Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang vận hành hết công suất các tổ máy, giảm nhanh mực nước lòng hồ để khắc phục rò rỉ, thấm dột đập chính thủy điện Sông Tranh 2. |
Nước thấm dột, rò rỉ trong đường hầm đã được thu gom qua các ống nhựa, nhưng vẫn chảy xối ra ra miệng hầm về phía hạ lưu. Ảnh: Trí Tín. |
Tại cuộc họp này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp khắc phục sự cố thấm, rò rỉ. Theo đó xử lý phải bắt đầu từ phía thượng lưu đập khi mực nước ở khu vực hồ chứa hạ xuống thấp.
Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 cho biết, nhà máy đang vận hành tổ máy với cường độ xả nước 230 m3 một giây. Nếu trời không mưa lớn, trong hai tuần tới hồ sẽ về mực nước chết (140 m). Khi đó việc khắc phục sự cố cho đập chính thủy điện được bắt đầu. "Các lỗi rò rỉ của đập đang được các đơn vị liên quan vẽ lại chi tiết để việc khắc phục được thuận lợi", ông Hải nói.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 2/4, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, về cơ bản tỉnh thống nhất với cách xử lý rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2 do Bộ Công thương và chuyên gia đưa ra, trên tinh thần là khắc phục dứt điểm trước mùa mưa lũ năm nay để đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn người ở hạ du.
"Phía chủ đầu tư cũng cam kết sẽ xây dựng phương án xử lý hiện tượng rò rỉ, thấm dột chi tiết theo lộ trình từng giai đoạn, thường xuyên báo cáo tỉnh, Bộ Công thương", Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết.
Chuyên gia Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây Dựng) túc trực ở công trường, giám sát xử lý sự cố rò rỉ, thấm dột ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP HCM, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM cho rằng, để đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn người dân hạ lưu, phải lập tức xả cạn hồ tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố.
Theo tiến sĩ Phúc, việc ngưng vận hành nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công suất máy của thủy điện Sông Tranh 2 chỉ 190 MW, chiếm gần 1% tổng công suất của toàn hệ thống điện Việt Nam (khoảng 20.000 MW).
Trong khi đó, giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam khẳng định giải pháp hiệu quả nhất để xử lý hiện tượng thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là áp dụng công nghệ mới dán lớp màng chống thấm (geomembrane) vào mặt thượng lưu và thi công trong nước. Giải pháp này không chờ giảm mực nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn hoạt động bình thường.
Còn tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký Hiệp hội sông Me Kong thì đề xuất Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nên tổ chức nghiên cứu và khảo sát thực địa sớm nhất có thể để đánh giá về vấn đề nước thấm tại đập Sông Tranh 2.
Trí Tín