THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 August 2012

Dân chẳng muốn làm nạn nhân của tham nhũng



18/08/2012 15:56:20
 - Tại hội thảo Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, xếp thứ 112/182 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhân sự việc này.

Pháp luật tạo điều kiện cho... tham nhũng

Theo ông, việc một tổ chức quốc tế xếp hạng Việt Nam nằm trong nhóm các nước tham nhũng nghiêm trọng nói lên điều gì?

Tôi cho rằng, một tổ chức quốc tế đánh giá như thế rất đáng để chúng ta suy nghĩ và xem xét. Tuy nhiên, trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 cũng chỉ ra rằng tham nhũng đã đi vào tất cả các cơ quan từ dưới lên trên, lên cả cấp cao. Như vậy, có nghĩa ta đã thừa nhận nó là nghiêm trọng rồi. Tất nhiên, tham nhũng ở ta có từ lâu, nhưng chưa đến mức lan tràn như bây giờ thôi.

Nguyên nhân tràn lan theo ông là vì đâu?

Theo tôi có bốn nguyên nhân: Thứ nhất, do cơ chế và hệ thống pháp luật của chúng ta còn có khiếm khuyết, chưa chặt chẽ để người ta lạm dụng mà tham nhũng. Thứ hai là vấn đề đạo đức của công chức, tu dưỡng rèn luyện kém. Thứ ba, trong bối cảnh đời sống kinh tế của chúng ta còn khó khăn, thu nhập của cán bộ, công chức thấp nên người ta đang phải tìm cách xoay xở, do vậy tham nhũng là khó tránh khỏi. Cuối cùng là vấn đề muôn thuở: Cứ có Nhà nước thì có tham nhũng. Không phải tham nhũng chỉ có riêng ở ta mà ở hầu khắp các nước, chỉ có điều mức độ như thế nào mà thôi.

Nhưng thưa ông, chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), có Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, các địa phương cũng có Ban này rồi đấy thôi?

Ta có Luật PCTN với rất nhiều điều, kiểu gì cũng đúng nhưng đâu chỉ có Luật này mà phải là hệ thống pháp luật chứ! Cái căn bản là bây giờ, chính hệ thống pháp luật đang dẫn dắt, tạo điều kiện để họ tham nhũng. Ví như Luật Đất đai có quá nhiều sơ hở để cho người có chức quyền lợi dụng. Ngay bản thân Luật PCTN cũng quy định phải kê khai, minh bạch tài sản. Nhưng ai kiểm tra, ai giám sát, mức độ trung thực của việc kê khai đến đâu thì lại chưa làm rõ. Phần lớn kê khai thì ít hơn cái thực có, hơn nữa lại chưa có bước điều tra, xem xét xem tài sản đó có từ đâu ra mà chỉ là liệt kê đơn thuần. Do vậy, nhiều tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng chưa được làm rõ.

Có ý kiến cho rằng, để xảy ra những vụ việc lớn thời gian qua như Vinashin, Vinalines là do Quốc hội có thiếu sót. Ông nghĩ sao?

Đúng vậy. Vì các văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước đều do Quốc hội thông qua nhưng lại chưa hoàn chỉnh. Thứ nữa, trong việc giám sát, kết luận những vụ việc cụ thể còn chưa đi đến cùng.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm  ủy ban đối ngoại của Quốc hội.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội.

Có quyền trong tay, họ "tranh thủ" kiếm chác

Ông vừa nói đến tiền lương của công chức thấp nên dẫn đến tham nhũng. Phải chăng ông đang muốn ám chỉ tiền có thể mua được nhân cách?

Tôi không nói quan chức lương thấp là tham nhũng cả đâu, nhưng người ta phải xoay xở để đảm bảo cuộc sống vì có ai sống được bằng lương? Mà quan chức lại có quyền hành trong tay, họ dễ dàng "tranh thủ" kiếm chác. Một số người cứ lên gân lên cốt là phải "thắt lưng buộc bụng", nhưng khi người ta không đủ ăn thì phải bung ra. Mà đã bung ra rồi thì khó kiểm soát lắm! Cứ cho người ta mức lương để người ta đủ sống, đủ nuôi gia đình xem. Chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện.

Nhưng thưa ông, lòng tham thì vô đáy? Và nguồn ngân sách dành cho quỹ lương thì cũng có hạn?

