THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 August 2013

Rau xanh sốt giá vì mưa bão Giá rau tăng gấp đôi trong gần 1 tháng



gia-thucpham

Rau muống hiện đã 10.000 đồng/mớ, rau cải 25.000 đồng/kg, đỗ 25.000 đồng/kg, mức giá này đã tăng gấp đôi so với trước những ngày mưa bão cuối tháng 7. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đang rục rịch tăng.
Sau bão số 5, mặc dù được dự báo sẽ giữ giá cao thêm 1 tuần nữa nhưng đến nay, giá rau xanh không những hạ giá mà còn tiếp tục “tăng nhiệt” do mưa, bão liên tục trong những ngày vừa qua.

Mặt bằng giá quá cao

Mặc dù Hà Nội đang có nắng nóng nhưng chỉ trong 12 ngày đầu tháng 8 vừa qua, sau khi trải qua đợt mưa lũ kéo dài, miền Bắc lại liên tục đón bão số 5 rồi bão số 6, số 7 khiến thời tiết liên tục có mưa cộng với tâm lý lợi dụng tăng giá trong thời gian xảy ra thiên tai đã khiến giá rau liên tục tăng. Hiện, mặt bằng giá các loại rau xanh đều ở mức cao ngất ngưởng.
Rau muống 10.000 đồng/mớ bé tý. Rau cải cũng 25.000 đồng/kg, đỗ loại xấu cũng 25.000 đồng mỗi kg, bắp cải 25.000 đồng/kg. Nếu như sau bão số 5, giá rau đã sốt ở thời điểm đó với rau muống khoảng 8.000 đồng/mớ bé, rau cải 20.000 đồng/kg, đã tăng so với trước khi mưa bão xảy ra khoảng 40 % – 70% thì hiện tại, mặt bằng giá rau đã tăng thêm khoảng 20% – 25% nữa.
Như vậy, ước tính, chỉ trong vòng gần một tháng kể từ cuối tháng 7, giá rau xanh nhiều loại đã tăng gấp đôi. Điển hình như rau muống, nếu những ngày trước đợt mưa lũ cuối tháng 7, chỉ 5.000 đồng/mớ bé thì hiện đã 10.000 đồng/mớ, rau cải từ 12.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg – 30.000 đồng/kg.
Sáng 16/8, chị Nguyễn Thị Mai, người bán rau ở chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Giá rau lấy buôn hôm sau liên tục cao hơn giá hôm trước, chủng loại thì ít, rau già hoặc dập nát nhiều, phải nhặt, bỏ đi nhiều lá úa, thành ra tôi bán lẻ cũng phải bán giá cao hơn chút thì mới có lãi. Cứ tình hình này, không biết khi nào giá mới giảm, đắt quá, người mua không dám mua nhiều như hồi còn rẻ”, chị Mai nói.
Tại chợ Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, sáng 16/8, giá còn cao hơn so với chợ Nguyễn Phúc Lai, một mớ rau muống nhỏ đã 12.000 đồng. Thậm chí, cải ngồng còn lên tới giá 30.000 đồng/kg.
Các loại rau gia vị cũng tăng giá mạnh. Hành hoa lên 25.000 đồng/kg – 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg. “Mua 1.000 đồng hành hoa được vài cây bé xíu, cọng lá thì dập và vàng, úa nhiều”, chị Lan, một người mua rau tại chợ Ngọc Hà nói.

Dầu ăn, đường, bánh kẹo… cùng tăng giá

Trong khi ngoài chợ, các loại thực phẩm trong đó có rau xanh mỗi nơi mỗi giá, ngoài “tăng giá thật”, tiểu thương lợi dụng lúc nguồn cung không ổn định để đẩy giá, thì trong hệ thống siêu thị, nơi được cho là giá cả có tính chất bình ổn hơn cũng vừa nhận được nhiều thông báo tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, trong những ngày đầu tháng 8 này, nhiều mặt hàng tiêu dùng đã nhận được thông báo tăng giá của nhà sản xuất. Cụ thể, nhóm dầu ăn, đường, bánh kẹo.. .tăng mức 5% – 10%; các nhóm hàng đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm… tăng khoảng 3% – 5%. Tăng nhiều nhất là nhóm sữa, nước giải khát và nhóm hàng nhập khẩu ở mức 10%, thậm chí có những thông báo tăng giá tới 20%.
Nếu như trong tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,27% so với tháng 6, trong đó chỉ số giá nhóm lương thực thực phẩm giảm 0,3%, đóng góp tích cực giúp kéo CPI tháng 7 xuống thì đến tháng 8 này, áp lực tăng giá của nhóm hàng này lên chỉ số CPI là khá lớn.
Trước tình hình giá cả nhiều loại hàng thiết yếu tăng cao, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tỉnh theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tại địa phương, kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn.
Đặc biệt, các địa phương có xảy ra bão lũ cần có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định tại Luật Giá đối với những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
THEO KHÁM PHÁ