Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-02-04
Hiện nay, ngành canh tác cây cao su tại Việt Nam sử dụng số lượng công nhân hơn 100 ngàn người.
Bên cạnh những khoản lương không nhỏ so với mặt bằng chung, công việc của người công nhân ngành cao su có những nổi vất vả riêng của họ. Thông tín viên Nhân Khánh có bài ghi nhận như sau.
Vất vả, nguy hiểm
Do động tác làm việc hay ngẩng mặt lên, người công nhân cạo mủ cao su không thể làm ban ngày để tránh mắt bị chói nắng, nên đặc thù công việc của người lao động ngành này là phải ra lô cạo mủ từ đầu khuya. Đây là thời điểm hoạt động mạnh của muỗi gây sốt rét, nhất là những tháng vào mùa mưa. Do đó ngoài cặp dao cạo, chiếc đèn pin gắn trên trán thì những cây nhang trừ muỗi luôn là những vật bất ly thân của người thợ cạo mủ.
Họ sẽ làm việc đến khoảng 6 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng thì những miệng cạo cuối cùng cũng vừa dứt. Trong lúc chờ mủ cao su chảy vào các bát sành, những người công nhân mới mang nắm cơm để sẵn trong cặp lồng ra dùng bữa sáng. Trong các cuộc trò chuyện của người lao động ngành cao su trong những ngày này vẫn là đề tài về tiền thưởng Tết, khi được hỏi về mức tiền thưởng Tết vừa qua, một người công nhân cạo mủ thuộc công ty cao su Việt Trung ở tỉnh Quảng Bình cho biết:
"Cũng có người được 5 triệu, 6 triệu, 7 triệu là được thưởng. Họ đạt tiêu chuẩn, họ vượt tiêu chuẩn. Người đạt, người vượt; người không đủ thì không có phần thưởng. Mà trước khi họ làm, đầu năm là phải đăng ký chiến sỹ thi đua, đăng ký tiên tiến để sau họ xét, mà phấn đấu để họ thưởng.
Chớ mình không đăng ký cái chi hết, mình cạo được mấy mình ăn mấy thì không có tiền thưởng. Không đăng ký là không phấn đấu rồi, không đạt là họ không xét."
Hiện nay, trong khi cây cao su thuộc khu vực Tây Nguyên và các vùng khác đã rụng lá hết, thì ở miền Đông Nam bộ vẫn cạo mủ đến gần giữa tháng này mới ngưng.
Nên có nơi như Công ty cổ phần cao su Tây Ninh, có số lượng ngày khai thác cao nhất Việt Nam là một năm tới 300 ngày. Theo ông Nguyễn Thái Bình, người phụ trách công bố thông tin của công ty này, cho biết:
"Thường quý I chiếm 10% thôi, nhưng mà năm nay chúng tôi khả năng chiếm khoảng 17 – 20%. Bởi vì vườn cây của chúng tôi bón phân vi sinh, cho nên rụng lá muộn. Rụng lá muộn vào mùa này, một ngày tôi khai thác vào cuối mùa này vẫn là sản lượng gấp 10 lần so với bắt đầu mở miệng chậu vào tháng 4, tháng 5."
Giữa rừng cây bạt ngàn không hề thiếu những hiểm nguy chực chờ quanh họ. Rắn, rết, bò cạp... luôn nấp sẵn đâu đó trong lô cao su, chỉ cần người công nhân sơ ý là chúng phóng tới. Nhiều công nhân lúc đi cạo mủ để xe ở giữa đám lô, vì mải mê công việc lúc cạo xong quay ra mới phát hiện bị mất trộm xe máy.
Riêng những người nữ thợ cạo mủ cao su có gia đình bên cạnh công việc nhọc nhằn còn có gánh nặng con cái. Lúc công nhân nghỉ sáng, họ lại tranh thủ tạt ngang qua nhà trông chừng con nhỏ. Đối với lao động trực tiếp cũng có những lo âu khác về tai nạn lao động như lúc đang làm việc hay bị dăm vỏ cây rơi xuống nhằm vào ngay mắt họ; trong thực tế, mắt bị viêm, sưng tấy đối với người công nhân ngành này chẳng phải là chuyện hiếm.
