Anh
La Văn Cầu sinh năm 1932 trong một gia đình nghèo, dân tộc Tày, tỉnh
Cao Bằng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh,
được nhiều cán bộ tuyên truyền giác ngộ, anh đã hiểu rõ nguồn gốc sự cực
khổ của người nghèo và người dân mất nước, nên hăng hái tham gia vào
công cuộc kháng chiến ở quê hương. Với khát khao được cầm súng giết giặc
giải phóng đất nước, La Văn Cầu mới 16 tuổi đã khai tăng lên 18 tuổi để
được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến
chống Thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui và ý
chí đã giúp anh vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ
gương mẫu, giàu lòng nhân ái, nên được anh em đồng đội rất quí mến. Anh
đã tham gia chiến đấu nhiều trận và lập được nhiều chiến công. Một
trong những chiến công mà từ đó tên tuổi của anh đã đi vào sử sách là Trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (từ 16 - 18.9.1950).
Trong trận đánh này, anh được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ
phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu (cửa mở trận đánh). Trong trận
đánh, anh bị thương nát tay phải và đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay ấy
cho khỏi vướng rồi tiếp tục đánh bộc phá mở đường cho đơn vị xung
phong.
Nếu
chỉ đọc những dòng chữ ghi tóm tắt chiến công đó thì chúng ta chưa thể
hình dung hết được sự ác liệt của trận đánh và chúng ta cũng không thể
hiểu hết được khí thế hừng hực của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được
hun đúc trong con người anh, người chiến sĩ mới mười tám tuổi đời và hai
tuổi quân. Để thế hệ trẻ hôm nay hiểu được trí thông minh, lòng dũng
cảm và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng hi sinh tất cả để
giành lại độc lập tự do cho dân tộc của thế hệ cha anh nói chung và của
Anh hùng La Văn Cầu nói riêng, chúng tôi xin trích giới thiệu một phần
bản tự thuật của anh La Văn Cầu về trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai
được ghi trong “Biên bản Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu” diễn
ra tại Việt Bắc từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 06 tháng 5 năm 1952, hiện
đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ
tướng, Hồ sơ 467:
“…Tiếp đến Chiến dịch Biên giới. Tôi tham gia trận Đông Khê. Trận này
là trận đánh Đông Khê lần thứ hai, tôi làm nhiệm vụ bộc phá viên của đơn
vị Đại đội. Trước khi ra mặt trận chúng tôi được lệnh gói bộc phá - lúc
đầu vì không có kinh nghiệm nên chúng tôi gói bằng lá tươi và buộc bằng
lạt thường, do đó bộc phá nổ không mạnh và hay hỏng - về sau tôi có
sáng kiến lấy lá chuối khô bọc bộc phá và buộc bằng lạt nấu nước sôi cho
chắc. Bởi thế nên có kết quả.
Trước khi ra trận tôi họp anh em trong tổ bộc phá để thảo luận về nhiệm
vụ. Tôi đưa ra ý kiến là tất cả anh em trong tổ đều phải quyết tâm làm
nhiệm vụ đến phút cuối cùng, dù phải hi sinh. Tôi lại bảo “Anh em chúng
ta phải cố gắng phá hàng rào và giao thông hào, lô cốt cho thật nhanh và
cho đến nơi đến chốn để đỡ xương máu cho anh em xung kích”. Các anh em
trong tổ đều đồng ý với tôi và hăng hái hứa cùng nhau làm cho được nhiệm
vụ, dù chỉ còn lại một người cũng quyết tâm làm xong nhiệm vụ của tổ.
Tổ tôi có 5 người do tôi làm tổ trưởng, lần này là lần đầu tiên chúng tôi đánh bộc phá - đơn vị tôi là đơn vị bộc phá đầu tiên.
