THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 September 2013

Tá hỏa thịt gà, vịt bị tiêm "nước bẩn" tăng trọng... trục lợi



(Kienthuc.net.vn) - Vì lợi nhuận, không ít cơ sở giết mổ đã thọc ống nước vào miệng bò, bơm nước vào đường tiêu hóa. Với thịt gà, vịt thì họ tiêm nước tăng trọng.
Bỏ tiền mua nước bẩn 
Theo PGS.TS Lê Văn Thọ, Khoa Chăn nuôi Thú ý, trường Đại học Nông Lâm TPHCM, bơm nước vào thịt gia súc gia cầm để giết mổ làm cho các tế bào cơ bị vỡ. Khi bơm một lượng lớn nước vào một vị trí như vậy, các chất bổ dưỡng trong thịt sau một thời gian sẽ theo nước chảy ra, nên chất lượng thịt giảm xuống. Về cảm quan, người ăn thấy thịt nhạt không ngọt và không có vị thịt đặc trưng riêng của từng loại gia súc, gia cầm. 
Mặt khác, nếu như lượng nước bơm vào thịt là nước bẩn, kém vệ sinh thì có thể kèm theo vi khuẩn chứa mầm bệnh đưa vào trong thịt. Khi nấu có thể vi khuẩn gây bệnh chết nhưng với thịt nhiều người thích món ăn tái thì nguy cơ nhiễm bệnh là khó tránh khỏi, dễ nhận thấy nhất là bệnh đường tiêu hóa. Về mặt thương mại, vì lợi nhuận làm tăng trọng lượng thì khi vận chuyển hay đun nấu thì thịt teo tóp, người tiêu dùng phải bỏ tiền mua một lượng nước bẩn, thiệt hại về kinh tế.
Thịt heo, gà, vịt hiện nay đều có thể bơm, tiêm nước tăng trọng và gian lận nhằm thu lợi nhuận, lừa người tiêu dùng. Có hai cách bơm nước: Với thịt heo, người ta đưa nước vào lúc chuẩn bị giết mổ bằng vòi bơm áp lực. Mỗi con heo bơm vào hàng chục lít nước làm trọng lượng tăng từ 5 - 10%. Đối với gà vịt thì thường dùng ống tiêm bơm nước vào trước khi giết mổ hoặc bơm vào cơ sau khi giết mổ. Chị em nội trợ khi chọn mua gà, vịt thịt sẵn thấy căng tròn phải nghi ngờ là chúng đã bị tích nước bên trong, vì con gà phải có góc cạnh. Thịt gia súc, gia cầm bị bơm nước những chất bổ dưỡng trong thịt từ bó cơ theo nước ngấm ra ngoài nên thịt nhạt và khi nấu nước ra èo èo.
TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TPHCM còn cho rằng, trước khi giết mổ heo, bò thì chủ giết mổ không đơn thuần là bơm nước tăng trọng mà đồng thời còn sử dụng một số loại thuốc, hóa chất phụ gia để tiêm, hoặc cho gia súc uống nhằm giữ lượng nước được lâu hơn trong cơ thể, trong từng thớ thịt. Chỉ đến khi người mua về đun nấu chế biến, nước mới tiết ra. 
Thịt bị bơm nước tăng trọng khó phát hiện bằng mắt thường.  
Khó phát hiện thịt gia súc bị bơm nước
BS Trần Văn Ký cho rằng, gia súc bị bơm nước trước khi mổ thuộc tình trạng bị "ngộ độc nước", đang từ vật nuôi khỏe mạnh bị biến thành vật nuôi mang mầm bệnh. Cơ thể gia súc bị ép đưa vào một khối lượng lớn nước trong khoảng thời gian ngắn khiến các chất dinh dưỡng trong cơ thể gia súc bị thay đổi hoàn toàn. Chất lượng thịt sẽ không còn ngon, thịt không còn săn, chắc. Chưa kể đến nguồn nước có thể nhiễm phèn, hóa chất, vi khuẩn, kim loại nặng... khiến người  ăn phải những thịt này dễ bị nhiễm bệnh. 
Với người tiêu dùng bằng mắt thường rất khó phát hiện thịt gia súc bị bơm nước, kể cả cách nhấn tay vào miếng thịt cũng không thể phát hiện. Với gà, vịt thịt sẵn thì dễ nhận biết hơn vì nguồn nước vào cơ thể chúng được tiêm vào cơ, nên thân gà, vịt phồng căng lên mỡ màng. Còn với thịt heo, bò thì rất khó, bởi thịt đã bị xả ra từng miếng. Chỉ đến khi đun nấu chế biến thấy nước từ thịt thôi ra nhiều thì đó là thịt gia súc bị bơm nước trước khi mổ, cần đun chín nấu kỹ trước khi ăn.
Những trường hợp gia súc, gia cầm bị bơm, tiêm nước vào cơ thể trước và sau khi giết mổ thường xảy ra ở những lò, cơ sở giết mổ lậu. Do đó, cơ quan chức năng nên tăng cường quản lý chặt và phạt nặng để răn đe. 
Chi cục Thú y Đà Nẵng vừa phát hiện 3 cơ sở giết mổ bò đều có hành vi gian lận thương mại, bằng việc bơm nước trực tiếp vào dạ dày bò nhằm tăng trọng lượng. Thường các chủ bò đưa đường ống dẫn nước mềm dài 1,5m vào và chỉ dừng lại khi toàn thân bò đã trương lên. Các chủ lò mổ biết việc này nhưng vẫn làm ngơ vì lợi nhuận được chia đều. 
Quỳnh Hương