Ngày 14.10, Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã sơ tán 38.381 hộ/155.544 dân của 35 quận, huyện thị để tránh bão số 11 (bão Nari).
Khu vực bờ biển Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) bị sóng biển xâm thực nghiêm trọng - Ảnh: Hoàng Sơn
Người dân Hội An (Quảng Nam) cấp tập kè đê chắn sóng chiều 14.10 - Ảnh: Minh Hải
|
|
Các địa phương cũng đã kêu gọi 44.343 tàu/180.734 lao động tìm nơi trú bão. Hiện có 3 tàu cá Bình Định đang trên đường rời khỏi quần đảo Hoàng Sa, khu vực ảnh hưởng bão, một ngư dân Bình Định của tàu cá BĐ 10317 đã bị rơi xuống biển mất tích từ sáng 13.10. Tại quần đảo Trường Sa có 1.108 tàu (12.875 lao động) trú tránh.
Lý Sơn: Hàng chục nhà bị tốc mái
Chiều tối qua 14.10, bão số 11 đã đổ bộ vào huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với gió mạnh liên hồi cấp 9 cấp 10, giật cấp 11, mưa mù mịt trắng trời, sóng biển rất cao. Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCLB- TKCN H.Lý Sơn, đến cuối ngày 14.10, toàn huyện có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, Trường tiểu học An Hải và chợ xã An Hải bị tốc mái tôn, hàng trăm cây cối nhiều năm tuổi bị gió bão đánh bật gốc đổ ngã ngổn ngang, trên 150 ha hành bị mưa bão vùi dập hư hỏng hoàn toàn, hệ thống điện lưới trên đảo bị hư hỏng không thể khắc phục khiến toàn bộ các hộ dân phải sống trong cảnh tối tăm...
Quảng Trị: Căng sức chống bão
Thông tin cuối ngày qua của Thanh Niên cho hay các đơn vị quân sự, công an, bộ đội biên phòng đã điều động gần 700 cán bộ, chiến sĩ giúp dân ứng phó với bão ở các địa phương thuộc huyện vùng trũng Hải Lăng. Có gần 300 hộ dân ở các xã Hải Thành, Hải Quế và Hải Quy đã được sơ tán đến 3 hội trường UBND xã và 6 trường học cấp 1 và 2 trên địa bàn.
Từ buổi chiều tại các điểm neo đậu tàu thuyền của các xã Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh), người dân đã cùng nhau kéo tàu thuyền lên bờ, buộc dây cố định chắc chắn. Tại các vùng nguy hiểm của các địa phương này, một số người già, trẻ em, từ buổi chiều đã gói ghém chăn màn, đồ đạc để di tản.
Thừa Thiên-Huế: 2 em nhỏ bị sóng biển cuốn trôi
Chiều qua, trung tá Trần Văn Thủy, Đồn phó Đồn biên phòng Cảng Chân Mây (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cho biết vào lúc 14 giờ ngày 13.10, biển động kèm mưa lớn do ảnh hưởng bão, nhưng hai anh em cô cậu ruột là Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi), Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi), trú thôn Trung Kiền (xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc) rủ nhau ra khu vực Bãi Bàng (thuộc Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô) để câu cá. Khi đang đứng trên ghềnh đá để câu thì bất ngờ bị một cơn sóng lớn ập vào cuốn trôi ra biển. Việc tìm kiếm đến 17 giờ chiều 14.10 vẫn chưa có kết quả.
Sóng lớn đã tràn qua bờ kè đá tại thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), tràn vào phá Tam Giang nguy cơ sẽ mở thêm cửa biển mới. Vị trí bị sóng đánh nằm ngay giữa điểm mà trước đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động bộ đội và nhân dân đắp kè đá trước và trong cơn bão số 10 vừa qua. Nếu cửa biển mới bị mở, khu vực dân cư xóm Cồn Đâu của xã Hải Dương sẽ hoàn toàn bị cô lập.