Ngày 15 chúng tôi được lệnh xuất phát - chiều 16 đơn vị tôi bố trí sát
vị trí Đông Khê. Ban Chỉ huy ra lệnh cho đội bộc phá chúng tôi phải phá
cho được đồn to của vị trí. Tổ của tôi tiến lên phá hàng rào trong đêm
tối. Nhận thấy bộc phá có ít nên tôi nảy ra sáng kiến lấy mìn của địch
giật ở hàng rào dây thép gai phá hàng rào của nó. Chúng tôi lấy được mấy
chục quả mìn của địch chôn ở hàng rào, rồi làm nổ mìn và phá được hàng
rào của địch. Sau đó, chúng tôi tiến thẳng lên lô cốt. Lúc này, địch bắn
xuống như mưa. Tôi hỏi anh em có ai bị thương không. Trong anh em, tôi
biết có anh bị thương nhẹ, nhưng anh đó cũng không báo cáo thật, sợ mất
tinh thần anh em khác, nên đã giả lời không ai việc gì cả. Thấy tinh
thần anh em cao như thế, tôi rất phấn khởi. Tôi hô anh em xung phong.
Tiến lên được một quãng thì hai anh trong tổ bị trúng đạn, bị thương
nặng, không thể chiến đấu được. Các anh đó nhận thấy không thể tiếp tục
theo chúng tôi được nên có bảo ba chúng tôi thế này: “Chúng tôi bị
thương nặng không làm được nhiệm vụ nữa. Các anh cố gắng làm xong nhiệm
vụ và trả thù cho chúng tôi. Các anh nhớ lời anh Cầu bảo chúng ta trước
khi ra đi. Còn một người cũng cứ chiến đấu làm tròn nhiệm vụ đến phút
cuối cùng”. Thấy các anh vừa nói vừa khóc, chúng tôi thương hai anh quá.
Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ, ba chúng tôi lại hăng hái xông lên, nhất quyết
làm cho được nhiệm vụ để trả thù cho hai anh. Lúc đó tôi cảm thấy căm
thù bọn giặc quá. Chúng tôi tiến lên lô cốt địch, cách lô cốt độ 15
thước thì hai anh bạn đồng đội của tôi bị địch bắn trúng và bị hy sinh.
Tôi thấy hai anh bị hy sinh tôi thương quá. Nhân lúc hai anh còn nóng,
tôi ôm lấy hai anh hôn. Tôi nghĩ lúc ấy tôi thay mặt Tổ quốc hôn hai anh
để cảm ơn hai anh. Hôn xong tôi lại thấy căm thù giặc hơn nữa. Tôi nghĩ
phải nhất quyết phải trả thù cho hai anh và làm cho xong nhiệm vụ. Quân
địch vẫn bắn ra rất nhiều. Tôi hăng máu xông lên, tìm cách tránh đạn
địch, rồi vượt luôn ba giao thông hào - lúc này địch bắn si nhan sáng
loáng - chắc hẳn là nó nom thấy bóng tôi nên tôi nghe hô “a-lat-xô Việt
Minh”. Tôi vẫn bình tĩnh tiếp tục tiến lên lô cốt - đến gần lô cốt độ 10
thước thì tôi bị trúng đạn liên thanh của địch.
Đạn bắn trúng cánh tay phải của tôi và trúng vào má bên phải của tôi.
Tôi bị ngã và ngất đi trong mấy phút. Tôi tưởng chết, cố hô Hồ Chủ tịch
muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm. Khi tỉnh lại, tôi kiểm điểm lại
người tôi, thì thấy một bên mình đã tê đi, sờ đến cánh tay phải thì lủng
lẳng, má bên phải thì mất. Lúc đó tôi lại nghĩ đến nhiệm vụ của tôi.
