(TNO) Không phải đối mặt nhiều với bão, cơn bão số 1 khiến người dân TP.HCM và miền Nam không khỏi bất ngờ, chới với. Tuy nhiên, các cơn bão đang có xu hướng di chuyển về phía Nam là điều mọi người cần làm quen.
Phóng viên Thanh Niên Online có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.
* Thưa bà, xin bà cho biết dự báo thời tiết TP.HCM và Nam bộ những ngày sắp tới?
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Hôm nay (2.4), bão số 1 đã tan. Trong những ngày tới TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung bắt đầu vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, không còn bão.
Nhiều cây lớn tại TP.HCM ngã đổ do bão số 1 - Ảnh: Khả Hòa
|
Dự báo, ngày 3-4.4, sẽ có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc. Đợt không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến miền Nam 1-2 ngày sau đó.
Chiều ngày 2.4, một vài nơi ở khu vực Nam bộ có mưa, tuy nhiên lượng mưa không lớn, do những đám mây là tàn dư của cơn bão.
Từ ngày 3.4, lượng mưa sẽ giảm và không còn mưa trên diện rộng. Một số khu vực có mưa là: ven biển miền tây Nam bộ (vùng biển Kiên Giang), ven biển miền đông Nam bộ và tỉnh Bình Phước.
* Bão đổ bộ vào đất liền ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 có gì là bất thường không, thưa bà?
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Đây rõ ràng là bất thường. Mùa bão của nước ta bình thường rơi vào tháng 6 đến tháng 11.
Còn thường vào thời gian này, trên biển Thái Bình Dương, khu vực biển Đông chủ yếu chỉ hình thành áp thấp và tan chứ ít khi hình thành bão. Nhưng vừa qua, áp thấp không tan mà mạnh dần thành bão và tồn tại lâu (đến 5 ngày).
Theo các số liệu thống kê, vào tháng 3, từ năm 1951 đến nay, trên biển Thái Bình Dương và khu vực biển Đông chỉ có khoảng 27 cơn bão hình thành nhưng duy nhất chỉ có cơn bão Parkhar lần này là đổ bộ vào đất liền.
* Nguyên nhân nào dẫn đến sự bất thường này?
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Nguyên nhân của những bất thường này là do biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trái đất ấm lên, kéo theo nhiệt độ nước biển tăng.
Vũng Tàu chống chọi với bão vào chiều tối 1.4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Điều kiện để bão hình thành trên biển là nhiệt độ nước biển trên 26,5 độ C.
Trước kia, nhiệt độ trung bình của nước biển khu vực biển Đông vào tháng 3 chỉ khoảng 25 độ C. Hiện nay, mới tháng 3 mà nhiệt độ nước biển đã lên đến 27 độ C.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu làm cho bão tăng và những vùng vĩ độ thấp (gần xích đạo như miền Nam nước ta) có bão.
Ngoài ra, hiện nay, hiện tượng La Nina vẫn còn ảnh hưởng đến nước cũng là một nguyên nhân gây ra bão. Dự kiến, qua giữa tháng 4 hiện tượng La Nina sẽ chấm dứt.
* Như vậy, trong thời gian tới, TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung có còn phải "gánh" bão? Bà có cảnh báo gì đến người dân?
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Cơn bão lớn gần đây nhất đổ bộ vào đất liền tàn phá miền đông Nam bộ và TP.HCM là vào năm 1904 (cũng là năm Thìn) nhưng lúc đó đã qua tháng 5 (ngày 1.5), làm hàng ngàn người chết.
Đáng báo động là ngày càng có nhiều vùng áp thấp nhiệt đới hình thành ở giữa và nam biển Đông, phía đông Trường Sa. Nếu các vùng áp thấp này mạnh lên thành bão thì rất nguy hiểm vì sẽ đổ bộ vào đất liền rất nhanh.
Rất may là cơn bão số 1 vừa qua di chuyển với tốc độ chậm 5-10 km/giờ nên chúng ta có thể trở tay. Thường tốc độ di chuyển của bão là 20-30 km/giờ. Như vậy, nếu không có sự chuẩn bị, bão di chuyển nhanh có thể chúng ta trở tay không kịp.
Hiện nay, bão đang có xu hướng dịch chuyển dần vào phía Nam. Mùa bão cũng kéo dài, có thể bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 chứ không từ tháng 6 như trước nữa.
Người dân TP.HCM hiện nay hầu như còn thờ ơ với thông tin bão. Mặc dù tin bão số 1 được thông tin liên tục trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều người vẫn tổ chức đi chơi, tắm biển… Người dân TP.HCM và Nam bộ cần làm quen dần với bão, tăng cường sự cảnh giác với bão.
* Cám ơn bà!
TP.HCM cần xây dựng ý thức người dân về bão Ngày 2.4, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, cơn bão số 1 đã gây thiệt hại về tài sản không chỉ trên địa bàn H.Cần Giờ mà còn ở một số quận trung tâm. Theo đó, có 2 căn nhà sập hoàn toàn, 9 căn hư hỏng một phần, 218 căn nhà tốc mái, 237 cây xanh bị ngã đổ, 2 chiếc tàu bị cuốn trôi, 11 chiếc ghe bị chìm, 2 trường học và 1 trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng, 31 phòng trọ và 1 chợ bị tốc mái… Riêng hệ thống điện bị hư hỏng 85 tuyến, đã xử lý được 72 tuyến, các tuyến còn lại đang phối hợp xử lý sự cố. Có 8 tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập, trong đó có 2 tuyến đường ngập nặng thuộc địa bàn quận 11 và Thủ Đức, 6 tuyến đường ngập nhẹ tại các quận 6, 7, Thủ Đức và Tân Bình. TP.HCM khắc phục sự cố tại hiện trường cây cổ thụ gần 100 năm tuổi ngã đổ do bão, đè lên nhà dân - Ảnh: Giang Phương |
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí đánh giá cao lực lượng công nhân công viên cây xanh đã không ngại nguy hiểm, có mặt kịp thời tại các điểm cây ngã đổ ngay trong mưa bão để thu dọn, giải tỏa ùn tắc giao thông. Ngành điện lực cũng đã có mặt kịp thời tại các khu vực xảy ra sự cố để khắc phục ngay, không để gây ra ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhìn nhận các phương án phòng chống lụt bão được vận hành tốt trên toàn địa bàn TP nên đã hạn chế được thiệt hại. Song kinh nghiệm phòng chống của một bộ phận cán bộ, người dân còn chưa cao vì cho rằng bão không đổ bộ vào miền Nam. Do vậy, ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo lãnh đạo các quận huyện trong thời gian tới phải quan tâm đến công tác phòng tránh bão như một nhiệm vụ quan trọng, không được chủ quan, đặc biệt là cần xây dựng ý thức của người dân về tác hại của bão lũ; trước và trong khi bão lũ ập đến thì cần thông tin kịp thời để người dân TP chủ động ứng phó. Đình Phú |
Nguyên Mi