Đúng thế. Bài toán về lương đã được đề cập hơn 20 năm nay rồi nhưng nó cứ luẩn quẩn, chưa có lối ra. Vì mức lương thấp nên thường phải cố tạo thêm các khoản bồi dưỡng, phụ cấp. Mỗi cơ quan áp dụng một kiểu. Mà tiền đó từ đâu? Từ ngân sách đấy chứ. Thế sao không quy hết về một thứ là lương đi, để áp dụng chung? Chính vì chưa làm được như thế nên tham nhũng vẫn tiếp diễn đến mức tràn lan.

Lãnh đạo về hưu mà nghèo cũng chẳng ai khen

Tôi không đồng tình ở điểm này. Vì thực tế, có những người điều kiện kinh tế khá tốt rồi mà họ vẫn tham nhũng đấy thôi?

Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, cho thấy đạo đức của nhiều cán bộ đang suy đồi. Khi vào Đảng, khi được bổ nhiệm thì họ giơ tay thề là hy sinh suốt đời cho lý tưởng cách mạng, cho dân tộc, nguyện làm người công bộc, người đầy tớ của dân. Nhưng ngồi ấm chỗ là người ta quên hết thì phải.

Theo ông thì vì sao họ lại "quên"?

Vì chủ nghĩa cá nhân, người ta không chịu rèn luyện mà thực dụng, chỉ chăm chăm vơ vào túi mình đã, mặc nhân dân biết bao nhiêu khổ đau.

Tham nhũng đang tràn lan. Nói chuyện đạo đức với cán bộ phải chăng là một điều... xa xỉ?

Cũng có ý kiến cho rằng như thế. Nhưng rõ ràng là, không thể hô hào cán bộ gương mẫu, giữ gìn phẩm chất mà rất cần đến các quy định của pháp luật. Có thể ví đó như chiếc "vòng kim cô" để họ chiểu theo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chế độ chính sách của ta chưa công bằng. Vậy nên mới có những người đương chức cố gắng rèn luyện giữ mình trong sạch cuối cùng về hưu lại khổ. Người đương chức khác lại nhìn vào đó thì thấy rằng mình phải "tranh thủ" trước khi về hưu. Nguy hiểm ở chỗ đó. Thêm nữa, thực tế là công chức ở cấp lãnh đạo khi về hưu mà nghèo khó cũng chẳng ai khen.

Dân chẳng muốn làm nạn nhân của tham nhũng

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, để tham nhũng tràn lan cũng có một phần trách nhiệm của chính người dân khi họ đang tiếp tay cho tham nhũng, chấp nhận làm nạn nhân của nó?

Không. Đó chỉ là sự chấp nhận bất đắc dĩ mà thôi. Vì thực tế, có những người kiếm ra được đồng tiền đã khó thì việc bỏ ra mấy chục nghìn, mấy trăm nghìn "phong bì" cho cán bộ, bác sĩ... khiến họ đau lắm chứ! Tôi tin, chẳng bao giờ người dân muốn thỏa hiệp, tình nguyện làm nạn nhân của tham nhũng đâu.

Nhưng thực tế thì người dân vẫn đang là nạn nhân của nó, cả trực tiếp và gián tiếp, khi tiền thuế dân đóng góp bị xà xẻo, chi sai mục đích, rơi vào túi một số cán bộ?

Thế nên, cần phải lấy lại niềm tin trong dân.

Bằng cách nào, thưa ông?

Là phải kiên quyết chống tham nhũng. Mà muốn vậy thì phải chỉ rõ ra, tham nhũng ở đâu và là ai? Những vụ điển hình phải chỉ rõ ra được người nào sai để xử lý, để lấy lại niềm tin cho dân chúng. Chống tham nhũng là phải như thế! Đương nhiên cũng phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo tôi, hiện nay hệ thống pháp luật mới đạt được 50 - 60% của yêu cầu chống tham nhũng. Tới đây phải phấn đấu đạt đến 80 - 90% mới mong ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Berlin - Đức. Hằng năm, tổ chức này tiến hành xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số cảm nhận tham nhũng theo thang điểm 10. Năm 2011, Việt Nam được 2,9 điểm (dưới 3 điểm được coi là tham nhũng nghiêm trọng). Cũng theo đánh giá của tổ chức này: Ở châu Á, tình hình tham nhũng của Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Vũ Thủy (Thực hiện)