Tin về chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang
Hải Huỳnh (Danlambao) - Phái đoàn của ông Trương Tấn Sang đi Mỹ kỳ này sẽ rời Việt Nam vào ngày 22.7.2013 theo giờ Việt Nam và sẽ rời Mỹ vào ngày 28.7.2013 theo giờ Washington DC.
Nhưng ngày 21.7 thì tất cả các thành viên trong đoàn phải tập trung về nhà khách chính phủ ở Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến đi. Một nguồn tin nói cho chúng tôi biết là khi đến Hà Nội thì mọi liên lạc đều bị cắt đứt ngay cả với gia đình. Tất cả điện thoại di động, Laptop, Ipad của các thành viên tham gia chuyến đi đều bị thu giữ.
Một nguồn tin từ trong giới truyền thông cho hay là có khoảng 70 người tham dự chuyến đi bào gồm các thành viên của nhà nước, nhân viên an ninh, y tế, báo chí, doanh nghiệp, giáo dục, quốc phòng và đặc biệt là có phái đoàn của các tôn giáo đại diện. Nguồn tin này cho biết có 6 nhà báo tham dự chuyến đi và biết chắc là 4 đại diện chức sắc tôn giáo tháp tùng. 4 đại diện tôn giáo thì bao gồm 2 đại diện của Tin lành + 1 đại diện của Phật Giáo + 1 đại diện của Công Giáo.
Chúng tôi xác minh thì phía Tin lành có 2 mục sư tham gia chuyến đi ngày 22.7.2013 là:
1. Mục sư Đinh Thiên Tứ hiện đang là Giáo hội trưởng của Hội Thánh Cơ Đốc Liên Hữu có trụ sở tại 14/ 6 B Tam Đông - Tam Thới Đông, Huyện Hóc Môn, Sài Gòn.
2. Mục sư Y Ky Ê Ban là mục sư quản nhiệm Hội Thánh Êa Tul thuộc huyện CưMga, tỉnh Daklak. Mục sư Y Ky Ê Ban hiện đang là Ủy viên mục vụ của Tổng liên hội - Hội Thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam.
Hiện nay thì giới Tin lành trong và ngoài nước đều biết có sự tham gia của 2 mục sư Tin lành trong phái đoàn của ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào cuối tháng 7 năm 2013.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi ngay trước giờ bay từ Sài Gòn đi Hà Nội chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ (mục sư Đinh Thiên Từ chưa biết ngày đi) thì mục sư Đình Thiên Tứ cho hay là ông được mời bất ngờ sau khi đã mua vé đi Mỹ thăm con. Ông trả vé máy bay và đi theo phái đoàn của chủ tịch nước. Mục sư Đinh Thiên Tứ cho hay là đến giờ này người ta cũng không "định hướng" ông cái gì nhưng không biết sau khi ra Hà Nội thì phía nhà nước có dặn dò gì không? Theo mục sư Tứ thì ông được mời tham gia vì vừa rồi ông có chuyến thăm viếng các Hội Thánh người H'Mong ở Tây Bắc và ông được mời coi như là nhân chứng cho biết là ở Tây Bắc người H'Mong sinh hoạt tôn giáo tốt. Chúng tôi hỏi ông về chuyện có hay không việc nhà nước bắt bớ các tín hữu Tin lành thì mục sư Đinh Thiến Tứ cho hay là trong hệ phái Tin lành của ông có một số ít cán bộ ở vùng sâu làm khó dễ nhưng nói chung thì sinh hoạt tôn giáo thuận tiện. Khi chúng tôi hỏi ông về Nghị Định 92 vừa qua về tôn giáo thì chủ trương của nhà nước là xiết hay mở thì mục sư Tứ cho hay: Vì nghị định 92 giao quyền cho địa phương nhiều quá cho nên có thể nói là xiết. Nhưng tùy địa phương ở các thành phố lớn hay đồng bằng thì cán bộ áp dụng luật khá tốt nhưng ở các tỉnh miền núi thì có vấn đề. Mục sư Đình Thiên Tứ cho hay là ông không biết ngày nào phái đoàn đi và về nhưng chắc là ông sẽ ở lại thăm con và về Việt Nam sau.
Chúng tôi liên hệ với mục sư Y Ky Ê Ban thì mục sư Ê Ban đang ở sân bay Buôn Ma Thuột chuẩn bị đi Hà Nội vào lúc 9 giờ sáng chủ nhật ngày 21.7.2013. Mục sư y Ke Ê Ban cho hay là toàn tỉnh Daklak có khoảng gần 170 ngàn tín hữu Tin lành thuộc Hội Thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam. Ông cho hay là những năm gần đây việc sinh hoạt tôn giáo có phần thông thoáng hơn. Việc bắt bớ tín hữu rất ít xảy ra nếu có xảy ra là phía các chi hội Tin lành làm không đúng các thủ tục đăng ký sinh hoạt. Ông được phía an ninh hỏi là có quen mục sư người sắc tộc nào ở Mỹ không? thì ông cũng trả lời là ông có quen nhiều mục sư là người Ê Đê, Mơ Nông, Gia Rai, K'ho, Bana, Stieng hiện đang ở Mỹ nhưng ông không ở lại thăm ai mà đi chung và về chung với phái đoàn nhà nước. Một phần công việc của ông ở Daklak khá bận rộn. Chúng tôi hỏi ông việc nhà nước không chấp thuận việc tổ chức đại hội đồng thống nhất Giáo Hội Tin lành 2 miền Nam và Bắc vào cuối tháng 6 vừa qua thì mục sư Y Ky Ê Ban cho là hồ sơ của Tổng liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam không hợp lệ vi phạm cả điều lệ và nội quy của chính Giáo Hội nên phía nhà nước trả lời chính xác.
Cả 2 mục sư Tin lành đều trả lời phỏng vấn cách dè dặt và họ không có thông tin nhiều như các nhà báo tham gia phái đoàn.
Liệu phái đoàn của chủ tịch nước đem chuông đi đánh xứ người kỳ này có thành công? Cách đối phó với dư luận quốc tế và các nhà nước có dân chủ của Việt Nam xưa nay vẫn không đổi là mang tính chất đối phó nhiều hơn là thực chất.