Quảng Nam: Bờ biển sạt lở nghiêm trọng
Là nơi được dự báo tâm bão đổ bộ, người dân Đà Nẵng đã có nhiều phương án tích cực để chèn chống nhà cửa. Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định, tránh tình trạng thiếu lương thực, TP đã cho dự trữ 4.000 tấn gạo, 3 triệu thùng mì gói, 500.000 chai nước uống...
Toàn bộ học sinh Đà Nẵng, Quảng Ngãi nghỉ học vào chiều ngày 14.10 và cả ngày 15.10, tùy tình hình diễn tiến của bão sẽ có thông báo tiếp theo.
Ngày 14.10, tại cuộc họp nhanh ứng phó bão số 11, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương thuộc vùng trũng, ven biển nhanh chóng di dời khoảng 6.000 hộ dân.
UBND TP.Hội An cho biết, trong ngày 14.10 đã tiến hành sơ tán khoảng 1.200 khách du lịch đang lưu trú tại 10 khách sạn ven biển. Hội An cũng đã chỉ đạo dừng hoạt động các tuyến đò ngang. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học ngày hôm nay 15.10 để tránh bão.
Chiều ngày 14.10, PV Thanh Niên có mặt tại thôn Trung Toàn (xã Tam Quang, H.Núi Thành) và chứng kiến cảnh sóng biển dâng cao dữ dội. Những con sóng cao khoảng 1,5 m liên tục xô bờ khiến cho đoạn bờ biển tại khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Trong nhiều vị trí sạt lở dọc thôn Trung Toàn, nguy hiểm nhất là khu vực dẫn vào đơn vị Vùng Cảnh sát biển 2 và Sư đoàn 315. Nhiều diện tích rừng dương đã bị nhấn chìm do lở đất.
Cũng trong chiều 14.10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến tỉnh Quảng Nam để thị sát công tác ứng phó với bão số 11. Đoàn kiểm tra đã chứng kiến cảnh tượng sạt lở khủng khiếp tại bờ biển thôn Trung Toàn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến khu vực cảng cá An Hòa (xã Tam Quang) để kiểm tra việc tàu thuyền neo đậu trú tránh bão. Tại đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu chính quyền địa phương lập dự án để nâng cấp khu neo đậu nhằm đáp ứng nhu cầu tránh trú khi có bão; đồng thời đã chỉ đạo chính quyền địa phương di dời các hộ dân nằm trong vùng trũng, vùng ven biển.
“Tử địa” bão từ Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế
Bản tin bão khẩn cấp lúc 23 giờ 30 đêm qua (14.10) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, TP.Đà Nẵng đã có gió giật mạnh cấp 7; ở Thuận An (Thừa Thiên-Huế) có gió giật mạnh cấp 9. Các tỉnh Trung Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to...
Hồi 22 giờ đêm qua, tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118 - 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Trong 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần.
Bản tin trước đó lúc 21 giờ 30, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã dự báo đến 7 giờ ngày 15.10, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam, cường độ mạnh cấp 9, cấp 10 (từ 75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cơn bão số 11 (Nari) này có đường đi và cường độ mạnh tương tự như cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng hồi đầu tháng 10.2006. Vùng “tử địa” của cơn bão nằm ở phía bên phải của tâm bão, tức là ở phía bắc của Đà Nẵng, gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế; đó là những nơi gió xoáy rất mạnh, cuộn vào tâm bão và đặc biệt là có lượng mưa rất lớn. Vùng phía nam của tâm bão, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng có gió xoáy, mưa rất lớn.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, khả năng bão đổ bộ vào đất liền từ 2 - 6 giờ sáng 15.10.
