Nếu tạo được niềm tin và sự công bằng cho người cống hiến, nhà khoa học sẽ sẵn sàng về nước, dù lương không cao và trang thiết bị nghiên cứu không bằng nước ngoài.
> Mỗi người giỏi về nước đều là vốn quý
Tôi hiện đang làm công tác nghiên cứu khoa học tại một trường đại học của Nhật. Tuy còn trẻ tuổi, tôi không muốn sống mãi nơi xứ người mặc dù lương cao. Nhưng cứ nghĩ tới việc về nước, tôi không hình dung ra mình sẽ làm gì.
Đến mức, tôi từng nghĩ là khi về nước sẽ dùng vốn tích lũy của mình bên này, mời ba mẹ của tôi ở quê lên thành phố sống cùng tôi. Buổi sáng mẹ bán đồ ăn sáng, cả ngày bán nước, và làm dịch vụ cho sinh viên (in ấn, photocopy, thể thao...), mua thêm chiếc xe tải nhỏ để ba tôi làm dịch vụ vận chuyển nội thành...
Còn tôi thì tìm một công việc bình thường để làm, và quán xuyến thêm công việc đã vạch ra cho ba mẹ.
Gần đây thấy báo chí xuất hiện thêm bằng giả, thứ mà tôi nghĩ nó đã tồn tại rất lâu trong xã hội ta. Không biết hiện giờ, khi tôi đang gõ những dòng chữ này thì có bao nhiêu tấm bằng giả đang được giao nhận, bao nhiêu kẻ lừa lọc đang công tác một nơi nào đó bằng những tấm bằng đó.
Những ổ sản xuất bằng giả bị cơ quan chức năng phát hiện ra chỉ là "một trong rất nhiều" thôi. Thật bất công cho những người học bằng chính năng lực của họ, học bằng mồ hôi công sức, bằng cả sự hi sinh của cha mẹ họ.
Nghĩ tới đó là tôi nản chí, không muốn về nữa. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là tạo được niềm tin và sự công bằng cho người cống hiến, họ sẽ sẵn sàng về nước dù lương không cao và trang thiết bị nghiên cứu không bằng nước ngoài.
Invisible