ĐẤT VIỆT - 21/10/2013
(Tài chính) - Sáng 19/10, tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh.
Với sự tham dự của ngài Thượng nghị Sĩ Brett Mason - Quốc Vụ Khanh phụ trách ngoại giao của Chính phủ Úc và đại diện ADB tại Đông Nam Á.
Khởi công dự án cầu Cao Lãnh có nguồn vốn 3.000 tỉ đồng. |
Cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền tại TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, được khởi công với tổng giá trị xây dựng lên đến 145 triệu USD (tương đương 3.037 tỉ đồng) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM - Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh nhà thầu xây dựng thuộc Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C Việt Nam.
Đây là cây cầu lớn và hiện đại thứ hai sau cầu Vàm Cống và cũng là 1 trong 3 cầu vượt sông thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông.
Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 2 km (trong đó phần chính vượt sông dạng dây văng dài 650 m, phần cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực nằm ở đôi bờ sông Tiền thuộc TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò với có tổng chiều dài 1.434 m). Mặt cầu rộng 24,5 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Vận tốc thiết kế tương đương 80 km/giờ.
Theo Bộ GTVT, để phát huy hiệu quả của dự án và đồng bộ hạ tầng vùng ĐBSCL, đặc biệt là đối với các cây cầu Cần Thơ, Vàm Cống và Cao Lãnh thì cần nâng cấp tuyến quốc lộ 91 nối từ Cần Thơ, An Giang và đường tránh thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Dự kiến, cầu hoàn thành vào năm 2017 và phục vụ 170.000 lượt hành khách qua lại mỗi ngày.
Theo SGTT