(Dân trí) - Hệ thống thoát nước dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng cứ mưa lớn là Hà Nội lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông, người dân Thủ đô ăn ngủ trên nước...
>> Mưa kinh hoàng, Hà Nội “chìm nghỉm”
Hàng ngàn tỷ đồng có "hút" hết nước?
Để khu vực nội thành không bị ngập úng mỗi khi mưa lớn, những năm qua Hà Nội đổ hàng nghìn tỷ đồng vào cải tạo, nâng cấp các dự án thoát nước. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án (đã hoàn thành), Hà Nội rót hơn 2.500 tỷ đồng để cải tạo các con sông, đặc biệt là hồ điều hòa Yên Sở rộng 130ha và xây dựng trạm bơm Yên Sở có công suất 45m3/giây…
Đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng cứ mưa lớn đường phố Hà Nội lại chìm trong biển nước
Dù hàng ngàn tỷ đồng đã và đang được đầu tư, nhưng cứ mưa lớn là người dân Hà Nội lại phải quay cuồng với ngập lụt. Điểm hình nhất là sau trận mưa kéo dài 3 ngày năm 2008, cả Hà Nội chìm trong biển nước suốt 1 tuần. Sau trận ngập lụt lịch sử đó, Hà Nội tiếp tục đổ tiền vào thực hiện giai đoạn 2 của dự án thoát nước với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, nhằm xây mới, nâng cấp các công trình thoát nước như nâng cấp trạm bơm Yên Sở lên công suất 90m3/giây, nạo vét hàng loạt ao hồ.
Dù vậy, từ năm 2008 đến nay, mỗi mùa mưa Hà Nội vẫn phải hứng chịu vài trận ngập nặng. Đầu mùa mưa năm nay, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, thành phố còn 20 điểm úng ngập (mưa 100mm/h). Các điểm đen được chỉ rõ như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, cửa ga Hà Nội (đường Lê Duẩn), Nguyễn Lương Bằng, Ngọc Khánh…
Trận mưa kéo dài hơn 1 ngày do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, cả Hà Nội lại chìm trong biển nước. Nhiều tuyến đường bị nhấn chìm khiến giao thông bị chia cắt. Đặc biệt, các tuyến đường 70, Trần Bình, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh… một ngày sau khi tạnh mưa vẫn mênh mông nước.
Ảnh hưởng cơn bão số 6, trận mưa kéo dài 1 ngày khiến hàng loạt ô tô, xe máy bị hư hỏng nặng
Mưa lớn cũng khiến bờ đê sông Nhuệ bị tràn. Ngay từ 4h sáng ngày 9/8, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phải huy động hơn một trăm chiến sĩ phối hợp cùng nhân dân ra cứu bờ đê sông Nhuệ đoạn qua huyện Từ Liêm. Để “giải cứu” đê sông Nhuệ, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng phải mở cửa cống Thanh Liệt tràn ngược vào sông Tô Lịch ra trạm bơm Yên Sở thoát qua sông Hồng.
“Ba ngày, Hà Nội chịu ảnh hưởng 2 cơn bão liên tiếp, đặc biệt cơn bão số 6 lượng mưa đo được trong 24 giờ có khu vực lên đến 270mm. Lượng mưa lớn như vậy khiến hệ thống thoát nước của thành phố bị quá tải, đặc biệt mực nước sông Nhuệ lên rất cao ảnh hưởng tiêu thoát nước khu vực đường vành đai 3”, ông Lê Vũ Quảng Sương, Trưởng phòng Kế hoạch, công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết.
Hai năm nữa Hà Nội có hết ngập?
Theo Quy hoạch thoát nước được HĐND thành phố thông qua năm 2012, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ đáp ứng được các vấn đề bức xúc như giảm thiểu ngập úng. Hà Nội sẽ giải quyết cơ bản ngập úng cho khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng đến sông Tô Lịch (quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai).
Bộ Tư lệnh Thủ đô rải quân cứu bờ đê sông Nhuệ
Sau nhiều năm đổ tiền của để nạo vét sông, hồ và nâng cấp công suất các trạm bơm, đến nay Hà Nội vẫn ngập mỗi khi mưa lớn. Vậy, mục tiêu trên liệu có hoàn thành trong 2 năm nữa? Kỳ vọng là vậy, nhưng đến thời điểm này, toàn bộ khu vực nội thành Thủ đô phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống tiêu thoát nước trạm bơm Yên Sở với công suất 90m3/giây. Còn lại là các trạm bơm nhỏ, trạm bơm cục bộ chủ yếu dùng để tiêu thoát nước trong các hồ điều hòa.
“Trạm bơm Yên Sở không thể phục vụ cho toàn thành phố mở rộng. Trạm bơm này được làm theo quy hoạch từ năm 1995, chỉ phục vụ cho lưu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2”, ông Sương cho biết.
Theo ông Sương để đảm bảo thoát nước cho toàn thành phố mở rộng, Hà Nội cần phải xây dựng thêm một số trạm bơm với công suất lớn ở lưu vực sông Nhuệ. “Hiện nay, việc tiêu thoát nước lưu vực sông Nhuệ đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mới tiếp nhận một số trạm bơm thoát nước lưu vực này nhưng cũng đang phải cải tạo lại”, ông Sương nói.
Quang Phong