Tôi vùng dậy, tìm gói bộc phá thì thấy gói đó bị văng đi cách chỗ tôi
mấy thước. Quả bộc phá nằm trên miệng giao thông hào chưa rơi xuống. Tôi
nghĩ may quá, nếu nó rơi xuống hào thì nổ mất còn gì - tôi đến lấy tay
trái nhặt quả bộc phá ôm vào người và tiến vào lô cốt - nhưng trong lúc
đi lại tôi thấy cánh tay phải lủng lẳng khó đi quá. Tôi liền nghĩ là
phải quay giở xuống tìm một anh bạn nhờ chặt tay đi thì mới làm được
nhiệm vụ. Rồi tôi quay xuống ngay. Đến nửa đường tôi gặp anh tiểu đội
trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên. Tôi bảo anh chặt hộ tay cho
tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó. Tôi nói cho
anh rõ ý định của tôi và nhất định yêu cầu anh cứ chặt tay cho tôi để
tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng lúc đó mới hiểu, bèn lấy mác
chặt cái tay bị thương đã gãy. Xong anh xé áo buộc cho tôi. Nhưng anh
quên làm ga-rô, nên đi được một quãng tôi thấy máu ở cánh tay phải cứ
chảy ra ròng ròng làm ướt đẫm một miếng vải buộc. Về sau miếng vải đó
cũng bị tuột ra. Nhưng tôi không để ý đến cánh tay nữa, tôi cũng không
biết đau nữa cứ chạy lên con đường cũ. Tôi đến chỗ giấu bộc phá nhặt lấy
rồi tiếp tục lên phá lô cốt. Quả bộc phá nặng 12 ki lô nhưng tay trái
tôi vẫn đủ sức xách lấy nó. Tôi lại vượt qua mấy giao thông hào. Nhưng
tôi nhảy hụt ở giao thông hào thứ nhất, lăn xuống giao thông hào. Tôi
lóp ngóp bò lên và tiếp tục tiến vào lô cốt. Qua giao thông hào thứ ba,
tôi lại nhảy hụt lần nữa, vì sức tôi đã yếu rồi. Tôi lăn xuống hào rồi
lại lóp ngóp bò lên. Tiếng súng liên thanh của địch cứ nổ ran, những lỗ
châu mai của nó cứ nhả đạn liên hồi - ở dưới giao thông hào tôi thấy mệt
mỏi quá. Nhưng tôi nghĩ lại nhời Ban Chỉ huy dặn phải phá cho bằng được
lô cốt này, vì vị trí Đông Khê là vị trí rất quan trọng, nó bảo vệ
đường số 4. Lô cốt này nó bắn xuống đường Thất Khê và bắn yểm hộ bốt Cam
Vây. Nếu không phá được lô cốt ấy thì quân ta khó tiến. Nghĩ thế, tôi
lại thấy hăng, lại xách bộc lôi nhảy lên. Tôi tiến đến gần chân lô cốt.
Tôi lấy quả lựu đạn giắt ở bên người, lấy răng rút chốt an toàn, ném vào
phía có lỗ châu mai để uy hiếp tinh thần địch. Lựu đạn trúng lỗ châu
mai, nổ, nhưng súng liên thanh của địch vẫn nhả đạn ra. Tôi men lại lỗ
châu mai, chờ cho địch thay băng đạn. Khi súng địch tạm im không bắn,
tôi xông lại, đút quả bộc lôi vào lỗ châu mai. Địch ở trong trông thấy
lấy báng súng đẩy ra hai lần. Lần đầu tôi lấy tay đẩy vào nhưng tay tôi
yếu không đẩy vào sâu được nên địch lại đẩy ra. Tôi thấy thế nảy ra sáng
kiến lấy chân đẩy quả bộc phá vào. Lần này, nhờ có sức mạnh chân, tôi
đẩy được quả bộc phá vào sâu, quả bộc phá bịt chặt lấy lỗ châu mai, địch
không đẩy ra được nữa. Ngay lúc đấy tôi giật nụ xòe rồi chạy ra xa lô
cốt độ mươi mười lăm thước. Quả bộc lôi nổ rất to.
Tôi bị sức ép của quả bộc phá làm ngất đi mấy phút. Lúc tỉnh lại còn nằm ở dưới đất, mở mắt nhìn ra tôi thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, tôi lại thấy bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt lướt qua mắt tôi vội nhảy vào vị trí Đông Khê. Tôi thấy sung sướng quá, nghĩ bụng đã trả thù được cho bốn bạn trong tổ của tôi.
Tôi bị sức ép của quả bộc phá làm ngất đi mấy phút. Lúc tỉnh lại còn nằm ở dưới đất, mở mắt nhìn ra tôi thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, tôi lại thấy bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt lướt qua mắt tôi vội nhảy vào vị trí Đông Khê. Tôi thấy sung sướng quá, nghĩ bụng đã trả thù được cho bốn bạn trong tổ của tôi.
