Không chỉ “vơ vét” nhiều loại nông sản, những thứ lạ đời như đỉa, thương lái Trung Quốc còn ồ ạt gom đủ các loại lá, dễ cây của Việt Nam. Thậm chí, họ còn lùng mua cả các loại lá, dễ cây lạ mà người Việt không hề biết tên.
>> Thương lái Trung Quốc lại giở trò
>> Thương lái Trung Quốc "ào ào" mua dứa xanh
>> Thương lái lùng mua cây sắn
>> Thương lái Trung Quốc lại thu mua thân, rễ cây thuốc
Thu mua cả lá cây "vô tích sự"
Chị Lý Thị Mai, một người chuyên thu mua lá cây chu ka ở thôn Đông Hồng (Đông Ngũ, Tiên Yên), cho biết chị mới "vào nghề" được hơn 1 tuần và là đại lý cho bà chị họ chuyên buôn bán sang Trung Quốc. Mỗi ngày chị thu mua được từ 1-2 tạ lá chu ka tươi, giá từ 3.000 đồng/kg. Theo chị Mai, do vốn đầu tư ít nên số người làm đại lý như chị rất nhiều. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đông Ngũ, mỗi ngày các đại lý thu mua được vài tấn lá chu ka.
Từ khi lá chu ka có giá, ở vùng biên giới Quảng Ninh hình thành hai "vành đai": Dân ở vòng ngoài, xa rừng thì làm đại lý, người sống trong vùng rừng thì đi hái lá chu ka. Ở các xã Đại Dực, Phong Dụ, người dân đi hái lá chu ka như trẩy hội.
Mua lá điều khô
Không chỉ ồ ạt gom lá chu ka, tại tỉnh Đồng Nai, thương lái Trung Quốc còn thu mua cả lá điều khô.
Theo người dân nơi đây, lá điều khô rất hút hàng, học sinh và nhiều người lớn tuổi ở xã Gia Canh, huyện Định Quán vẫn tấp nập đi gom lá điều bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày họ có thể thu được từ 10.000-20.000 đồng từ việc gom lá điều khô đem bán. Chủ một điểm mua lá điều khô cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở mua 4-5 tấn lá điều khô. Sau khi mua, lá điều được ủ thành phân và bán lại cho một cơ sở đặt hàng.
Trước sự việc này, lãnh đạo UBND xã Gia Canh cho hay đã vận động đến từng hộ dân về việc không nên bán lá điều khô nhằm tránh tình trạng mất dinh dưỡng, độ ẩm cho đất, gây sinh trưởng kém cho cây trồng.
Bỏ củ lấy lá bán
Tại xã Đồng Phước A (Châu Thành, Hậu Giang), người dân còn đua nhau trồng cây sắn để lấy ngọn và lá bán cho các thương lái "bí ẩn". Song, bà con nông dân ở đây không hề biết nguồn gốc của những thương lái này ở đâu đến và họ mua ngọn, lá sắn để làm gì.
Được biết, trước đây thương lái chỉ mua ngọn và lá với số lượng ít, nhưng sau đó do sức mua mạnh, lại có giá nên bà con ai nấy cũng hăm hở đổ xô trồng loại cây này bởi thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 2 tháng. Bình quân, mỗi công cho thu hoạch 1,2-1,4 tấn, kể cả ngọn non và lá, với giá bán dao động trên dưới 1.500 đồng/kg, mỗi công có thể thu về 18-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, cứ khoảng 10 ngày hoặc nửa tháng, thương lái mới xuất hiện một lần để mua ngọn, lá sắn cho bà con, nhưng chỉ mua có 1 xe. Gần đây, thương lái ít xuất hiện khiến nhiều bà con trồng sắn ở xã Đông Phước A thấp thỏm âu lo như "ngồi trên đống lửa".
Mua rễ sim
Bên cạnh việc thu mua đủ các loại lá cây, thương lái Trung Quốc còn tìm mua cả những loại rễ cây ở Việt Nam .
Tại Lạng Sơn, vào đầu tháng 9/2012, hàng loạt người dân huyện Lộc Bình bất ngờ đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán "giá cao" cho thương lái Trung Quốc. Hiện nay, việc đào rễ sim đã trở thành "phong trào" ở nơi đây.
Hiện, thương lái Trung Quốc đang mua rễ sim với mức giá 2.500 đồng/kg. Với mức giá đó cộng với năng suất đạt gần 100 kg rễ sim đào được, mội ngày người dân có thể bỏ túi gần 250.000 đồng mà không tốn quá nhiều sức.
Việc thu mua rễ sim cũng chưa xác định rõ mục đính nhưng hậu quả mà nó để lại là khá lớn khi cánh rừng sim bị phá hủy trên diện rộng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, giảm khả năng ngăn nước từ thượng nguồn đổ về, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét. Ngoài ra còn ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh trật tự.
Tìm mua rễ, gốc tiêu
Tháng 4/2013, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (Gia Lai) xôn xao việc thương lái Trung Quốc thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua gốc, rễ cây hồ tiêu với giá cao.
Theo ông Mai Xuân Dũng ở thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, thương lái tìm tới tận nhà trực tiếp cân mua số gốc, rễ tiêu trên với giá 60.000 đồng/kg rễ, 20.000 đồng/kg gốc. Sau khi trả 15,3 triệu đồng trong tổng số 17,3 triệu đồng cho 450kg gốc và rễ tiêu trên, thương lái hẹn sẽ quay lại trả đủ số tiền nợ và vận chuyển hàng về TP. Pleiku tiêu thụ khi có số lượng lớn.
Từ đó đến nay, ông Dũng cùng vợ con tiến hành thu gom từ các vườn hồ tiêu già cỗi do người dân phá bỏ được khoảng 2 tấn, nhưng vẫn chưa thấy thương lái đến cân hàng..
Trước việc thu mua rễ, gốc tiêu bán cho thương lái Trung Quốc, không ít người dân trong vùng tỏ ra lo lắng bởi họ không biết mục đích thu mua những thứ đó về để làm gì. Trong khi đó, chính quyền địa phương đề nghị tổ chức tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, tránh bị lừa bịp.
Rễ cây lạ cũng mua
Vừa qua, tại xã vùng sâu Kon Pne (Kbang, Gia Lai), vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, rộ lên việc tận thu rễ cây T'rưng, một loại cây lạ để bán cho thương lái.
Theo tìm hiểu, cây này thuộc họ cây leo, mọc ở nơi ẩm ướt trong rừng sâu, lá bằng 3 ngón tay, có trái màu xanh, vị chua, khi chín trái màu đỏ và có vị ngọt. Còn cây tên là gì cũng không ai biết.
Sau khi đào được rễ cây, bà con đem về bán cho thương lái. Rễ cây tươi được thu mua với giá từ 3.000-5.000 đồng/kg, phơi khô thì 10.000-12.000 đồng/kg. Mỗi ngày vào rừng, một gia đình kiếm được vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng, nếu may mắn. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với người dân ở vùng ốc đảo khô cằn, đầy sỏi đá này. Mặc dù ồ ạt vào rừng đào bới, nhưng khi hỏi đến công dụng của loại rễ cây này thì không người nào biết.
Thực hư công dụng, cũng như mục đích của việc thu mua loại rễ cây này thì chưa ai rõ. Nhưng việc người dân bỏ nương rẫy, phá rừng đào bới rễ cây đem bán kiếm tiền khiến cho các nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng lại đang cạn kiệt dần.
Theo B.H (tổng hợp)
VEF