Một tháng sau vụ 2 ngôi nhà của ông Vươn ở đầm nuôi nuôi trồng thủy sản bị phá hủy, Công an TP Hải Phòng được giao điều tra, khởi tố vụ án. |
Sáng 5/1, lực lượng cưỡng chế áp sát ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: L.H.Q. |
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau vụ nổ súng chống đối lực lượng cưỡng chế, cả 2 ngôi nhà này đã bị phá hủy. Do nằm ở đường lớn nên ngôi nhà 2 tầng bị máy xúc vào san phẳng, còn ngôi nhà cấp 4 có lối vào nhỏ nên bị đập đổ bằng búa. Bàn thờ, khung ảnh cùng nhiều vật dụng bị đốt cháy, nhiều đồ có giá trị bị lấy đi.
Trước đó lý giải về việc này, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền cho rằng, căn nhà gia đình ông Vươn bị phá do "đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp". Còn Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đổ lỗi "do nhân dân bất bình nên vào phá nhà ông Vươn".
Trao đổi với báo chí chiều 6/2, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh đổ trách nhiệm cho xã Vinh Quang bởi sau vụ cưỡng chế, huyện đã bàn giao lại khu đầm cho xã tiếp quản, đoàn cưỡng chế không có lệnh nào và không có ai tham gia phá nhà dân.
Còn Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm cho hay, do nằm ngoài diện tích cưỡng chế nên việc ngôi nhà bị phá sập "phải hỏi huyện, xã không nắm được", dù thực tế xã vẫn cử người bảo vệ hiện trường sau vụ cưỡng chế.
Một ngày sau vụ cưỡng chế, ngôi nhà 2 tầng đã chỉ còn là đống gạch vụn, các tài sản có giá trị không còn. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trước việc một tháng sau vụ cưỡng chế Công an Hải phòng chưa khởi tố vụ án phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, đây là việc làm chậm trễ, vi phạm các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự về trách nhiệm khởi tố điều tra vụ án.
Theo ông Bình, điều 142 Bộ luật Hình sự quy định, người có hành vi hủy hoại tài sản nói trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên).
Tiến Dũng - Thái Thịnh