Tôi đứng lên, chạy xuống tìm Ban Chỉ huy và xin Ban Chỉ huy cho phép
tôi lên phá nốt mấy cái lô cốt nữa. Ban Chỉ huy không đồng ý và ra lệnh
cho tôi phải về trạm quân y ngay. Tôi quay xuống chân đồi. Vừa xuống tới
chân đồi thì mấy quả đại bác của địch rót tới, nổ ngay gần chỗ tôi
đứng. Tôi bị bắn lên quá mặt đất mấy thước rồi mới rơi xuống, ngất đi
một lúc.
Lúc tỉnh dậy, tôi thấy bốn chị cứu thương đứng gần tôi, các chị bảo tôi nằm lên cáng để các chị cáng về. Lúc đấy trong đại đội tôi bị thương vong nhiều, tôi nghĩ tôi còn hai chân có thể đi một mình về trạm giải phẫu được để cho các chị cáng anh em khác lợi hơn. Bởi thế tôi không để các chị cáng, tôi đi một mình. Đường đi đến trạm giải phẫu cách bốn cây số. Tôi đi một lúc thì mệt quá phải nghỉ lại, rồi lại đứng dậy đi. Nhưng sau thì cứ đi một quãng lại ngã. Nhưng tôi nghĩ phải quyết tâm đi đến trạm giải phẫu. Dọc đường nhiều lần tôi khát nước quá, nhưng tôi nhớ lời dặn của bác sĩ, không được uống nước, nếu uống nước nhiều lúc ấy có thể chết. Tôi lại tranh đấu bản thân, cố nhịn không uống nước suối. Tôi phải trèo qua mấy cái đèo, nhọc quá. Đến sáng tôi mới về đến trạm giải phẫu. Chiều 17, bác sĩ cưa cụt cả tay phải của tôi đến bả vai. Được mấy hôm sau tôi thấy đã khỏe, tôi có đề nghị bác sĩ cho tôi trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ để góp phần chiến đấu với anh em. Bác sĩ không cho phép.
Lúc tỉnh dậy, tôi thấy bốn chị cứu thương đứng gần tôi, các chị bảo tôi nằm lên cáng để các chị cáng về. Lúc đấy trong đại đội tôi bị thương vong nhiều, tôi nghĩ tôi còn hai chân có thể đi một mình về trạm giải phẫu được để cho các chị cáng anh em khác lợi hơn. Bởi thế tôi không để các chị cáng, tôi đi một mình. Đường đi đến trạm giải phẫu cách bốn cây số. Tôi đi một lúc thì mệt quá phải nghỉ lại, rồi lại đứng dậy đi. Nhưng sau thì cứ đi một quãng lại ngã. Nhưng tôi nghĩ phải quyết tâm đi đến trạm giải phẫu. Dọc đường nhiều lần tôi khát nước quá, nhưng tôi nhớ lời dặn của bác sĩ, không được uống nước, nếu uống nước nhiều lúc ấy có thể chết. Tôi lại tranh đấu bản thân, cố nhịn không uống nước suối. Tôi phải trèo qua mấy cái đèo, nhọc quá. Đến sáng tôi mới về đến trạm giải phẫu. Chiều 17, bác sĩ cưa cụt cả tay phải của tôi đến bả vai. Được mấy hôm sau tôi thấy đã khỏe, tôi có đề nghị bác sĩ cho tôi trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ để góp phần chiến đấu với anh em. Bác sĩ không cho phép.
Xong chiến dịch, anh em trong đơn vị bình công, đề cử thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho tôi. Đề nghị đó được Bộ Tổng tư lệnh duyệt y. Ngoài ra, cấp Trung đoàn có quyết nghị khen tôi”…
Tấm
gương chiến đấu của anh La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết
giặc lập công trong toàn quân và trở thành lá cờ đầu trong phong trào
thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của quân
đội ta mở ra từ chiến dịch Biên Giới năm 1950. Với những chiến công của
mình, anh La Văn Cầu được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng ba
(năm 1950), Huân chương Kháng chiến hạng nhất và được phong tặng danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đợt đầu (năm 1952). Đã 59 năm
trôi qua kể từ ngày anh La Văn Cầu tham gia đánh trận Đông Khê, đất nước
đã thanh bình, Anh hùng La Văn Cầu đã nghỉ hưu, trở về với đời thường
nhưng phẩm chất của người anh hùng mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ
trẻ Việt Nam./.
Phạm Hải Yến- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III