Đồng thời trong quá trình làm việc hay nhờ vào ánh sáng đèn điện, mắt phải tập trung cao độ lại thường xuyên ngủ không đủ giấc nên khoảng từ 40 tuổi trở đi, sức khỏe và mắt của người làm nghề này bắt đầu giảm sút rõ rệt.
Lương và thưởng
Để phòng cho hậu sự, đồng lương và mức thưởng Tết trong những ngày đang làm việc là rất quan trọng đối với người công nhân ngành cao su, khi trao đổi với ông Nguyễn Thái Bình, thì Nhân Khánh được nghe như sau: "Hiện thời đời sống cán bộ công nhân viên người lao động là nó liên quan mật thiết với cái kết quả làm ra của công ty. Nghĩa là như thế này, tôi bán ra trên doanh thu là 1 triệu đô la thì tôi sẽ trích ra khoảng 42% thành lập cái quỹ lương để trả cho cán bộ công nhân viên người lao động. Do đó nếu tôi bán giá mủ cao su cao thì người lao động sẽ có đời sống cao.
Trong năm qua thì công ty TRC có mức lương cao nhất của ngành cao su, bình quân một cán bộ công nhân viên thu nhập trong cái Tết khoảng 50 triệu."
Còn cụ thể lương bình quân hàng tháng của một người công nhân cạo mủ ở công ty này, ông Bình tiếp lời:
"Là 13 triệu bình quân trên 12 tháng, nhưng mà họ phải làm việc từ 2 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều."
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ 4 trên thế giới, nhưng công nghiệp chế biến cao su trong nước chưa theo kịp với tốc độ phát triển nguồn nguyên liệu, nên hiện nay chủ yếu vẫn là xuất khẩu dạng sơ chế, nếu rủi ro rớt giá thì người công nhân cao su sẽ chính là nạn nhân đầu tiên trong hoàn cảnh này.
Trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp ngành cao su đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tuy nhiên tình hình dự báo trong năm 2012, ngành cao su sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thái Bình đã phát biểu về phương hướng hoạt động mà Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC) đề ra ứng phó cho tương lai này:
Là 13 triệu bình quân trên 12 tháng, nhưng mà họ phải làm việc từ 2 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều.
Ô. Nguyễn Thái Bình
"Như hiện tại năm 2012, giá bán tụt so với giá bán bình quân năm 2011. Tuy nhiên công ty của chúng tôi là công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm phù hợp với thị trường. Có hai nhóm cao su, một là nhóm cao su cốm dùng để sản xuất săm lốp.
Thứ hai là cao su ly tâm, cao su này chủ yếu cung cấp nguyên liệu chính cho sản phẩm cao su y tế. Chúng tôi đi vào cái hướng đó thì nó tránh cạnh tranh với một số nhóm cao su khác. Chúng tôi chủ yếu tập trung cho thị trường Mỹ và châu Âu về cái nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất sản phẩm chăm sóc y tế là chính. Do đó chúng tôi sẽ có một hướng đi riêng, đặt mạnh vào nhóm cao su latex này. Gọi là ly tâm hay latex cũng là nó.
Cao su cốm khối truyền thống thì ai cũng sản xuất cái loại cao su này. Nếu mà ai cũng sản xuất cao su này, có lúc cung nó hơi vượt."
Thực tế cho thấy lãnh vực khai thác tài nguyên đất là một đại lộ rộng mở với những nhánh rẽ đem lại nhiều lợi nhuận và khả thi. Với hoàn cảnh của người công nhân hiện nay, dòng nhựa trắng cao su có thể giúp cuộc sống người lao động đổi đời, đưa tương lai con cái họ bay xa hơn những cánh rừng.
Hiệu quả kinh tế trước mắt mà cây cao su mang lại cho bà con nông dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm tăng thu nhập là điều không phải bàn cãi. Nhưng bên cạnh đó, hàng ngàn ha rừng tự nhiên đã bị triệt phá để phục vụ cho mục tiêu phát triển cao su. Việc phát triển diện tích đất trồng cây cao su cũng có những tác động nhất định đến môi trường, từng có ý kiến cho rằng, quan điểm phát triển cây cao su có thể giúp cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tương tự giống như chuyện bảo con người chặt đi một chân để thay bằng chân gỗ thì di chuyển tốt hơn.