M.Vọng - Q.Duẩn
|
(TNO) Tại Tam Kỳ (Quảng Nam) bão số 11 bắt đầu đổ bộ từ 3 giờ sáng nay 15.10, gió giật mạnh kinh hoàng. Nhiều nhà dân tại đây bị tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Hiện toàn TP.Tam Kỳ đã bị mất điện, người dân đóng kín cửa ở trong nhà để tránh bão.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Khoảng 6-8 giờ sáng nay vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh 31 m/s (cấp 11); đảo Bạch Long Vĩ và đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 18 m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh 23 m/s (cấp 9); ở Ba Đồn (Quảng Bình) có gió giật mạnh 18 m/s (cấp 8); ở Thuận An (Thừa Thiên-Huế) có gió giật mạnh cấp 9; Nam Đông (Huế) có gió giật mạnh 20 m/s (cấp 8), ở TP.Đà Nẵng có gió giật mạnh 24 m/s (cấp 9), Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió giật mạnh 21 m/s (cấp 9).
Ở các tỉnh Trung Trung bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 04 giờ sáng nay khoảng 80-150 mm, một số nơi có lượng lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 373 mm, Nam Đông (Huế) 246 mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 220 mm.
Sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi, bão số 11 đã suy yếu.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8-10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và bắc Tây nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3-4 m, sóng biển cao từ 6-10 m.
* Từ 22 giờ đêm qua 14.10 gió đã rít dữ dội, các nhà dân ven vịnh Đà Nẵng và bờ biển phía Q.Sơn Trà rung chuyển bởi gió giật cực mạnh. Sóng biển khu vực đường Nguyễn Tất Thành đã tràn bờ. Nhiều nhà cao tầng kiên cố cũng đã bay mái ngói.
23 giờ dãy ký túc xá tầng 5 Trường CĐ Công nghệ thông tin hữu nghị Việt Hàn tốc mái, dãy nhà trọ cấp 4 quanh nhà thờ Gia Phước đoạn ra biển Đà Nẵng ở P.Phước Mỹ cũng trong tình trạng tương tự, hiện điện lưới tại Đà Nẵng đã mất trên diện rộng.
Gần như toàn thành phố tối mịt, chỉ còn nghe thấy tiếng gió vần vũ và mái tôn đập liên tiếp ngoài đường.
Hoàng Sơn - M.A - Nguyễn Tú
(TNO) Chiều tối 14.10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão trung ương đã có cuộc họp khẩn tại Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 11, đang đóng tại UBND TP.Đà Nẵng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với Ban phòng chống lụt bão tiền phương đối phó với bão số 11 tại Đà Nẵng - Ảnh Diệu Hiền |
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Tâm bão sẽ là Đà Nẵng
Báo cáo về diễn tiến của cơn bão Nari (bão số 11), ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết cường độ bão số 11 dự báo sẽ rất mạnh, có thể lên đến cấp 13-14.
“Từ giữa đêm 14.10, bão sẽ đổ bộ vào bờ, và trọng tâm sẽ vào các tỉnh, thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhưng theo quan sát, đến thời điểm hiện tại, thì tâm bão sẽ vào Đà Nẵng. Đến thời điểm chiều ngày 14.10, theo quan trắc, gió bão đã xuất hiện cấp 5-6.
Từ nửa đêm đến 2-3 giờ sáng 15.10 sẽ là thời điểm bão mạnh nhất, đây là một yếu tố rất bất lợi vì việc phòng chống bãovào ban đêm sẽ gặp rất nhiều khó khăn!” - ông Hải nhận định.
Lực lượng công an Đà Nẵng sẵn sàng trực chiến, yêu cầu người dân dừng lưu thông - Ảnh Diệu Hiền |
Trên đường phố, xe cứu hộ - cứu nạn của quân đội sẵn sàng để ứng phó với những tình huống xấu - Ảnh Diệu Hiền |
Cùng với hiện tượng bão cấp 13-14, ông Hải còn có cảnh báo về tình trạng mực nước dâng tại các nơi sẽ rất cao. Hiện ở Đà Nẵng, thủy triều dâng mức 1,4 m; Quảng Nam là 1,5 m. Sau bão, sóng biển, cùng với nước dâng do bão cùng thủy triều, sẽ làm cho mực nước dâng vô cùng lớn. Thời điểm nước dâng được dự báo khoảng 4 giờ sáng 15.10.
