THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 October 2013

Cắt xén 10% tiền ăn của trẻ để… đóng thuế!

Đã từ lâu, cứ vào đầu năm học, phụ huynh hay bức xúc về các khoản thu ngoài quy định hoặc quan tâm đến chất lượng dạy của nhà trường, chứ chưa mấy khi để ý đến chất lượng bữa ăn tại trường của lũ trẻ. Chỉ đến khi Viện dinh dưỡng công bố chuyện người Việt thấp còi so với thế giới, trong đó giai đoạn dinh dưỡng học đường là rất quan trọng thì các ông bố bà mẹ mới giật mình tìm hiểu bữa ăn của con ở trường. Đúng là có tìm thì mới thấy, giống như chất lượng giảng dạy, dinh dưỡng bữa ăn học đường cũng vô cùng nhiều chuyện “xót xa”, như mới đây, tại Bến Tre, phụ huynh cực kỳ bức xúc khi tiền ăn cho con họ bị cắt xén 10% để mua hóa đơn theo quy định của Sở GD&ĐT.
Theo quy định của Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre từ năm 2011, Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre đã có công văn yêu cầu các trường công lập của tỉnh nhất thiết phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp cho các khoản chi phí cho trường học, kể cả tiền ăn bán trú do phụ huynh đóng. Vì thế, cô Phạm Thị Thành – hiệu trưởng trường mầm non Bảo Thuận (huyện Ba Tri) đã lý giải rằng những khoản chi phí như mua rau, gạo, cá, thịt,… ngoài chợ cho bữa ăn của trẻ thì người bán hầu như không có hóa đơn. Nếu trường muốn thì phải “chấp nhận để họ kê giá thực phẩm cao hơn giá thị trường để trừ vào 10% thuế ghi trên hóa đơn đó”. Thậm chí, theo cô Trần Thị Bé Năm – hiệu phó Trường mầm non Tân Thủy (huyện Ba Tri) cho hay: “Không có tiểu thương nào có hóa đơn để giao cho nhà trường, nên bắt buộc chúng tôi phải tự đứng ra mua hóa đơn rồi đến chi cục thuế nhờ họ viết giùm”. Tuy chính nhà trường cũng không muốn như vậy nhưng quy định bắt buộc, vậy nên đương nhiên, số tiền thuế chênh lệch đó phụ huynh là người phải chịu.
 
Trong khi tiền ăn của trẻ học mầm non bán trú trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay dao động từ 12.000-16.000 đồng/ngày, với việc cắt 10% tiền ăn do cha mẹ học sinh đóng để mua hóa đơn thì trung bình mỗi trẻ phải tự đóng thuế cho bữa ăn đó từ 600-1.600 đồng/ngày. Quy định này còn áp dụng đối với các xã nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Nghịch lý là trẻ học mầm non tại các địa phương này được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/ tháng nhưng vẫn phải trích ngược 10% để đóng thuế. Vậy là chi phí cho bữa ăn của lũ trẻ đã “eo hẹp” giờ lại càng thêm khó “xoay xở”.
 
Thực chất, theo ông Lý Chí Hùng – Trưởng phòng kế hoạch – tài chính thuộc Sở GD&ĐT Bến Tre thì quy định về yêu cầu có hóa đơn của Sở là hoàn toàn đúng chủ trương. Ông cho rằng, trong chuyện này, cái sai thuộc về người bán và của cả nhà trường. Cụ thể: trong giá bán đã có thuế, người bán phải xuất hóa đơn là chuyện bình thường, không được phép tính thêm chi phí cho việc cấp hóa đơn.  Nhà trường dùng tiền ăn để mua hóa đơn lại càng không đúng. Ngoài ra, việc chi cục thuế huyện bán hóa đơn cho nhà trường cũng không đúng quy định.
 
Nói là vậy, song giải pháp cho những rắc rối trên vẫn chưa được đưa ra mà càng phân tích lại càng mắc vào cái vòng “luẩn quẩn”. Quy định đưa ra để dễ bề quản lý, hơn nữa cũng góp phần bắt nhà trường phải mua được nguồn thực phẩm sạch, có hóa đơn đàng hoàng. Nhưng trên thực tế, với số tiền “eo hẹp” bởi phụ huynh cũng không dư dả gì, nhà trường khó có thể mua thực phẩm tại những chỗ đắt tiền có nguồn gốc đảm bảo mà chỉ mau tại chợ, nơi không phải bất kỳ hộ kinh doanh nào cũng có thể cấp hóa đơn cho người mua, nhất là những mặt hàng nhỏ lẻ. Sự rối rắm trong quy trình này rút cuộc được đẩy về cho lũ trẻ và phụ huynh phải chịu. Bởi nhà trường muốn đảm bảo làm theo quy định mà không muốn chịu thiệt về mình, khi đó, chỉ có phụ huynh là phải gồng lưng trang trải, còn các trẻ mầm non, những bữa ăn vốn dĩ chưa chắc được đảm bảo, giờ lại còn bị “cắt xén” hơn nữa.
 
“Đầu năm học là mỗi đứa đóng hơn 1 triệu đồng. Hàng tháng mỗi đứa đóng tiền ăn hơn 400.000 đồng nữa. Mẹ chúng thì đi mua gánh bán bưng, cha thì đi làm hồ. Nếu bị tính thuế kiểu đó coi như mỗi tháng mất tiền một ngày công làm hồ, một ngày tiền lời bán ngoài chợ của cha mẹ chúng rồi”, một phụ huynh xót xa.
 
Vẫn biết quy định thì luôn “đúng” nhưng không phải cứ nhắm mắt áp dụng mà xong. Trong trường hợp này, nếu Sở GD&ĐT Bến Tre chỉ biết đổ lỗi cho “người bán” sai mà không có sự điều chỉnh quy định hoặc giúp nhà trường có các giải pháp tháo gỡ khác thì sự việc vẫn đang bế tắc. Lũ trẻ đang lớn từng ngày nhưng chất lượng bữa ăn cho các bé lại không được đảm bảo, thậm chí còn bị cắt xén tiền ăn để đóng thuế trên từng “thìa cháo”. Nghe mà thấy xót xa!
 
Khi những mầm non tương lai còn đang phải gồng mình đóng thuế ngay từ tấm bé trong những bữa ăn, trách sao người Việt luôn thấp còi, nhưng lại luôn là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Không hiểu lũ trẻ con đã được người lớn dạy phải lạc quan ngay từ ấu thơ hay đã học được sự giả dối từ rất sớm? Chỉ biết rằng với những bữa ăn như thế, có lẽ tại các trường mẫu giáo này, câu chuyện cười dân gian “Cá gỗ” chắc đã được các cô đọc cho bé nghe nhiều lắn lắm.