng Anh. Trao đổi với Tân Hoa Xã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, giải thích, hợp tác trên biển bao gồm hợp tác bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. Hợp tác tài chính là những hoạt động phối hợp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hợp tác hạ tầng là nối kết phát triển hạ tầng.

China Daily thì giới thiệu nhận xét của một chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Theo đó, việc Việt Nam đồng ý thành lập ba nhóm công tác, cho thấy Việt Nam đã nhận ra rằng, dựa vào Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ các đòi hỏi về chủ quyền trên một số đảo là phi thực tế. Cũng vì vậy, Việt Nam đã gạt sang một bên những tranh cãi vặt vãnh về chủ quyền. Thảo luận về hợp tác cùng phát triển là một sự chọn lựa thực dụng.
 
Cũng trên tờ China Daily, Chủ tịch Viện nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc, khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc cho thấy, lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã đồng thuận trong việc cùng nhau kiểm soát khủng hoảng biển Đông và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau.
China Daily tô đậm thỏa thuận thành lập ba nhóm công tác để bàn bạc về việc “hợp tác phát triển” trong ba lĩnh vực: biển, tài chính, hạ tầng giữa Việt Nam và Trung Quốc như một thắng lợi ngoại giao khác, sau khi Trung Quốc vừa cùng Brunei ra một thông cáo chung, trong đó hai bên cam kết sẽ cùng thúc đẩy việc thăm dò và khai thác các nguồn lợi về dầu khí trên biển Đông.

Dường như cả nhà cầm quyền trung ương lẫn báo giới Trung Quốc đang cố gắng khai thác kết quả các cuộc gặp song phương giữa giới lãnh đạo Trung Quốc với giới lãnh đạo một số quốc gia Đông Nam Á để gây nhiễu.
Chưa rõ những nhận xét kiểu như, “Việt Nam có khả năng và khôn ngoan để duy trì hoà bình trên biển Đông, mở rộng các lợi ích chung và thu hẹp tranh chấp với Trung Quốc”, có tạo ra tác động bất lợi nào cho chính quyền Việt Nam, khi họ đang cố gắng mở rộng sự hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng hay không (?).

Sau khi liên tục nhượng bộ nhưng vẫn tiếp tục bị Trung Quốc chèn ép và bị dân chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt, có vẻ như Hà Nội đang cố gắng mở rộng quan hệ, tăng cường năng lực quốc phòng, thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Gần đây nhất, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi ông này đến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thủ tướng Việt Nam đã chính thức "đề nghị Nhật hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển”.

Ở cuộc gặp đó, Thủ tướng CSVN còn nhấn mạnh, ”Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản" và hy vọng bộ quốc phòng hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ”.
Cả Nhật lẫn Việt Nam đều đang phải đối phó với các tuyên bố cũng như các hành động nhằm mở rộng yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngoài những thỏa thuận với Nhật, Việt Nam còn cam kết “tăng cường hợp tác quốc phòng”, “cùng nhau phát triển khả năng quốc phòng” với Philippines và gia tăng thăm viếng, hội đàm, tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga.

Hồi tháng tám năm nay, hai Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines và Việt Nam đã cùng “thảo luận về các vấn đề an ninh mà gần đây cả hai quốc gia cùng quan tâm, đặc biệt về tình hình biển Đông”. Theo Phát ngôn nhân của Bộ quốc phòng Philippines, trao đổi về quốc phòng giữa Philippines với Việt Nam đang tiến triển tốt, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy quan hệ quân sự song phương hồi năm 2010. Đó cũng là lần đầu tiên, Việt Nam chính thức bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông tại Liên Hiệp Quốc.

Cũng trong tháng tám, các quốc gia ASEAN đã thông qua một thỏa thuận, theo đó sẽ cùng thúc đẩy Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC. Trong cuộc gặp tại Hua Hin, Thái Lan hồi tháng tám, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc khối ASEAN đã cùng cho rằng, cần phải đoàn kết để đạt được một COC với Trung Quốc. ASEAN sẽ phải có cùng một giọng. Sự đoàn kết không nhằm chống lại bên nào mà chỉ để dễ đối thoại với bên đó.

Cũng vì vậy, ba nhóm công tác mà Việt Nam vừa “nhất trí” sẽ cùng Trung Quốc lập ra để bàn bạc về việc “hợp tác phát triển” trong ba lĩnh vực: biển, tài chính, hạ tầng và các phát biểu của cả giới lãnh đạo Trung Quốc, lẫn bình luận của báo giới Trung Quốc, có thể gây ra nghi ngại về nỗ lực “phát triển ngoại giao đa phương” của Việt Nam. (G.Đ)