Đã sơ tán hơn 78.000 người dân
Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tính đến chiều 14.10, tại các tỉnh, thành có dự báo sẽ bị ảnh hưởng bão Nari, công tác sơ tán dân đã được thực hiện hết sức quyết liệt.
Đã có hơn 78.000 người dân ở các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Quảng Nam được sơ tán; trong đó: Đà Nẵng: 15.589 hộ/55.206 người; Quảng Nam 5.369 hộ/18.883 người; Thừa Thiên-Huế 750 hộ/2.550 người; Quảng Trị 600 hộ/2.500 người.
Việc kêu gọi các tàu thuyền vào bờ cũng đã thực hiện vô cùng chặt chẽ. Theo đó, tính đến chiều 14.10, đã có 19.033 tàu với 47.066 lao động của các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã vào bờ neo đậu an toàn. Hiện không có tàu nào còn trong vùng nguy hiểm.
Người dân P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) được di dời đến địa điểm an toàn - Ảnh Diệu Hiền |
Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Trần Thọ (phải) kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền |
Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà kỹ lưỡng - Ảnh: Diệu Hiền |
Ông Trần Quang Khuê, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho hay các phương án phòng chống bão số 11 đã sẵn sàng. Ủy ban cũng đã huy động các tàu cứu nạn cứu hộ sẵn sàng trực chiến, tại Đà Nẵng có 2 chiếc và Dung Quất 2 chiếc.
Đồng thời, 2.500 quân nhân cũng sẵn sàng để hỗ trợ, giúp dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Người dân Đà Nẵng tích cực chèn chống nhà cửa
Là TP được dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng đã có nhiều phương án tích cực để chèn chống nhà cửa.
Cùng với việc dùng các bao tải cát để chèn mái nhà, những hộ dân còn cẩn thận dùng cây cột chặt cửa ra vào để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào TP lúc nửa đêm.
Bên cạnh đó, các biển quảng cáo, ăng ten, những trụ cột điện, cây xanh không đảm bảo an toàn cũng được lên phương án chặt chẽ, tránh những trường hợp không may có thể xảy ra.
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định, nhằm tránh tình trạng thiếu lương thực, TP đã cho dự trữ 4.000 tấn gạo, 3 triệu thùng mì gói, 500.000 chai nước uống…
Tại cuộc họp khẩn chiều nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, việc bão đổ bộ vào bờ chỉ là sớm hay muộn, việc quan trọng hiện nay là phải giúp toàn bộ người dân an toàn, tránh những mất mát. Vì vậy, việc sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ nguy hiểm là việc hàng đầu và cần làm quyết liệt, phải xong trước 19 giờ tối nay. |
Bài, ảnh: Diệu Hiền
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW, vào 19h tối nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông.
22h30: Tại Hội An đã xuất hiện gió bão giật mạnh cấp 9, cấp 10. Gió ngày càng mạnh dần kèm theo mưa to đến rất to.
Tại cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương lúc 21h đêm 14-10 tại Đà Nẵng, ông Lê Thanh Hải - phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết đến nay bão còn cách Quảng Trị - Quảng Nam hơn 160km, bão di chuyển chậm hơn, chỉ còn 13 km/g so với lúc chiều là 15 km/g.
Dự báo từ nửa đêm nay đến 4, 5h sáng mai 15-10, bão Nari sẽ chếch lên phía trên vĩ tuyến 16 một chút, tâm bão sẽ nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Cấp bão đổ bộ vào đất liền vẫn duy trì cấp 11, cấp 12, gió giật cấp 13, 14, vùng bị ảnh hưởng là Quảng Trị, Quảng Nam gió cấp 9, cấp 10.
