VRNs (21.10.2013) – Thưa quý vị, vào trung tuần tháng 7.2013, nhà cầm quyền huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum ngăn cản và bắt dừng công trình xây dựng nhà nội trú cho các em dân tộc vùng xâu vùng xa do cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình quản lý, thuộc Giáo phận Kontum.
Sự việc bắt đầu vào tháng 7.2012, Giáo phận Kotum mua thửa đất nông nghiệp hơn 1.200 m2 từ một người dân thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kontum. Đến tháng 11.2012, một người thân cận của cha Bình đứng tên và xây dựng nhà nội trú cho các em dân tộc với diện tích thổ cư nhà cầm quyền cho phép là 120 m2 nhưng do nhà nội trú cần phần đất rộng hơn nên cha Bình đã nới rộng thêm diện tích đất thổ cư phù hợp với nhu cầu xây cất là 275 m2 (trên 1.200 m2 đất).
Vào trung tuần tháng 7.2013, nhà cầm quyền biết nhà nội trú này của cha Bình nên họ đã đã gây khó khăn, bắt tạm dừng thi công. Nhà cầm quyền cho rằng cha Bình đã vi phạm pháp luật về quy định hạn mức đất thổ cư của Huyện Dak Tô,cũng như không xin phép nhà cầm quyền trước khi xây dựng… nên nhà cầm quyền huyện Đắk Tô đã phạt hành chính cha Bình hơn 15 triệu đồng.
Không những thế, ban đêm, công an xã đến đe dọa, hạch sách các em học sinh và không cho các em ở trong nhà nội trú. Công an nói rằng, nếu các em còn ở trong nhà nội trú sẽ bị đuổi ra khỏi nhà và cho các em nghỉ học. Ở trường, các em ở trong nhà nội trú bị thầy cô hạch sách khi các em thể hiện niềm tin tâm linh của các em.
Để hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của cha Bình, chương trình Việt Nam Tuần Qua có buổi trò chuyện với cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng VP Công lý và Hòa Bình của DCCT Sài Gòn.
1. Thưa cha, qua sự việc của cha Bình ở huyện Đắk Tô, nhà cầm quyền cho rằng, cha Bình đã vi phạm pháp luật vì đã không xin phép nhà cầm quyền huyện Đắk Tô trước khi xây cất nhà nội trú và cha Bình đã vi phạm vượt hạn mức đất thổ cư theo quy định. Cha nhận xét như thế nào về điều này?
Trước hết, cần phải xác định pháp luật hiện hành chỉ điều chỉnh “nội trú” của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, như vậy, việc Cha Bình xây nhà mà Cô Huyền Trang đề cập chỉ được xem là “công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”như Điều 1 Luật Nhà ở qui định. Theo các thông tin được biết thì công trình này là nhà ở riêng lẻ, toạ lạc tại “vùng sâu, vùng xa” thuộc miền rừng núi huyện Dak-Tô, Tỉnh Kon Tum. Theo qui định tại điểm d khoản 1 Điều 62 Luật Xây Dựng, khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP thì công trình xây dựng này không phải có Giấy phép xây dựng. Còn theo Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND ngày 24/8/2005 của UBND tỉnh Kon Tum (được Quyết định số 05/2011 ngày 4/3/2011 của UBND Tỉnh Kon Tum dẫn lại) thì hạn mức đất ở tại nông thôn như nơi ở của Cha Bình là 400m2. Hạn mức đất ở thấp nhất của Tỉnh Kon Tum là tại khu vực thành phố Kon Tum cũng là 200m2. Như vậy, theo thông tin, Cha Bình chỉ được công nhận 120 m2 đất ở để xây dựng nhà là không phù hợp.
2. Thưa cha, nhà nội trú của các cơ sở Tôn Giáo cũng như nhà nội trú của Cha Bình có vi phạm đến pháp luật khi cho các em học sinh sinh viên ở nội trú với mục đích là có cơ hội học hành?
