THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 September 2013

Thuốc giá “bèo”, chất lượng kém “tràn” vào bệnh viện?

(Dân trí) - “Có những loại thuốc đầy đủ các tiêu chí đấu thầu, giá rẻ bằng 1/10 thuốc khác, thế nhưng bệnh nhân dùng thì không khỏi. Vì thế, không thể để những thuốc giá “bèo” nhưng chất lượng lại không đạt vào bệnh viện, bệnh nhân sẽ là người khổ đầu tiên”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức thẳng thắn chia sẻ tại buổi mở thầu nhận các hồ sơ đấu thầu thuốc vào BV Việt Đức theo hướng dẫn mới về đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện.
 
Lần đầu tiên báo chí được tham dự công khai buổi mở thầu thuốc tại BV. Ảnh: H.Hải
Lần đầu tiên báo chí được tham dự công khai buổi mở thầu thuốc tại BV. Ảnh: H.Hải
“Tự bắn vào chân” nếu nhập thuốc rẻ, kém chất lượng!
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Việt Đức là bệnh viện đầu ngành ngoại khoa, có những bệnh nhân phải mổ 3 - 5 lần. Vì thế, thuốc vào bệnh viện phải là thuốc tốt, giá hợp lý. Còn ham rẻ, đấu thầu thuốc rẻ thì chính người bệnh khổ, bởi thuốc chất lượng không tốt không thể nào chữa bệnh được. Cụ thể, một bệnh nhân nam bị viêm phúc mạc sau mổ cắt túi mật ở bệnh viện tuyến tỉnh vừa được chuyển lên bệnh viện Việt Đức ngày 29/8. Dù đã được mổ cấp cứu, được chỉ định dùng một loại kháng sinh tương đối tốt nhưng đến hai ngày bệnh nhân vẫn không cắt được sốt, bụng vẫn chướng lên và buộc phải thay một loại kháng sinh khác. Ngay sau khi dùng một ngày bệnh nhân đã cắt sốt, tỉnh táo, bụng xẹp.
Giám đốc BV Việt Đức cũng bày tỏ, với riêng bệnh viện Việt Đức, nếu cũng chấm thầu theo đúng thông tư về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6/2012) của Bộ Y tế, các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất, thì để lo cho toàn bộ số thuốc dùng từ nay đến hết năm 2014, BV chỉ phải chạy khoảng 150 tỷ. Nhưng nếu lấy đúng thuốc để chữa được bệnh cho bệnh nhân tại BV Việt Đức thì số tiền sẽ tăng gấp đôi.
“Rõ ràng, chấm thầu cho thuốc có giá thành thấp, tiền sẽ ít đi. Về mặt quản lý, chúng tôi rất muốn chi ít tiền. Nhưng chúng tôi là những người chịu trách nhiệm cho tính mạng bệnh nhân, đứng trước sự sống - chết của người bệnh, chúng tôi không thể làm thế được. Bởi những thuốc này nếu trúng thầu vào bệnh viện, có dùng cho bệnh nhân thì cũng không khỏi bệnh. Như thế, chúng tôi có tội với người bệnh”, ông Quyết thẳng thắn bày tỏ.
 
TS Quyết cho rằng, cùng là loại thuốc với hoạt chất giống nhau, hàm lượng giống nhau,
TS Quyết cho rằng, cùng là loại thuốc với hoạt chất giống nhau, hàm lượng giống nhau, cùng đủ tiêu chuẩn tham gia dự thầu nhưng Hội đồng tư vấn sẽ xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn thuốc tốt, giá hợp lý chứ không thể chọn thuốc rẻ, hiệu quả kém. Ảnh: H.Hải
Ông Quyết lấy dẫn chứng về một loại thuốc kháng sinh Ciprofloxacin, cùng tiêm tĩnh mạch, một loại hoạt chất, hàm lượng 200mg/100ml nhưng một loại thuốc có nguồn gốc từ Châu Âu sản xuất có giá đến 80.000 đồng/lọ, trong khi lọ thuốc còn lại chỉ có giá bang 1/10. “Về mặt pháp lý, cả 2 loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, đều có đầy đủ điều kiện dự thầu, cùng được chấm thang điểm kỹ thuật trên 70, nghĩa là đủ điểm dự thầu vào BV nên đương nhiên loại thuốc giá rẻ hơn được chấm trúng thầu. Đã có bệnh viện, sau khi “chấm” thuốc giá rẻ này thì đã không thể dùng cho người bệnh vì chất lượng quá kém, không đáp ứng điều trị. Vì thế, nếu cứ áp dụng cứng nhắc theo quy định của Thông tư 01 về đấu thầu thuốc vào BV thì chẳng khác nào tự bắn vào chân mình”, ông Quyết phân tích. 

Chọn thuốc tốt, người bệnh đỡ khổ
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho biết, bệnh viện vẫn thực hiện đấu thầu thuốc theo thông tư 01, tuy nhiên, quan điểm của BV là phải ưu tiên các loại thuốc có chất lượng tốt, có hiệu quả điều trị chứ không phải ưu tiên giá.
Theo thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6/2012) của Bộ Y tế, các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất. Thực hiện theo hướng dẫn này, nhiều tỉnh đã tiết kiệm được 20 - 30% chi phí tiền thuốc so với các năm. Tuy nhiên, một điều đáng báo động cũng được đặt ra, đó là bệnh nhân đáp ứng điều trị chậm.
Giám đốc BV Việt Đức cũng cho rằng, thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên phải có tiêu chí chấm thầu riêng. “Chúng ta không phải vì mục đích giảm giá thuốc nhằm trấn an dư luận mà phải đặt mục tiêu chữa được bệnh, đưa giá thuốc về giá hợp lý của thực tế. Nhà nước, Bộ Y tế cũng không khuyến khích chúng ta lấy thuốc rẻ mà không chữa được bệnh. Vì thế, tôi quán triệt là mua được thuốc đúng, giá hợp lý, không bao giờ được mua thuốc kém chất lượng”, ông Quyết khẳng định.
Cũng theo Ban giám đốc BV Việt Đức, những năm qua, BV Việt Đức luôn đặt tiêu chí thuốc tốt, giá hợp lý, chú ý đến từng mục đích sử dụng. Trong nhiều năm qua, Việt Đức đã chọn được giá hợp lý mà thuốc tốt vì đã có hội đồng đấu thầu thuốc với đầy đủ các chuyên gia của các lĩnh vực để phân tích thuốc nào tốt, thuốc nào không tốt.
TS Quyết bày tỏ: “Không dùng thuốc tốt rất nguy hiểm, vừa kéo dài thời gian điều trị, tăng gánh nặng cho người bệnh, vừa khó giảm tải được bệnh viện. Có một số thuốc bảo hiểm rất ủng hộ BV lấy thuốc hãng, thuốc đắt nhưng hiệu quả.
Với những loại thuốc đắt tiền này, BV Việt Đức có những quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng thuốc. Ví như những loại thuốc có giá trị trên 200 ngàn/ đơn vi thuốc đều được đưa vào danh mục để bác sĩ điều trị biết giá. Và khi kê đơn sẽ có đơn vị kiểm soát kê đơn. Đã từng có bác sĩ bị phạt vì kê đơn thuốc đắt tiền, dẫn đến tình trạng nhiều bác sĩ khác e dè trong chỉ định. Chúng tôi luôn chủ trương phải điều trị theo tình trạng bệnh chứ không phải là vượt quá chi phí điều trị”.
Hồng Hải