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng bão số 11, ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to.
Đến 21h30, tại TP.Đà Nẵng có gió rất lớn kèm theo mưa to. Đường phố vắng tanh, nước sông Hàn tiếp tục dâng cao. Toàn bộ quận Liên Chiểu đã bị cắt điện.
Vào 21h45, khu vực Đà Nẵng bỗng yên gió lạ lùng. Nhiều người cho rằng đây chính là dấu hiệu của sự chuẩn bị đổ bộ của bão dữ. Dự báo, cơn bão này có giật đến cấp 15, cấp 16.
Xe thiết giáp túc trực để ứng cứu.
Tại Lý Sơn chiều 14/10, sóng biển cao ngất, hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái, cây cối bị quật ngã. Ảnh: Tuổi trẻ
Gió giật liên hồi tại huyện đảo Lý Sơn trong chiều nay. Ảnh: Tri thức
Sóng biển dâng cao 5m. Ảnh: Tuổi trẻ
Tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị đều đã có những thiệt hại bước đầu do bão số 11 gây ra.
Đến 18h, đã có hai nạn nhân thiệt mạng vì bão số 11 tại Huế. Hai người này đã bị sóng biển cuốn trôi tại khu vực Đá Kẹp, thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc.
Trời vẫn đang mưa rất to. Một số tuyến đường đã bị ngập nước cây cũng bị quật ngã. Công tác phòng chống bảo vẫn được người dân thực hiện nhanh chóng.
Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến tối 14-10, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 11 đã sơ tán được 20.053 hộ với 98.959 người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
(Tinmoi.vn) Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 11 đang tiến thẳng vào Quảng Trị- Quảng Ngãi. Dù chưa có thông tin thiệt hại về người, nhưng bão số 11 đã bước đầu gây những thiệt hại về tài sản cho các tỉnh Miền Trung.
Tại Đà Nẵng: Được nhận định là tâm bão của cơn bão số 11, vào thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã bị cắt điện. Gió lớn cấp 10, nhiều cây cối bị quật ngã. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng, đặc biệt nước sông Hàn dâng cao.
Mọi hoạt động giao thông ở Đà Nẵng tạm thời ngưng hoạt động, các tuyến đường không một bóng người.
Ảnh Vietnamnet
Theo báo cáo nhanh, Đà Nẵng đã bắt đầu sơ tán 11.000 hộ với 55.000 người, chủ yếu thuộc các Q.Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và đặc biệt là huyện Hòa Vang (nơi được dự báo là tâm bão). Đến 15h chiều nay, các lực lượng chức năng đã sơ tán được 8.000 hộ với 42.000 người về nơi trú ẩn an toàn. Số hộ còn lại, dự kiến sẽ được sơ tán trong đêm nay. Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng tính đến 7 giờ sáng nay đã có 1.832 phương tiện tàu thuyền với 7.432 lao động của TP vào bờ an toàn. Tuy nhiên vẫn còn 16 tàu thuyền/225 lao động đang ở trên biển; trong đó có 3 tàu cá (ĐNa90090, ĐNa 90098 và ĐNa 90039) với 37 lao động đang ở khu vực đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được xác định là nằm trong vùng nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 11, Sở GD-ĐT Đà Nẵng vừa gửi công văn khẩn tới các phòng giáo dục quận, huyện. Theo đó, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học từ chiều 14/10 và ngày 15/10.
Tại Thừa Thiên Huế:
Gió rít lên từng hồi, nhiều mái tôn của nhà dân đã bị quật, mưa lớn trên diện rộng. Khu vực xóm Cồn Đâu bị sóng biển cao 3-5m bị đánh sập. Đến 20g tại thôn 2 xã vùng biển Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 xóm bị chia cắt.
Đến 22h25 toàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức bị ngắt điện. Khu vực thị trấn Lăng Cô gió rất mạnh, có một số cây cổ thị bị quật ngã. Nước sông Hương dâng cao.
