THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 September 2013

Lãnh đạo chất lượng cao sao văn bản chất lượng thấp?



  Có thể thấy mọi số liệu đều chứng minh đội lãnh đạo Việt Nam chất lượng cao, tuy nhiên cũng chính vì thế mà người ta lại càng không hiểu nổi tại sao chất lượng văn bản nước ta hiện nay lại thấp đến vậy?
Như chúng ta đã biết đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý là lực lượng tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chủ trương, chính sách, bước đi, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Đồng thời đội ngũ này cũng là những người lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị công lập.
luat-dat-dai_thumb
Có thể nói rằng không một lĩnh vực, một nội dung, nhiệm vụ nào lại không cần đến đội ngũ cán bộ, công chức – lực lượng quan trọng, đi đầu trong việc tham mưu, đề xuất và lãnh đạo tổ chức thực hiện các chế độ chính sách nhà nước.
Chính vì vai trò và tầm quan trọng vô cùng lớn của đội ngũ lãnh đạo mà có lẽ không ít người Việt Nam đã cảm thấy tự hào về đội ngũ cán bộ chất lượng cao của mình.
Không chỉ khẳng định mình qua các kỳ thi công chức nghiêm túc, để sáng lọc những người có năng lực và trình độ cao, đội ngũ lãnh đạo còn chứng minh được năng lực của mình qua số lượng lớn các học hàm, học vị.
Theo thống kê của Bộ Khoa học – Công nghệ , hiện nay cả nước có một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
Những con số này quả là vô cùng đẹp, dễ dàng thuyết phục bất kỳ ai kể cả những người khó tính nhất trong việc tin vào năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức nước ta.
Tuy nhiên, trong khi chất lượng đội ngũ lãnh đạo đã được cộp mác chất lượng cao người ta lại không khỏi băn khoăn, thắc mắc tại sao thời gian gần đây lại có hàng loạt văn bản của Nhà nước, được các Bộ ngành, các cơ quan chức năng ban hành lại có chất lượng thấp và thiếu tính thực tế đến vậy?

van ban chat luong thap - phunutodayThời gian gần đây hàng loạt văn bản ‘trên trời’ được ban hành
Trên thực tế, chỉ trong 8 tháng qua, chúng ta đã có 4.178 / 252.798 văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính hợp pháp do các cơ quan chức năng từ cấp Trung ương tới các cấp địa phương ban hành. Con số ấy, được đưa ra tại một hội nghị tổng kết công tác của ngành Tư pháp diễn ra gần đây đã khiến người nghe phải giật mình.
Có thể kể ra đây một số ví dụ mà ai nghe đến cũng phải thở dài ngán ngẩm. Mới đây nhất, theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô…do Bộ Y tế và Bộ GTVT ban hành, để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua 83 tiêu chuẩn về sức khỏe.
Trong đó, có những tiêu chuẩn kỳ lạ như: Muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 cm3 trở lên (bằng lái A1, B1) thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm đã khiến dư luận không khỏi xôn xao thắc mắc. Sự việc càng được chú ý hơn khi chính quy định này đã được bộ Y tế đưa ra vào năm 2008 nhưng do sự phản ứng quá lớn từ phía dư luận và bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tuýt còi nên đã nhanh chóng bị hủy bỏ.
Trước đó không lâu là quy định bổ sung đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng từ thời Cách mạng Tháng Tám 1945 khi dự thi đại học. Mặc dù cơ quan ban hành đã cố lý giải việc này là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng nó đã được rút lại ngay sau đó sau vô số ý kiến phản bác và chỉ trích sự thiếu thực tế và không cần thiết của quy định này.
Hay Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình… Dự thảo này quy định phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ hoặc chồng có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (vợ) hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho người đó cũng như thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại…
Gần như ngay lập tức hàng loạt phân tích từ phía dư luận xã hội đã chỉ ra những điểm bất hợp lý, thiếu tính khả thi của các quy định trái khoáy này. Chẳng hạn, pháp luật quy định tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế tiền nộp phạt cũng là lấy từ túi tiền gia đình mà ra và người bị phạt là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây. Việc bị phạt cũng sẽ khiến vợ chồng bất hòa, nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội… Trước phản ứng trái chiều mạnh mẽ của dư luận, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ bổ sung, sửa đổi những điểm không hợp lý, khó thực hiện của quy định này
Tất nhiên, không phải toàn bộ 4.178 văn bản bị ngành Tư pháp “thổi còi” đều thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn, có thể có những văn bản chỉ mắc những sai sót nhỏ, mang tính kỹ thuật. Tuy vậy, dẫu phải thu hồi, hay chỉnh sửa nội dung, cũng đều gây lãng phí ngân sách.
Quan trọng hơn, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn còn ảnh hưởng tới các tầng lớp nhân dân, là tác nhân trực tiếp làm suy giảm niềm tin của công chúng vào năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức và bộ máy hành chính Nhà nước. Văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý càng cao, tầm ảnh hưởng tới người dân càng lớn.
Và vì thế người dân lại một lần nữa đâu đầu suy tư, thắc mắc về hiện tượng trái khoáy ở Việt Nam, tất cả đều đúng sao kết quả vẫn sai, lãnh đạo chất lượng cao mà sao văn bản chất lượng lại thấp đến vậy?
Theo Phunutoday