Như trên tôi đã nói, Thông tư số: 27/2011/TT-BGDĐT ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chỉ điều chỉnh “nội trú của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân’’. Còn các công trình xây dựng “để ở, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cá nhân” được xem là nhà ở. Trường hợp này, chủ nhà có quyền cho ở nhờ, và thực hiện qui định về tạm trú theo Luật Cư trú. Cụ thể là khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú qui định trong trường hợp cụ thể này là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã. Được biết, Cha Bình đã thực hiện đăng ký tạm trú nên việc nhà cầm quyền gây khó dễ cho ngài hoặc các em đang ở nhà này vừa là vi phạm pháp luật, vừa là xâm phạm quyền công dân, và nói theo ngôn ngữ những người “dân tộc” anh em thì “họ là những người xấu”.
Cần nhấn mạnh là việc sử dụng nhà của mình, cho các em học sinh ở nhờ chẳng những là việc làm phù hợp pháp luật mà còn được tôn vinh. Chẳng những là quyền mà còn là nghĩa vụ mọi người dân mọi tổ chức Tôn giáo. Cụ thể, Luật Giáo Dục qui định: “Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.” (Điều 12); Tổ chức và công dân có trách nhiệm: “c) Tạo điều kiện để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; d) Hỗ trợ về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình.” (Điều 97); và “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho giáo dục.” Ngoài việc được trừ chi phí thu nhập, được miễn gàim thuế, Điều 104 Luật Giáo dục còn qui định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho giáo dục; đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp.”
3. Thưa cha, các em ở trong nhà nội trú bị công an và thầy cô đe dọa, hạch sách và gây khó khăn khi các em thể hiện niềm tin tôn giáo của các em như là các em tham dự thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện… thì cha bình luận như thế nào về điều này?
Thực sự thì Luật Giáo dục có Điều 19 qui định: “Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.”. Như vậy, việc côn an, những người xưng là Thày, Cô đe dọa, hạch sách các em ở nhà của Cha Bình về việc các em thể hiện niềm tin Tôn giáo của mình như tham dự Thánh lễ tại Nhà Thờ, đọc kinh, cầu nguyện, học hỏi Giáo lý,…nếu có là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do Tôn giáo Công dân. Cụ thể, Điều 70 Hiến Pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. …Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”. Cũng vậy, Điều 1 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy…. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau.” Và khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh này quy định “1.Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.”
4. Thưa cha, qua sự việc của cha Bình thì cha Bình nên làm gì ạ?
Qua trình bày vừa kể, Văn phòng Công lý và Hoà Bình Dòng Chúa Cứu Thế xin được đề nghị với Cha thế này, Cha có thể yêu cầu nhà cầm quyền cung cấp qui định về Giấy phép xây dựng của Uỷ ban Huyện Dak- Tô, trong đó phải cụ thể “các điểm dân cư tập trung thuộc địa bàn phải cấp Giấy phép xây dựng” trong đó có nhà của Cha, theo đúng qui định tại khoản 2 Điều 62 Luật Xây dựng. Nếu không có qui định, Cha có quyền xây dựng công trình trên đất của Cha mà không phải có Giấy phép. Cũng vậy, việc chỉ công nhận cho Cha 120m2 đất ở là trái với Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND ngày 24/8/2005 của UBND tỉnh Kon Tum, Cha cần trình bày rõ, khu vực nông thôn của Cha phải được sử dụng 400m2 đất ở. Nếu nhà cầm quyền, hoặc những người xưng là Thầy, Cô …đe dọa, gây khó dễ, hạch sách…về việc cư trú tại Nhà của Cha cho các em ở nhờ hoặc bày tỏ đức tin, thực hành nghi thức Tôn giáo…của các em, Cha có quyền phản ánh, khiếu nại… Văn phòng sẵn sàng giúp Cha soạn thảo các Đơn trình bày, khiếu nại này.