Tại Quảng Ngãi: Huyện đảo Lý Sơn bị bão càn quét
Vào 18h30 tối nay (14/10), toàn huyện đảo Lý Sơn đã bị mất điện lúc 18g30 do gió giật làm ngã trụ điện, đứt dây điện nên cả đảo chìm trong bóng tối, mọi ngôi nhà đều cửa đóng then cài, không một bóng người và không thấy xe cộ.
Đoạn đường từ xóm Cồn ra tận trạm Hải Đăng, nước mưa ngập đường, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Chiều tối đảo Lý Sơn gió mỗi lúc mỗi lúc mạnh hơn, gió hú và rít lên liên hồi kinh khủng, cộng thêm mưa mù trời, nặng hạt. sóng biển cao ngất, hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái, hàng trăm cây cối bị gió bão bẻ gãy ngổn ngang trên đường từ đầu đến cuối đảo.
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, thống kê sơ bộ đến 18h hôm nay, bão số 11 đã làm hàng chục nhà dân ở xã An Hải, An Vĩnh bị tốc mái, hư hỏng, chính quyền đã di dời người dân vào nơi an toàn. Đồng thời, bão đã khiến mái tôn Trường tiểu học An Hải và chợ thôn Tây, xã An Hải khiến hai công trình này thiệt hại nặng nề. 150ha hành của người dân Lý Sơn bị ngã đổ, hư hỏng hoàn toàn. Hiện tại sóng biển rất lớn, cột sóng cao đến vài mét bổ vào đê kè Lý Sơn.
Tại Quảng Nam: Sơ tán 22.000 dân
Đến cuối giờ chiều 14/10, bão đã gây mưa rất to tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Quảng Nam và gió lớn ở các địa phương ven biển như Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn… Mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn xấp xỉ báo động 1 và nước đang tiếp tục dâng lên do thủy điện xả nước.
Có 26 hồ/73 hồ chứa đã tích đầy nước. Các hồ thủy điện Đắc Mi 4, A Vương, Sông Bung 6 đều đã vượt cao trình ngưỡng tràn và đều đang tích cực vừa xả nước phát điện, vừa xả tràn, tổng lưu lượng các hồ xả về sông Vu Gia là 1.013m3/s.
Toàn tỉnh còn 79 tàu với 2.504 ngư dân đang hoạt động trên biển, chủ yếu là tàu đánh cá xa bờ. Trong đó, có 64 tàu với 2.297 ngư dân đang neo đậu tránh bão tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và có 15 tàu với 207 ngư dân đang hoạt động ở khu vực từ 11-13 độ vĩ bắc và từ 111-113 độ kinh đông. Tất cả các trường đều cho học sinh nghỉ học buổi chiều 14.10.
Đến chiều tối ngày 14/10, cả tỉnh đã tổ chức di dời được 7.311 hộ với 21.758 người dân đến các nơi trú tránh bão kiên cố hoặc xen ghép trong khu vực. Những địa phương có số lượng di dân lớn như: Điện Bàn di dời 3.516 hộ với 8.789 người; Tam Kỳ di dời 2.000 hộ với 6.000 người; Hội An di dời 755 hộ với 3.775 người; Duy Xuyên di dời 336 hộ với 989 người…
Tin bão khẩn cấp
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh 29m/s (cấp 11); đảo Bạch Long Vĩ gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh 20m/s (cấp 8); đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); ở Ba Đồn (Quảng Bình) và T.P Đà Nẵng đã có gió giật mạnh 17m/s (cấp 7).
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, một số nơi có lượng mưa lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 192.4mm, Nam Đông (Huế) 88.5mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 46mm.
Hồi 19 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 07 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 16/10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét, sóng biển cao từ 6 - 10 mét.
| |
T.T (Tinmoi/Doisongphapluat.com)