BBC - chủ nhật, 20 tháng 10, 2013
Quốc hội Việt Nam dự kiến thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong kỳ họp kéo dài 41 ngày bắt đầu từ thứ Hai tới đây, theo truyền thông nhà nước.
Cuối tuần này, quan chức phụ trách văn phòng Quốc hội được báo chí Việt Nam dẫn lời cho hay kỳ họp thứ sáu, của Quốc hội khóa 13, sẽ 'tập trung xem xét, thảo luận' một số nội dung quan trọng từ thông qua Dự thảo hiến pháp sửa đổi cho tới báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch cho 2014.
Hôm thứ Năm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nói với báo giới trong nước cũng tại kỳ họp kéo dài này, Quốc hội sẽ miến nhiệm chức Phó Thủ tướng của ông Nguyễn Thiện Nhân, người được cử nắm ghế Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi được bầu vào Bộ Chính trị.Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng, được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời "nhấn mạnh đây là kỳ họp quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước như thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; biểu quyết thông qua Luật đất đai (sửa đổi); cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015)..."
Hai đề cử vào ghế Phó Thủ tướng, các ông Vũ Đức Đam, đương kim Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ được Quốc hội xem xét phê chuẩn dịp này.
Hôm thứ Sáu, tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, cho hay sẽ có 12 dự luật được trình lên Quốc hội trong kỳ họp, trong đó có các luật xây dựng (sửa đổi), luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, luật công an nhân dân (sửa đổi), luật bổ sung một số điều của luật sỹ quan quân đội v.v...
'Phát biểu tranh cãi'
Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện hành, hạ tuần tháng 9 vừa qua, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, phát biểu nói rằng ‘tuyệt đại đa số người dân Việt Nam’ đồng tình với những điều khoản chủ chốt trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Ông Tổng Bí thư cũng gây chú ý khi nhận định chính quyền và đảng cộng sản cần đề phòng ‘thế lực xấu’ đòi bỏ điều 4.
Đợt kêu gọi cử tri góp ý cho bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được quốc hội và chính quyền do đảng lãnh đạo phát động trong nhiều tháng qua cho rằng công tác góp ý cho sửa đổi Hiến pháp đã được thực hiện trên tinh thần "dân chủ, cởi mở".
Trong khi đó, nhiều ý kiến phản biện của cộng đồng Việt Nam trong nước và hải ngoại cho rằng bản hiến pháp đã không có những thay đổi cơ bản, với vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản, nguyên tắc chuyên chính vô sản tiếp tục được khẳng định.
Một số ý kiến từ giới quan sát từ trước cũng nói với BBC về việc một số nội dung như tòa bảo hiến, luật về đảng, cùng nhiều đạo luật khác liên quan tới bảo vệ các quyền cơ bản của người dân không được đảng và chính quyền đặt ra trong dịp này.