HÀ NỘI (NV) .- Từ khi Luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (năm 2010), cho đến tháng 9 năm 2013, CSVN đã chi 38 tỉ để bồi thường các loại thiệt hại do công chức gây ra.
Dân chúng đổ tới xem vụ Viện Kiểm sát thành phố Buôn Ma Thuột xin lỗi một người bị bắt oan. (Hình: Pháp Luật Xã hội) |
Thiệt hại mà hệ thống công quyền gây ra cho dân chúng, thường là từ các quyết định hành chánh sai hoặc là sai sót trong hoạt động tố tụng (giam giữ, truy tố, kết án oan). Sai sót trong hoạt động tố tụng chiếm khoảng 2/3 số vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Tuy tiền mà chế độ Hà Nội đã chi để bồi thường những thiệt hại do công chức gây ra cho công dân lên tới 38 tỉ nhưng Cục Bồi thường Nhà nước của Bộ Tư pháp, nhận định, khoản tiền đó vẫn chưa “phản ánh đúng tình hình thực tế”.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Cục phó Cục Bồi thường Nhà nước, tiết lộ, việc xem xét bồi thường thiệt hại cho công dân còn rất nhiều vướng mắc.
Vướng mắc lớn nhất là Luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước buộc phải có văn bản của cơ quan nhà nước, xác định sai phạm của công chức thì dân mới được làm đơn yêu cầu bồi thường.
Đa số nạn nhân chưa đòi được loại văn bản này.
Kế đến, việc thực hiện các quy định của luật còn hạn chế vì dân vẫn e dè, ngại va chạm với cơ quan nhà nước. Chẳng hạn một số trường hợp bị thu hồi đất sai, dân được trả lại đất là đã thấy đủ, không muốn yêu cầu cơ quan công quyền làm sai phải bồi thường thêm nữa.
Trong một cuộc họp báo hôm 17 tháng 10-2013, về việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, một số viên chức của Bộ Tư Pháp CSVN dẫn nhiều vụ để chứng minh, việc bồi thường thiệt hại mà công chức gây ra cho dân, tuy đã có luật song vẫn chưa thích đáng.
Chẳng hạn gần đây, Tòa án thành phố Thái Bình đã tuyên án buộc Tòa án tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Bình, 21 tỷ thiệt hại về tài sản và 600 triệu để tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, vì tuyên án oan với ông Phi. Khoản tiền vừa kể rõ rang là không nhỏ đối với ngân sách tỉnh Thái Bình nhưng những người tiến hành tố tụng sai cách nay hàng chục năm đều đã nghỉ hưu, thôi việc và họ chỉ phải nộp lại một khoản không đáng kể để bù đắp cho tổn hại ngân sách.
Tuy có vài vụ bồi thường nhanh chóng như vụ Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La bồi thường 30 triệu cho 23 ngày tạm giam oan một cô giáo – cô giáo này vốn có con bị hiếp dâm, nhưng khi nhận tiền bồi thường từ thân nhân kẻ hiếp dâm con gái của mình lại bị công an bắt khẩn cấp với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản” – khiến dân chúng phẫn nộ, chỉ trích dữ dội, song có không ít vụ mà Cục Bồi thường Nhà nước thú nhận họ bất lực, ví dụ như vụ ông Nguyễn Lâm Sáu, ở tỉnh Đắk Lắk.
Ông Sáu 74 tuổi và có 28 năm mang thân phận “bị can”. Dù việc bắt ông Sáu cách nay gần 30 đã được xác định là sai, phải bồi thường nhưng Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn kéo dài thời gian trả tiền bồi thường với hy vọng thuyết phục được ông Sáu hạ yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra đối với ông.
Một số cán bộ Cục Bồi thường Nhà nước nói thêm rằng, thiệt hại về tài sản do công chức gây ra có thể là nhiều nhưng thiệt hại về tinh thần mới nặng nề nhất và đây là loại thiệt hại rất khó để tính thế nào là “tương xứng”. Chưa kể, ngoài những thiệt hại gây ra do hoạt động tố tụng sai, còn có rất nhiều thiệt hại gây ra do sai phạm của công chức các ngành khác.
Số vụ đòi bồi thường do công chức trong lĩnh vực quản lý hành chính, thuế, hải quan gây ra thiệt hại đang tăng đáng kể.
Đã có một vài doanh nghiệp đòi bồi thường đến vài chục tỷ nhưng yêu cầu của bên bị thiệt hại và số tiền bồi thường nhận được trên thực tế còn khoảng cách rất lớn. Trường hợp ông Lương Ngọc Phi đã kể ở trên là một ví dụ. Ông Phi chứng minh việc Tòa án tỉnh Thái Bình kết án oan đã gây cho ông khoản thiệt hại lên tới 55 tỉ nhưng cuối cùng, ông Phi chỉ nhận được 21 tỷ.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng còn cảnh báo rằng, tuy Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quy định công chức làm sai, khiến chính quyền phải bồi thường thiệt hại cho dân, có trách nhiệm phải hoàn lại tiền cho ngân sách nhưng trên thực tế, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, thu tiền hoàn trả cho ngân sách còn rất hạn chế.
Theo bà Hằng, việc kỷ luật người thi hành công vụ có sai phạm dẫn đến thiệt hại cho dân và chính quyền phải xuất ngân sách bồi thường, cũng như việc kỷ luật những người không thực hiện trách nhiệm hoàn lại tiền mà ngân sách đã chi để bồi thường, chưa được xem xét kịp thời, thỏa đáng, công bằng nên “chưa thực sự mang tính răn đe”. (G.Đ)